Hợp tác trong lĩnh vực CNTT-TT góp phần làm sâu sắc mối quan hệ Việt- Pháp

Chiều ngày 24/2, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã tiếp Ngài Jean - Vincent Place, Quốc vụ khanh phụ trách cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính Pháp.

Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu tại buổi tiếp.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhiệt liệt chào mừng Ngài Jean – Vincent Place và đoàn công tác sang thăm Việt Nam.

Bộ trưởng khẳng định, chuyến thăm của Ngài Jean – Vincent Place có ý nghĩa quan trọng, nhằm thực hiện các nội dung cam kết hợp tác của Ý định thư giữa Pháp và Việt Nam về chính phủ điện tử, được ký kết tại Paris ngày 30/10/2016, qua đó tiếp tục xây dựng và củng cố mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Pháp về công nghệ thông và truyền thông (CNTT-TT).

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Quan hệ đối tác Việt Nam và Pháp đã và đang phát triển trên mọi lĩnh vực và đi vào chiều sâu kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược năm 2013.

Trong đó, hợp tác trong lĩnh vực CNTT-TT đang góp phần làm sâu sắc mối quan hệ này, cũng như đóng góp đáng kể vào sự phát triển của mỗi nước. Pháp hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam hiện nay.

Kể từ gần 30 năm trước, khi Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin Pháp đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, hầu hết các thương hiệu lớn như Alcatel, France Telecom, Thales, ... đã có mặt và thành công tại Việt Nam.

“Tôi tin tưởng rằng các doanh nghiệp Pháp với thế mạnh về vốn, công nghệ và kinh nghiệm kinh doanh quốc tế sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa tại thị trường Việt Nam”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định.

Quang cảnh buổi tiếp.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, việc Pháp thành công tạo dựng được nền công nghiệp CNTT tiên tiến đã tạo nền tảng thuận lợi cho Pháp khi tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, còn gọi là cuộc cách mạng số hóa, đây cũng chính là sự khích lệ lớn đối với nhiều nước trong đó có Việt Nam.

Trong quá trình đổi mới và phát triển, những kinh nghiệm quý báu của Pháp sẽ giúp Việt Nam rất nhiều trong việc phổ cập những ứng dụng và sử dụng các dịch vụ CNTT-TT trong mọi mặt của đời sống kinh tế xã.

Chính phủ Việt Nam xác định CNTT là yếu tố then chốt tạo lập phương thức phát triển mới; là động lực quan trọng của sự phát triển, hiện đại hóa đất nước, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập quốc tế. Trong Chiến lược phát triển CNTT-TT đến năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra một số mục tiêu quan trọng đó là: Xây dựng Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT; Xây dựng chính quyền điện tử ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương; Xây dựng ít nhát 5 thành phố thông minh; Đào tạo khoảng 1 triệu kỹ sư về CNTT-TT

Trên cơ sở xác định vai trò quan trọng của CNTT, Chính phủ cũng xác định xây dựng Chính phủ điện tử là nhiệm vụ hàng đầu giúp cải thiện chất lượng và hiệu quả hoạt động của Chính phủ và các cơ quan nhà nước, nhằm phục vụ tốt hơn nữa người dân và doanh nghiệp với trọng tâm cải cách thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng CNTT cho công tác quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. “Chúng tôi cho rằng, chính phủ điện tử phát triển mạnh mẽ không những giúp cải thiện năng suất mà còn tạo sự minh bạch và góp phần hiện đại hóa bộ máy hành chính nhà nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế".

Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách, chiến lược đẩy mạnh ứng dụng CNTT-TT để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, trong đó quyết tâm tập trung vào lĩnh vực chính phủ điện tử nhằm thúc đẩy hơn nữa phá triển kinh tế xã hội bền vững và hội nhập thế giới thông qua việc phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 và giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các Bộ, Ngành và địa phương thực hiện nhiệm vụ này.

Việt Nam đang trong quá trình xây dựng các giải pháp chính phủ điện tử cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh kết nối giữa các cơ quan trung ương và địa phương.

