Hợp tác xã 'khát' người trẻ

Nhờ có sự nhanh nhạy, trình độ chuyên môn cao, những trí thức trẻ đã hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) phát triển, phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách đưa lao động trẻ về làm việc có thời hạn tại HTX bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc.

Chỉ tuyển được 2 lao động

Theo lời hẹn, chúng tôi đến HTX Nông nghiệp 1 Ninh Quang (thị xã Ninh Hòa) để gặp chị Hoàng Thị Hồng Ân - trí thức trẻ đầu tiên, cũng là duy nhất hiện nay còn làm việc theo kế hoạch thí điểm mô hình đưa lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX nông nghiệp. Vừa tất bật với việc hạch toán sổ sách kế toán cuối năm, chị Hồng Ân lại tranh thủ theo lãnh đạo HTX đi kiểm tra thiết bị xay xát gạo tại kho để có kế hoạch bảo trì, sửa chữa cho vụ lúa sắp tới. Sau khi kiểm tra và tư vấn cho lãnh đạo các mục cần sửa chữa, chị đến các cửa hàng gạo tại địa phương để khảo sát thị trường và nhu cầu của người dân, đặc biệt là đối với thương hiệu gạo Ngọc Quang của HTX Nông nghiệp 1 Ninh Quang.

Chị Hoàng Thị Hồng Ân cùng lãnh đạo Hợp tác xã Nông nghiệp 1 Ninh Quang kiểm tra máy móc tại kho.

Quê ở xã Ninh Xuân (Ninh Hòa), sau khi tốt nghiệp chuyên ngành cử nhân kế toán của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh), chị Hồng Ân cố gắng bám trụ lại thành phố với mức lương tương đối khá. Tuy nhiên, năm 2019, khi biết tỉnh Khánh Hòa có chương trình đưa trí thức trẻ về các HTX, với mong muốn góp sức trẻ cho quê hương, được sự động viên của gia đình, chị quyết định nghỉ việc để về quê làm việc cho HTX Nông nghiệp 1 Ninh Quang. “Thời gian đầu tiếp nhận thấy công việc nhiều, đều thực hiện thủ công bằng tay, trong khi mức lương quá thấp, chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, tôi đắn đo với quyết định của mình. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm và tạo điều kiện hết sức của Ban Giám đốc HTX đã cho tôi động lực làm việc và gắn bó với đơn vị”, chị Hồng Ân chia sẻ. Bằng vốn kinh nghiệm có được trong thời gian đi làm ở TP. Hồ Chí Minh, chị đã áp dụng hiệu quả các phần mềm trong nghiệp vụ kế toán dành riêng cho HTX. Bên cạnh đó, chị Hồng Ân cũng được Ban Giám đốc tin tưởng giao nhiệm vụ duy trì và cập nhật các thông tin giới thiệu sản phẩm gạo Ngọc Quang của HTX trên trang web, Facebook, Zalo. Nhờ đó, góp phần giúp gạo Ngọc Quang được nhiều người dân ở tỉnh biết đến hơn, sản lượng tiêu thụ tăng cao hơn…

Ông Nguyễn Ngọc Chúng - Giám đốc HTX Nông nghiệp Suối Hiệp 1 (huyện Diên Khánh) vẫn tiếc hùi hụi cô kế toán Lê Thị Minh Thi - trí thức trẻ tuyển dụng được từ mô hình trên đã nghỉ việc hơn 2 năm. Theo ông Chúng, từ khi chị Minh Thi về làm việc, hoạt động của HTX đổi mới rõ rệt, các khâu quản lý về tài chính, vật tư, tín dụng, tiền lương… được thực hiện bằng các phần mềm thay cho sổ sách bằng giấy. Với sự tư vấn của chị Minh Thi, việc phân bổ lúa giống và thu mua lúa hàng năm cho các xã viên nhanh gọn, rõ ràng. “Vì lý do gia đình nên làm việc được 23 tháng, cô Minh Thi đã nghỉ việc. Từ đó đến nay, HTX chỉ biết áp dụng theo những kết quả cô ấy để lại, không có nhiều đổi mới trong hoạt động kế toán”, ông Chúng cho biết.

