Hưng Yên phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung chất lượng cao

Là vùng đất được bồi lắng phù sa châu thổ sông Hồng, thổ nhưỡng phì nhiêu được ví là 'bờ xôi ruộng mật', lại nằm trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Hưng Yên hội tụ đầy đủ các yếu tố hình thành nên một vùng cây ăn quả tập trung chất lượng cao gắn với thị trường tiêu thụ rộng lớn. Điều này không chỉ giúp người dân làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mà còn là chiến lược xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững của địa phương.

Đáp ứng yêu cầu thị trường

Gia đình bà Nguyễn Thị Thuận ở xã Phú Cường, thành phố Hưng Yên cho biết, Tết Nguyên đán năm nay niềm vui như được nhân đôi khi những vườn cây ăn quả đã mang lại một mùa bội thu. Với 3 mẫu đất bãi canh tác, gia đình bà Thuận đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả chất lượng cao, trong đó cây chủ lực là bưởi và hồng xiêm đã cho thu hoạch và được thị trường đón nhận, nhất là vụ bưởi thu hoạch đúng dịp Tết Nguyên đán đã tạo cho gia đình nguồn thu nhập ổn định và có tích lũy để tái đầu tư. Còn đối với Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mạnh Hiền, phường Hồng Châu những năm trước chủ yếu trồng nhãn, chuối và một số diện tích cây có múi. 4 năm trở lại đây, Hợp tác xã tích cực chuyển đổi, mở rộng diện tích cây trồng chất lượng cao, đa dạng hóa sản phẩm như ổi, hồng xiêm, táo... với tổng diện tích sản xuất hơn 15ha; năm 2023, trừ hết chi phí, mỗi thành viên có lãi từ 200 - 300 triệu đồng, một số thành viên có lãi từ 500 - 700 triệu đồng…

Thực tế cho thấy, nhờ nhạy bén tư duy trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà nhiều người dân thành phố Hưng Yên đã nhanh chóng làm giàu; hiện, giá trị bình quân trên một héc ta canh tác của thành phố đạt khoảng 255 triệu đồng, trong đó diện tích trồng cây ăn quả cho giá trị cao hơn hẳn với trên 300 triệu đồng/héc ta…

Nông dân đón nhận “trái ngọt” từ chuyển đổi sang các loại cây ăn quả có giá trị cao. Ảnh: Đào Ban

Để có bước phát triển đột phá trong ngành trồng trọt của thành phố phải kể đến Đề án số 01-ĐA/TU về chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển kinh tế khu vực nông thôn giai đoạn 2020 - 2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hưng Yên, ban hành ngày 20.1.2021. Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ yếu diện tích đất ngoài bãi tại các phường, xã, với diện tích chuyển đổi khoảng 290ha đang là đất trồng lúa, cây rau màu, cây lâu năm không hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cây có giá trị kinh tế cao.

Nhờ có Đề án, diện tích cây ăn quả chất lượng cao đã được chuyển đổi theo quy hoạch, kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế, bám sát thị trường. Năm 2023, toàn thành phố đã chuyển đổi được khoảng 35ha đất nông nghiệp, trong đó phần lớn là chuyển sang trồng cây ăn quả chất lượng cao. Cùng với đó, thành lập mới được 2 hợp tác xã về sản xuất cây ăn quả; triển khai thực hiện chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm nhãn quả tươi, chuối; triển khai khảo sát, tổ chức đánh giá 5 sản phẩm OCOP là long nhãn, mật ong, giống nhãn các loại... Hiện, thành phố đã có 2 loại nông sản đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể là nhãn lồng Hưng Yên và cam Quảng Châu...

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất

Không chỉ thành phố Hưng Yên, với nhiều nông dân Hưng Yên làm giàu ngay trên chính mảnh đất “bờ xôi ruộng mật” của quê hương không còn là điều lạ lẫm. Xác định trồng trọt là trụ cột chủ đạo của ngành nông nghiệp nên trong thời gian qua, tỉnh luôn chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng canh tác bền vững, giá trị gia tăng cao, nhiều mô hình trồng cây ăn quả đã khẳng định được hướng phát triển đúng hướng, cho thu nhập trung bình từ 300 - 500 triệu đồng/ha/năm.

Nói về trồng cây ăn quả thu nhập cao ở xã Vĩnh Xá, huyện Kim Động, không ai không biết đến anh Vũ Văn Phóng ở thôn Đào Xá. Với tổng diện tích canh tác 3ha chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả. Hiện gia đình anh Phóng đang trồng 1ha thanh long ruột đỏ; 1ha mít Thái Lan và 1ha na Đài Loan, vú sữa hoàng kim. Toàn bộ vườn cây ăn quả được trồng theo hướng hữu cơ, hạn chế tối đa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, mang lại cho gia đình anh thu nhập trên 2 tỷ đồng/năm.

Mô hình phát triển cây ăn quả tập trung chất lượng cao đang trở thành phong trào ở nhiều địa phương. Đây cũng là “trái ngọt” bước đầu Đề án phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, hoa, cây cảnh tập trung trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, dự kiến cây ăn quả toàn tỉnh có 17,5 nghìn héc ta.

Để Đề án thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả cao, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đỗ Minh Tuân cho biết, Sở tiếp tục đồng hành với các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp như bố trí kế hoạch sử dụng đất đai phục vụ phát triển cây ăn quả, hoa, cây cảnh tập trung; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong quá trình sản xuất. Tiếp tục thực hiện kế hoạch tổ chức chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP trên một số cây ăn quả chủ lực của tỉnh. Bảo quản quả bằng công nghệ màng, chiếu xạ, công nghệ sấy lạnh, sấy nhanh, kho lạnh, điều khiển nhiệt độ tự động. Sử dụng công nghệ thời tiết - môi trường iMetos dự báo, cảnh báo thời tiết - môi trường, thiên tai và sâu bệnh cho cây trồng, cải tạo và xây dựng hệ thống thủy lợi; nâng cấp và hoàn chỉnh hệ thống giao thông trục chính và nội đồng; xây dựng bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật cho vùng trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh tập trung. Xây dựng nhà sơ chế, chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm; đồng thời, thực hiện tốt các giải pháp về thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu…

Bách Hợp

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/hung-yen-phat-trien-vung-trong-cay-an-qua-tap-trung-chat-luong-cao-i361134/