Hợp tác xã nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số

Kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) được xem là chìa khóa góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới hiệu quả. Tuy nhiên, để phát huy thế mạnh của mô hình này một cách toàn diện, cần có thêm những chính sách đột phá, các công cụ hỗ trợ.

Đóng gói sản phẩm tại Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Thanh, thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La).

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện Việt Nam có khoảng 20.500 HTX nông nghiệp, gồm 3,8 triệu thành viên, trong đó có hơn 51% HTX hoạt động tốt và khá. Đây chính là nguồn nội lực quan trọng để phát triển kinh tế nông thôn một cách bền vững.

Ghi nhận tại tỉnh Hà Giang, nhờ triển khai, lồng ghép các cơ chế, chính sách của Trung ương với địa phương, các HTX nói chung, HTX vùng đồng bào dân tộc nói riêng đã thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo liên kết theo chuỗi hàng hóa, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, xã viên.

Chúng tôi đến thăm HTX Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng, xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc. Đây là địa chỉ của thương hiệu mật ong bạc hà đạt OCOP 4 sao nức tiếng cả nước. Sau 7 năm hoạt động, từ nguồn vốn ban đầu 550 triệu đồng, đến nay đã tăng lên 3 tỷ đồng; số thành viên ban đầu từ 8 người giờ đã hơn 30 người. Số lao động thường xuyên 10 người, và gần 100 lao động thời vụ.

Đại diện Ban điều hành HTX Tả Lủng, Hoàng Lão Lử chia sẻ: hiện số đàn ong nuôi liên kết với người dân đã lên đến gần 2.000 tổ. Nhờ đầu tư nâng cấp trụ sở giao dịch, nhà ở công nhân, khu chế biến, chuồng trại, dây chuyền sản xuất bằng công nghệ máy hạ thủy phần, chất lượng sản phẩm mật ong tăng lên đáng kể. Trong đó, có sản phẩm đạt chất lượng OCOP 4 sao và được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý, cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

Từ một hộ nghèo, gia đình ông Mua Hồng Sinh, thôn Há Chế, xã Tả Lủng đã trở nên khá giả, nhờ nuôi gần 100 tổ ong theo mô hình liên kết để lấy mật bạc hà cung cấp cho HTX Tà Lủng. Ông Sinh cho biết, từ khi liên kết với HTX, được hỗ trợ về kỹ thuật cũng như bao tiêu sản phẩm, việc nuôi ong bạc hà của gia đình phát triên ổn định và cho thu nhập khá.

Để sản phẩm được biết đến nhiều hơn và tiêu thụ tốt hơn, các HTX chú trọng đầu tư bài bản, quản lý số và đầu tư sâu vào cơ giới hóa. Tại tỉnh Sơn La, địa phương đã có những thành công nhất định trong phát huy năng lực của các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Tính đến giữa tháng 12/2023, Sơn La có 997 HTX, 6 Liên hiệp HTX đang hoạt động. Doanh thu 11 tháng năm 2023 của mỗi HTX đạt 1,7 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho gần 11.000 lao động, thu nhập bình quân đạt 48 triệu đồng/lao động/năm.

Anh Lò Văn Sơn, dân tộc Thái, Phó Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Hồ Quỳnh, huyện Quỳnh Nhai cho biết: Được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, đến nay HTX có gần 300 lồng cá trên diện tích 4.500m2 chuyên nuôi cá lăng các loại, cá trắm đen, sản lượng đạt 150 tấn/năm. Mô hình của HTX đã khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế hồ thủy điện Sơn La...

Được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, đến nay HTX có gần 300 lồng cá trên diện tích 4.500m2 chuyên nuôi cá lăng các loại, cá trắm đen, sản lượng đạt 150 tấn/năm. Mô hình của HTX đã khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế hồ thủy điện Sơn La...

Anh Lò Văn Sơn, Phó Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Hồ Quỳnh

Hiện HTX có 8 thành viên là đồng bào dân tộc Thái, Kháng. Ngoài HTX nuôi trồng thủy sản Hồ Quỳnh, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều mô hình HTX làm ăn hiệu quả như: Mô hình HTX sản xuất, chế biến chè (Đoàn Kết, Tô Múa, Tân Lập, Phiêng Khoài, Bình Thuận); Mô hình các HTX sản xuất rau an toàn (HTX 19-5, Ta Niết, Chiềng Phú, Tiên Sơn, An Toàn Tự nhiên, rau An Tâm, rau an toàn Vân Hồ,...) cung cấp nông sản ra Hà Nội, thành phố Hải Phòng và các tỉnh lân cận. Các mô hình không chỉ phát triển tốt mà còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động người dân tộc tại địa phương.

