Hứa hẹn trên vịnh Vân Phong

Vịnh Vân Phong là một trong những báu vật mà thiên nhiên đã ban tặng cho tỉnh Khánh Hòa. Nó không chỉ là vùng vịnh đẹp mà còn hội tụ đủ mọi điều kiện thuận lợi nhất để trở thành vùng kinh tế trọng điểm với chức năng cảng trung chuyển container quốc tế làm trung tâm.

CôngThương - Vịnh sẽ là đòn bẩy thay đổi diện mạo kinh tế của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Vì vậy, trong một chuyến đến thăm và làm việc với tỉnh Khánh Hòa, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã phát biểu: “Mở rộng hơn nữa vùng vịnh Vân Phong, quy hoạch lại thành khu công nghiệp tổng hợp và có thể đây là một cú huých đẩy cả khu vực này lên…”. Ưu thế của thiên nhiên Từ nhiều năm qua, trong khu vực vùng vịnh Vân Phong đã hình thành một số hoạt động kinh tế du lịch như: khu du lịch Dốc Lếch, Đại Lãnh, Hòn Sơn-núi Hoa Lan, Hòn Ông- Đầm Môn,… Về kinh tế công nghiệp có Nhà máy đóng tàu HuynDai Vinashin, Xí nghiệp tuyển cát xuất khẩu và cảng cát Đầm Môn, khai thác, nuôi trồng thủy sản, nuôi ngọc trai... nơi đây cũng được xem là thế mạnh của quốc gia, được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Qua nghiên cứu địa lý, theo đánh giá của nhiều chuyên gia Liên Hiệp Quốc và các nhà nghiên cứu đầu tư phát triển, vịnh Vân Phong là nơi có tiềm năng vào loại hàng đầu khu vực Đông Nam Á để phát triển du lịch sinh thái. Song, với lợi thế cảng nước sâu, kín gió, nằm gần đường hàng hải quốc tế, lưu lượng hàng hóa chiếm trên 50% tổng lưu thông bằng đường biển của thế giới, là ưu điểm hội đủ của một cảng trung chuyển quốc tế lý tưởng trên bán đảo Đông Dương và khu vực châu Á Thái Bình Dương. Các nhà nghiên cứu cũng đã khẳng định: từ vịnh Vân Phong vượt Thái Bình Dương là con đường ngắn và thuận tiện nhất so với 2 cảng Hongkong và Singapore đang hoạt động nhộn nhịp. Ngoài khả năng phát triển, cảng có thị trường trực tiếp, đẩy mạnh lợi thế dịch vụ vận chuyển, dịch vụ cung ứng,… Cảng nước sâu kín gió Vân Phong còn là một trong những nơi trú ngụ tốt trên biển Đông... Để sử dụng và khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát huy mọi nguồn lực quý giá của vùng vịnh tuyến nước sâu này, ngày 11/03/2005, Thủ tướng Chính Phủ đã ký phê duyệt khu kinh tế vịnh Vân Phong đến năm 2020. Đồng thời, Thủ tướng Chính Phủ cũng đã phân công cụ thể các bộ Khu kinh tế vịnh Vân Phong còn nằm sát vịnh Nha Trang- một trong những vịnh đẹp của thế giới, đang được du khách trên toàn thế giới yêu thích. Từ năm 2001 đến nay, Vân Phong không chỉ được biết đến là thành viên của câu lạc bộ Những vịnh đẹp nhất thế giới, Vân Phong còn là vùng đất hứa hẹn một khu kinh tế tổng hợp đầy triển vọng: một thành phố du lịch cảng, một cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo của khu vực Đông Nam Á,… Chuyển mình khởi sắc Khu kinh tế Vân Phong là một trong 3 khu kinh tế trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa. Đến nay, khu kinh tế vịnh Vân Phong đã thu hút 84 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn trên 15 tỷ USD. Ngày 31/10/2009, cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (giai đoạn khởi động), 2 bến tàu chở container có sức chứa 9.000TEU, do Tổng công ty Hàng hải Vinaline làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 6.200 tỷ đồng đã chính thức khởi công. Dự án Tổng kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong được ví là “con gà đẻ trứng vàng trên đất Khánh Hòa” với tổng vốn đầu tư trên trên 122 triệu USD cũng đã khởi công và dự kiến đi vào khai thác vào cuối năm 2011. Hiện nay, trên khu kinh tế Vân Phong, nhiều dự án khác cũng đang khởi động như: khu du lịch dự án trạm phân phối xi măng của Công ty xi măng Nghi Sơn tại khu công nghiệp Ninh Thủy; Dự án xây dựng Nhà máy đóng tàu đại tải tại khu vực phía nam vịnh Vân Phong của Tập đoàn STX (Hàn Quốc); Dự án nhiệt điện than có công suất 2.400-2.600MW với tổng vốn 3 tỷ USD của Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản); Dự án Khu công nghiệp và đô thị Vạn Thắng (trên diện tích 264ha) của Công ty TNHH shinsojae Enrgy (Hàn Quốc); Dự án khu du lịch sinh thái Bãi Cát Thắm (276ha) do Tập đoàn T&M Trans làm chủ đầu tư,… Từ năm 1996 đến nay, nhiều hãng dầu thô nước ngoài cũng đã chọn vịnh Vân Phong làm địa điểm trung chuyển dầu thô trong khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, hoạt động trung chuyển dầu trên vịnh Vân Phong vẫn liên tục phát triển và đem lại nguồn thu lớn cho quốc gia từ thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng hàng ngàn tỷ đồng/năm. Theo ông Yoshiro Yoneda- trưởng đại diện của Tập đoàn Sumitomo tại Việt Nam: “Chúng tôi biết Việt Nam đang phát triển và chúng tôi quan tâm đến các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có khu kinh tế Vân Phong, là dự án quan trọng của Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản cũng rất quan tâm đến khu kinh tế này. Chúng tôi cũng đã hoàn tất hồ sơ dự án đầu tư vào khu kinh tế Vân Phong với tổng kinh phí dự toán 15tỷ USD. Chúng tôi sẽ xúc tiến thực hiện nhiều giai đoạn của dự án trong 20 năm”. Triển vọng trên vịnh Vân Phong không chỉ làm thay da đổi thịt và mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Khu kinh tế Vân Phong còn góp phần đáng kể vào phát triển của Việt Nam và của khu vực Đông Nam Á. Quỳnh Mỹ

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/details/du-lich-van-hoa/hua-hen-tren-vinh-van-phong/32/0/38506.star