Hũ muối của ba

Hồi nhỏ tôi hay thắc mắc, tại sao mỗi dịp cúng kiếng người ta đều rải gạo, muối mà không phải là thứ khác. Trong mâm cúng hễ thiếu gạo, muối là không thành lễ. Gạo là hạt ngọc trời, mấy ngàn năm nay dân ta đều dùng nó. Riêng muối thì phải lấy nước từ vùng biển có độ mặn cao rồi phơi trầy trật mới cho ra thành phẩm.

Trong cuốn Hậu Giang - Ba Thắc, học giả Vương Hồng Sển cho thấy nỗi cực nhọc của diêm dân xưa: “Hơi nước mặn bốc lên vùn vụt gặp chỗ nào mồ hôi ướt thì bám vào, khiến những nơi lắt léo như nách non, khóe mắt, khớp cùi chỏ, kẹt bẹn... đều có muối, nếu không tẩy sớm thì muối ăn nứt da thấu thịt”. Lúc này, diêm dân dùng nước mưa thấm bông gòn lau những nơi muối đóng rồi thoa dầu dừa lên.

Làm ra hột muối vất vả quá nên người ta trân trọng. Ba tôi năm nay qua thất thập, quanh năm suốt tháng chỉ dùng muối hột. Hồi xưa, ruộng nhà tôi nằm sâu trong đồng, đất lún máy cày không vô được nên mỗi lần đập lúa xong là ba tôi cầm phảng phát rạ để chuẩn bị cấy mùa sau. Trời nóng hầm hầm vậy mà ông làm hoài được hoài, ít nghỉ mệt và cũng ít ra mồ hôi. Tôi để ý, mỗi lần chuẩn bị làm nặng là bữa cơm của ba mặn mòi, cá kho nổi muối, nồi canh rau tập tàng cũng sắt se hơn. Tôi tự hỏi, liệu có phải nhờ muối hột đã góp phần đem lại sự dẻo dai của ông cha ta ngày xưa? Chỉ với cái phảng, cây cù nèo mà những bậc tiền hiền phang rừng bạt núi, khai hoang mở đất nên ruộng dây, ruộng mẫu bây giờ. Gia đình tôi gốc Ngũ Quảng, bạn bè tôi ngoài ấy kể, mỗi lần bão lớn thì người lớn cũng chỉ cần trữ gạo với mắm muối mà thôi.

Để có hạt muối ngon, diêm dân trải qua không ít những nhọc nhằn

Theo tôi tìm hiểu, tỉ lệ các thành phần khoáng trong máu người rất giống nước biển, mà muối lại là tinh hoa của biển cả. Hạt muối tự nhiên là một tổ hợp hoàn chỉnh của hơn 20 khoáng chất đa, vi lượng, rất phù hợp với sinh lý cơ thể. Muối hột ngoài yếu tố chính là Natri còn có các loại khoáng khác như Kali, Canxi, Sắt, Magie, Phốt pho,... Do đó, muối hột không quá mặn mà còn có hậu ngọt. Muối còn là nguyên tố dương, đem lại cân bằng âm-dương trong cơ thể, ngăn được bệnh có tính hàn như cảm cúm. Những võ sư có bài thuốc trị trật khớp, bong gân tay, chân rất hay. Theo đó, họ nấu nước sôi rồi cho muối hột vô, sau đó hơ cổ tay, chân. Khi nhiệt độ thấp xuống, họ ngâm vết thương vào phần nước ấy. Tôi để ý những ngư dân miền biển có xương khớp rất dẻo dai chắc khỏe, do hằng ngày họ được tiếp xúc với tinh hoa của biển chăng?

Từ lâu tôi học theo ba, chỉ dùng muối hột. Mỗi lần đánh răng, tôi khuấy nước muối loãng hoặc giã muối với dầu dừa. Đánh răng bằng muối hột không bị hôi miệng, chảy máu chân răng, ngày càng chắc khỏe. Đánh răng với muối một thời gian răng sẽ bị ố vàng. Lúc này tôi dùng vỏ cau tươi chà lên răng là sạch và sáng bóng. Nếu ai hút thuốc bị đen răng dùng cách này cũng có hiệu quả. Ba tôi dạy cốt yếu để miệng thơm tho là nói điều ái ngữ. Dù có chút nghi ngờ lời dạy ấy nhưng tôi vẫn thực hành, như là cách tu dưỡng bản thân.

Tôi học theo cách ăn uống của người xưa, nồi canh chỉ nêm muối hột cũng ngon, mớ rau, con cá kiếm ngoài biền cũng bổ. Tôi nhận thấy dường như đất trời đã lo liệu đủ cả rồi, ta khổ đau bởi ta cứ mãi kiếm tìm những điều mà chưa chắc đời ta đã cần đến nó. Hột muối là tinh hoa của biển, là phương tiện kết nối cái tình. Nó cần thiết, giản đơn và cũng đầy thi vị: Ai ơi chua ngọt đã từng/Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau!

An

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/hu-muoi-cua-ba-a175417.html