Bao tiêu sản phẩm, phổ biến và đầu tư trang thiết bị cho xã viên, hộ nông dân trong chuỗi liên kết sản xuất chính là thế mạnh của các hợp tác xã. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả cần có thêm những chính sách đột phá, các công cụ hỗ trợ cho hợp tác xã phát triển.

Theo các chuyên gia kinh tế, nâng cao năng lực cho HTX, ngoài cơ chế, chính sách về nguồn vốn, đất đai, thì sự thay đổi nhận thức và tái cơ cấu sản xuất rất quan trọng. Trước hết, cần phân loại kinh tế tập thể, HTX thành các nhóm khác nhau để có chính sách, công cụ hỗ trợ đặc thù. Với nhóm đang hoạt động có hiệu quả, cần hướng dẫn và hỗ trợ các HTX rà soát, nâng cao chất lượng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Quan tâm hỗ trợ xây dựng các mô hình sơ chế, đóng gói, bảo quản sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu hàng hóa để nâng cao giá trị sản phẩm, định hướng cho các hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông sản. Với những nhóm hoạt động chưa hiệu quả hoặc kém hiệu quả, cần tiến hành gợi ý tham gia thực hiện một số chương trình đầu tư công, chương trình đầu tư-thu hồi-tái đầu tư, nhằm tạo được quỹ hỗ trợ phát triển sản xuất, chủ động cho thành viên và tăng tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.

Chia sẻ về những kết quả mà Hà Giang đã đạt được trong nâng cao năng lực kinh tế tập thể, hợp tác xã, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang Hoàng Hồng Trường cho biết, sự lớn mạnh của các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Thay đổi nhận thức, đẩy mạnh đào tạo là đột phá để Hà Giang có được hơn 300 HTX có các thành viên là đồng bào dân tộc tham gia và giữ các vị trí như giám đốc, phó giám đốc (chiếm hơn 75% tổng số HTX của cả tỉnh), thu hút hàng triệu lao động người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào hoạt động sản xuất.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long cho biết thêm, hiện tỉnh đang nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp theo hướng bền vững; mở rộng quy mô, thu hút nông dân, người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tham gia, đưa HTX nông nghiệp trở thành mô hình kinh tế, xã hội quan trọng ở khu vực nông thôn.

Tỉnh đang nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp theo hướng bền vững; mở rộng quy mô, thu hút nông dân, người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tham gia, đưa HTX nông nghiệp trở thành mô hình kinh tế, xã hội quan trọng ở khu vực nông thôn.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long

Xoài tròn Yên Châu (Sơn La) đã được cấp văn bằng bảo hộ về chỉ dẫn địa lý.

Để hỗ trợ và nâng cao năng lực các HTX, địa bàn tỉnh Sơn La đã hình thành các nhà máy chế biến như Trung tâm Chế biến rau, quả Doveco Sơn La, nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ... Liên hiệp HTX Dịch vụ và Thương mại nông, lâm nghiệp Hưng Thịnh Sơn La, Liên hiệp HTX Nông sản an toàn Sơn La; Liên hiệp HTX phát triển cây ăn quả Sông Mã cũng đã hình thành với các thành viên là đồng bào dân tộc Thái.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La Hà Như Huệ chia sẻ, xu thế cạnh tranh của thị trường đòi hỏi các mô hình kinh tế trang trại, HTX phải tạo ra sản phẩm có thương hiệu. Do vậy, ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La đã phối hợp với các đơn vị tham mưu cho tỉnh tập trung chỉ đạo làm tốt nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng cho sản phẩm nông sản, nhãn hiệu hàng hóa bảo hộ từ các mô hình kinh tế trang trại, HTX, giúp HTX tự tin, phát triển sản xuất.

Tương tự, tỉnh Hà Giang đã nhanh chóng phê duyệt danh mục sản phẩm chủ lực làm cơ sở cho cá nhân, tổ chức căn cứ thực hiện, một số sản phẩm như dược liệu, mật ong, chè, cam có thị trường tiêu thụ thông qua liên kết giữa HTX, doanh nghiệp với người sản xuất được đẩy mạnh. Ngoài ra, tỉnh khuyến khích đưa máy móc, thiết bị hiện đại, khoa học, công nghệ vào sản xuất, giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm góp phần gia tăng giá trị sản xuất.

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, kinh tế tập thể, HTX miền núi phía bắc đã và đang có những khởi sắc, từng bước khẳng định vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hop-tac-xa-nong-nghiep-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post794771.html