Tuy nhiên, do đây là lĩnh vực mới đối với Việt Nam, trong quá trình triển khai đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết, trong đó chủ yếu là: Kinh nghiệm xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử đồng bộ, kết nối, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; quá trình xác định mô hình chính phủ điện tử điển hình ở các cấp từ trung ương đến địa phương để phổ biến, hỗ trợ triển khai nhân rộng; Môi trường pháp lý đã từng bước hoàn thiện, cần thiết phải có sự hỗ trợ từ các chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm từ các nước phát triển về CNTT để đảm bảo và đáp ứng được đòi hỏi thực tế; Đội ngũ chuyên gia kỹ thuật hiện còn thiếu kỹ năng, công nghệ và kinh nghiệm triển khai các dịch vụ ở quy mô lớn; do vậy việc chuyển giao công nghệ, giao lưu học hỏi và đào tạo từ phía các công ty, tổ chức giàu kinh nghiệm trong việc triển khai các dịch vụ chính phủ điện tử là rất cần thiết; Nguồn kinh phí để triển khai các mục tiêu của Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 còn hạn chế.

"Pháp là một trong những quốc gia hàng đầu về chỉ số phát triển chính phủ điện tử, đặc biệt trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tiếp, do đó, Việt Nam rất quan tâm đến kinh nghiệm của Chính phủ Pháp trong việc triển khai các chương trình dự án liên quan đến Chính phủ điện tử và an toàn an ninh thông tin", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Việt Nam và Pháp có quan hệ là đối tác chiến lược, hai nước cùng là thành viên quan trọng trong Tổ chức cộng đồng Pháp ngữ, mối quan hệ lịch sử lâu dài giữa Việt Nam và Pháp cho thấy nhiều điểm chung trong tổ chức hành chính của hai nước là những yếu tố thuận lợi để hai nước tăng cường thúc đẩy hợp tác về chính phủ điện tử đạt hiệu quả trong thời gian tới.

Trên cơ sở đánh tiềm năng, cơ hội và tinh thần thiện chí hợp tác giữa hai bên về chính phủ điện tử, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị Pháp hỗ trợ và hợp tác những nội dung sau: Xác định các chủ đề, dự án ưu tiên hợp tác giữa hai nước về chính phủ điện tử và an toàn an ninh thông tin; chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chính sách quản lý, triển khai các đề án chính phủ điện tử và đảm bảo an toàn an ninh thông tin thông qua các khóa họp song phương, tổ chức hội nghị hội thảo chuyên đề, đưa đoàn đi khảo sát học tập; Mở các khóa đào tạo đội ngũ cán bộ công chức Việt Nam về quản lý cấp nhà nước đối với lĩnh vực CNTT-TT;

Hợp tác nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ thông qua các dự án chung về nghiên cứu và phát triển chính phủ điện tử được hỗ trợ tài chính từ các đối tác của Pháp, châu Âu; Đề nghị Cơ quan Phát triển Pháp AFD tích cực hỗ trợ và phối hợp với các cơ quan Việt Nam xem xét khả năng tài trợ và cung cấp tài chính (ODA) của Chính phủ Pháp cho việc thực hiện các đề án, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực chính phủ điện tử và an toàn an ninh thông tin;

"Đối với các doanh nghiệp của Pháp, chúng tôi hoan nghênh và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của các doanh nghiệp Pháp tham gia vào các chương trình đề án về chính phủ điện tử và an toàn an ninh thông tin. Tôi thực sự tin rằng các doanh nghiệp của Pháp với thế mạnh vốn, kinh nghiệm và công nghệ sẽ tìm thấy cho riêng mình các cơ hội hợp tác và đầu tư đối với lĩnh vực này tại thị trường Việt Nam", Bộ trưởng khẳng định.

Bài, ảnh: XC

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/hop-tac-trong-linh-vuc-cntttt-gop-phan-lam-sau-sac-moi-quan-he-vietphap-20170224162252358.htm