Với sự tham mưu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 13-12-2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3864 về việc phê duyệt kế hoạch thí điểm mô hình đưa lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại HTX trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2019 - 2020. Theo kế hoạch thí điểm, dự kiến tuyển 5 lao động cho 5 HTX. Tuy nhiên, do quy định thời hạn chương trình kéo dài có 2 năm (2019 - 2020), mức lương thấp nên chỉ có HTX Nông nghiệp 1 Ninh Quang và HTX Nông nghiệp Suối Hiệp 1 tuyển dụng được 2 lao động đủ điều kiện theo quy định, với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 118 triệu đồng. Theo đánh giá của lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh, trí thức trẻ về làm việc tại HTX đã phát huy tốt khả năng của mình trong việc hỗ trợ các HTX phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đáp ứng được việc cung ứng các dịch vụ cho thành viên. Đặc biệt, các nhân sự này đã giúp các HTX quản lý, lưu trữ hồ sơ, sổ sách, báo cáo tài chính được tốt hơn; hỗ trợ HTX tiếp cận với công nghệ thông tin trong công tác quản lý cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Cần người trẻ

HTX Nông nghiệp Suối Hiệp 1 có 10 cán bộ, trong đó có tới 9 người đã qua tuổi 60, duy nhất chỉ có 1 kế toán năm nay 33 tuổi. Công việc của HTX ngày càng nhiều; hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển với diện tích sản xuất hơn 182ha. HTX có 2 nhà kho với tổng giá trị hơn 2 tỷ đồng. Trong năm 2024, HTX dự kiến xây dựng 1 nhà máy xay xát, 1 nhà máy sấy để sản xuất thương hiệu gạo địa phương theo tiêu chuẩn VietGAP. Để đảm đương được các công việc trong thời gian tới, đặc biệt là khâu quảng bá sản phẩm trên các kênh bán hàng điện tử, HTX rất cần cán bộ trẻ, có trình độ, được đào tạo bài bản. Tương tự, với diện tích 230ha sản xuất lúa, hiện nay, HTX Nông nghiệp 1 Ninh Quang đang thiếu cán bộ trẻ có chuyên môn về kỹ thuật, tiếp thị quảng bá sản phẩm. Trong khi đó, nguồn lực của HTX không đủ để tự chi trả cho đội ngũ này.

Chị Hoàng Thị Hồng Ân cùng với Ban Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp 1 Ninh Quang khảo sát thị trường gạo tại địa phương.

Ông Nguyễn Trung Dũng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, hiện nay, phần lớn cán bộ quản lý trong bộ máy HTX nông nghiệp là những người lớn tuổi, sự năng động và sáng tạo đã giảm. Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, các HTX cần thay đổi tư duy sản xuất, tìm kiếm thị trường, chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, đảm bảo lợi ích của các thành viên và đóng góp quan trọng vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Vì vậy, các HTX hiện nay rất “khát” người trẻ, đặc biệt là người trẻ có chuyên môn cao để phát triển HTX kiểu mới.

Nên kéo dài thời gian hỗ trợ

Xuất phát từ nhu cầu phát triển HTX, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04 ngày 21-7-2023 quy định mức chi hỗ trợ đào tạo đối với thành viên, người lao động kinh tế tập thể và hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025. Theo nghị quyết, ngân sách sẽ hỗ trợ tối đa 2 lao động trẻ về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể với mức hỗ trợ hàng tháng bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng; thời hạn kéo dài từ tháng 8-2023 đến tháng 12-2025. Tuy nghị quyết đã có hiệu lực từ ngày 1-8-2023, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay vẫn chưa có HTX nào thực hiện được.

Lãnh đạo một số HTX cho rằng, Nghị quyết số 04 của HĐND tỉnh đã thể hiện sự quan tâm của tỉnh trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao cho các HTX. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ này cần kéo dài thêm thời gian để đạt hiệu quả cao nhất. “Khi về làm việc, để nắm bắt cơ bản công việc tại HTX, cán bộ trẻ phải mất 1 năm. Vừa tiếp nhận tốt công việc thì hết thời hạn chương trình hỗ trợ. Vì vậy, để cán bộ trẻ phát huy được năng lực, tôi nghĩ cần kéo dài thời gian hỗ trợ lên 5 năm”, ông Nguyễn Ngọc Chúng nói. Ngoài mong muốn kéo dài thời gian hỗ trợ, một số lãnh đạo HTX trên địa bàn tỉnh cho biết, chế độ, chính sách chưa thật sự hấp dẫn trí thức trẻ. Đối với một cử nhân mới ra trường, mức lương ban đầu nhận được khi đi làm tại cơ sở tư nhân trung bình 7 triệu đồng/tháng. Với mức hỗ trợ theo Nghị quyết số 04 của HĐND tỉnh, lương cán bộ trẻ nhận chỉ khoảng hơn 5,4 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, quy định về độ tuổi (nam dưới 40 tuổi, nữ dưới 35 tuổi) cũng làm cho các HTX gặp khó trong việc tìm người đủ điều kiện. Vì vậy, các HTX kiến nghị, để thu hút và giữ chân trí thức trẻ nên cho họ kiêm nhiệm thêm chức danh không chuyên trách của xã, đồng thời nới rộng độ tuổi.

Đây là chính sách mang tính đột phá, nhưng để phát huy tốt nhất nên có sự hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó, vừa giữ chân được đội ngũ trí thức trẻ, vừa hỗ trợ các HTX phát triển.

LY DUNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202312/hop-tac-xa-khat-nguoi-tre-30b4fef/