Hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Vân Nam, Trung Quốc còn nhiều dư địa để khai thác

Hiện, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) có chung đường biên giới với 4 tỉnh phía Bắc của Việt Nam là Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên. Vân Nam cũng là cửa ngõ giao thương quan trọng trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tuy có vị trí, vai trò quan trọng và thị trường đầy tiềm năng, nhưng hợp tác kinh tế, thương mại của Việt Nam với tỉnh Vân Nam còn chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên.

Trong tháng 1/2024, trung bình mỗi ngày, có khoảng 172 xe chở hàng hóa XNK thông quan qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, Lào Cai. Ảnh: Bích Nguyên

Kim ngạch xuất, nhập khẩu còn khá khiêm tốn

Nằm ở khu vực Tây Nam Trung Quốc, tỉnh Vân Nam có diện tích hơn 394 nghìn km2, dân số 47 triệu người. Các địa phương của Vân Nam giáp Việt Nam bao gồm: Châu Hồng Hà và châu Văn Sơn. Năm 2022, GDP toàn tỉnh Vân Nam đạt 2,8 nghìn tỷ NDT (tương đương 408 tỷ USD).

Theo Hải quan Côn Minh, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) Vân Nam với thế giới đạt 50 tỷ USD, tăng 2,8% so với năm 2021. Kim ngạch XNK của Vân Nam với khu vực ASEAN đạt 19 tỷ USD. Các đối tác thương mại chính của Vân Nam gồm có Myanmar, Saudi Arabia, Việt Nam, Mỹ, Thái Lan, Malaysia, Kuwait, Brazil, Lào. Trong 3 quý đầu năm 2023, tổng kim ngạch XNK của Vân Nam đạt 36,5 tỷ USD (xuất khẩu đạt 18,3 tỷ USD; nhập khẩu đạt 18,1 tỷ USD).

Vân Nam và Việt Nam là bạn hàng truyền thống, có nhiều điều kiện thuận lợi để hợp tác thương mại, kinh tế cùng có lợi. Trong đó, cửa khẩu Hà Khẩu tiếp giáp với cửa khẩu Lào Cai thuộc tỉnh Lào Cai là cửa khẩu quốc tế cả đường bộ và đường sắt; cửa khẩu Thiên Bảo tiếp giáp với cửa khẩu Thanh Thủy (tỉnh Hà Giang). Ngoài ra, Vân Nam và Việt Nam còn kết nối với nhau qua các cửa khẩu quốc gia Kim Thủy Hà - Ma Lù Thàng (Lai Châu) và Đô Long - Xín Mần (Hà Giang).

Về cơ cấu XNK hàng hóa của hai bên có tính bổ trợ nhau hơn là cạnh tranh, đối đầu trực tiếp. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Vân Nam là: Nông sản (các loại rau, củ, quả...), than cốc, phân bón, năng lượng điện, máy móc thiết bị điện, hóa chất khác... Ở chiều ngược lại, Vân Nam nhập khẩu các mặt hàng: Phốt pho vàng, hoa quả nhiệt đới (thanh long, xoài, chuối, dưa hấu, vải, nhãn..), sản phẩm gỗ, ván bóc, dược liệu, sắn tươi, tinh bột sắn, nông sản...

Tuy có thị trường đầy tiềm năng, nhưng kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Vân Nam còn khá khiêm tốn so với tổng kim ngạch XNK của Vân Nam với thế giới. Nhìn rộng hơn thì hợp tác kinh tế, thương mại của Việt Nam với tỉnh Vân Nam còn chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với tỉnh Vân Nam mới chỉ đạt 3,2 tỷ USD. 10 tháng của năm 2023, kim ngạch XNK của Việt Nam với Trung Quốc đạt 138,9 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch XNK của Việt Nam với Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới đất liền đạt 34,57 tỷ USD, tăng 87,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, thương mại hai chiều giữa Vân Nam và Việt Nam mới chỉ đạt 2,2 tỷ USD, giảm 18,51% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, Vân Nam xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD, giảm 39,44%; nhập khẩu đạt 841,4 triệu USD, tăng 77,03%. Con số 2,2 tỷ USD chiếm tỷ trọng còn rất khiêm tốn trong tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc (138,9 tỷ USD). Do đó, theo Bộ Công thương, hợp tác thương mại, kinh tế giữa Việt Nam và Vân Nam còn nhiều tiềm năng và dư địa để khai thác.

