Hun đúc tinh thần doanh nghiệp... trong bình đẳng

Người Việt có tinh thần doanh nghiệp không? Chắc là có. Ngày xưa ông bà ta đã từng bảo “phi thương bất phú”. Còn cuối năm ngoái, một cuộc điều tra về tinh thần doanh nghiệp do Đại học Technische Universität München (Đức) tổ chức cho thấy Việt Nam xếp thứ bảy trong số 44 nước được khảo sát, một thứ hạng không hề kém.

Thế nhưng từ một số diễn biến gần đây trong nền kinh tế cũng như giới doanh nghiệp, dường như cần phải vực dậy tinh thần doanh nghiệp trong giới kinh doanh Việt Nam hiện thời.

Trước hết, cần thấy rằng thực trạng doanh nghiệp trong nước, nhất là khu vực tư nhân, ngày càng teo tóp so với doanh nghiệp nước ngoài đã giáng một đòn rất mạnh lên tinh thần khởi nghiệp nói chung. Những người Việt quan tâm đến kinh tế nước nhà không khỏi tự hỏi chuyện gì đã xảy ra khiến các thương hiệu Việt đình đám một thời lần lượt rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài.

Trên thế giới, tinh thần doanh nghiệp hay tinh thần khởi nghiệp thường gắn liền với ý tưởng bắt đầu một việc gì đó mới mẻ để phát triển một sản phẩm mới chưa từng có. Trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, tinh thần này cần được bổ sung bằng sự gắn bó máu thịt với cơ nghiệp mình đã gầy dựng nên. Quan sát các động thái sáp nhập doanh nghiệp Việt gần đây, người ta có cảm giác các ông chủ trong nước đã đầu hàng quá nhanh trước các đối thủ nước ngoài ngay tại sân nhà, nơi mà lâu nay họ có một số lợi thế. Dường như nhiều người sẵn sàng bán doanh nghiệp của mình để lấy lại phần nào vốn liếng. Điều gì khiến họ phải làm như vậy?

Chắc trong thâm tâm họ cũng không muốn mất đi đứa con mình đã rứt ruột sinh ra. Nhưng có lẽ bên cạnh những nguyên nhân khác, điều làm họ bỏ cuộc giữa chừng là sự thiếu vắng lòng tin vào khả năng tồn tại trong một môi trường kinh doanh, làm ăn có quá nhiều bất trắc như hiện nay. Nhưng vì sao doanh nghiệp nước ngoài lại ít bị ảnh hưởng hơn? Một phần là vì họ được bảo vệ bởi các điều ước Việt Nam đã ký, như hiệp định thương mại tự do. Còn doanh nghiệp trong nước thì không được như vậy.

Do đó, dù không đến nỗi thấp, tinh thần doanh nghiệp Việt lại rất dễ bị thui chột trong bối cảnh hiện nay. Môi trường thuận lợi cho tinh thần doanh nghiệp không chỉ cần bảo đảm nguồn vốn cho các ý tưởng kinh doanh khả thi, bảo vệ sở hữu trí tuệ mà còn phải bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giúp họ liên kết được với nhau và giúp doanh nghiệp miễn nhiễm khỏi mọi nhũng nhiễu, nhằm hướng đến sự phát triển nhanh và bền vững. Rõ ràng sự thiếu vắng các yếu tố hỗ trợ khởi nghiệp này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động doanh nghiệp và khởi nghiệp tại Việt Nam. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp khó có thể thành công dù tinh thần doanh nghiệp của họ có cao đến đâu đi chăng nữa.

Nói cách khác, dù đã khẳng định sự bình đẳng nhiều lần, hun đúc tinh thần doanh nghiệp ở Việt Nam mới chỉ xảy ra trong... nền kinh tế quốc doanh, thể hiện từ văn bản pháp lý cao nhất đến việc thực hiện các chính sách trong thực tế.

Việt Nam hết sức cần một làn sóng khởi nghiệp mới nhằm chấn hưng nền kinh tế nước nhà. Năm 2016 phải là năm khởi đầu cho làn sóng đó.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/142698/hun-duc-tinh-than-doanh-nghiep-trong-binh-dang.html/