Tăng cường kết nối để khai thác tiềm năng sẵn có

Trong những năm qua, hợp tác thương mại, kinh tế giữa Việt Nam và Vân Nam đã được cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương hai bên thúc đẩy, tuy nhiên vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Các địa phương Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Vân Nam chủ yếu là hoa quả tươi và gặp những khó khăn nhất định. Một trong số đó là vấn đề an toàn thực phẩm, khó khăn trong việc kiểm định, kiểm nghiệm và truy xuất nguồn gốc bao bì, nhãn mác, giấy chứng nhận đối với nông sản và thực phẩm khi nhập khẩu vào Trung Quốc.

Các mặt hàng xuất khẩu qua cửa khẩu đường bộ số II Kim Thành, Lào Cai chủ yếu là hoa quả tươi, phốt pho vàng. Tổng giá trị XNK, mua bán, trao đổi hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai tháng 1/2024 ước đạt 182,96 triệu USD, tăng 39,66% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Bích Nguyên

Tỉnh Lào Cai có hệ thống cửa khẩu cả đường bộ và đường sắt thuận lợi hơn cả so với các địa phương còn lại có đường biên giáp tỉnh Vân Nam, nhưng hiện, kim ngạch XNK cũng còn khá khiêm tốn. Theo UBND tỉnh Lào Cai, năm 2023, hoạt động XNK vẫn còn gặp nhiều khó khăn, mặc dù phía Trung Quốc khôi phục toàn diện hoạt động thông quan qua các cửa khẩu, lối mở biên giới. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng đã cố gắng thường xuyên thực hiện công tác cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giảm thiểu tối đa thời gian và chi phí cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động XNK.

Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng tại cửa khẩu và hạ tầng giao thông kết nối với các trung tâm lớn cửa khẩu cũng như việc áp dụng chính sách cư dân biên giới của Quảng Tây (Trung Quốc) thuận lợi hơn so với Hà Khẩu (Trung Quốc), nên các doanh nghiệp vẫn lựa chọn xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây (thanh long, xoài, mít, dưa hấu, sầu riêng...) qua các cửa khẩu Bằng Tường (Lạng Sơn), Đông Hưng (Quảng Ninh). Do đó, lưu lượng hàng hóa thông quan qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai thấp hơn rất nhiều so với thời điểm trước khi diễn ra dịch Covid-19, giá trị XNK không đạt kế hoạch như kỳ vọng. Các mặt hàng chiếm tỷ lệ lớn trong kim ngạch XNK như phốt pho vàng tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Lưu lượng hàng hóa XNK hiện nay có sự chênh lệch rất lớn giữa lượng hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu (từ 5 - 7 lần). Tổng giá trị XNK, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu tỉnh Lào Cai năm 2023 đạt 2.134,4 triệu USD (giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2022), đạt 42,69% so với kế hoạch được giao.

Hiện nay, tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai thì chỉ có cửa khẩu quốc tế đường bộ là được xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc. Trong khi đó, cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu đã được đầu tư kết cấu hạ tầng tốt nhưng chỉ vận chuyển được hơn 1.000 tấn hàng hóa/ngày và chưa được vận chuyển hoa quả.

Để thúc đẩy hợp tác thương mại, kinh tế giữa Việt Nam và Vân Nam, hai bên đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hoàn thiện hệ thống hạ tầng cửa khẩu, chính sách biên mậu... Gần đây nhất, cuối tháng 12/2023, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương Việt Nam) phối hợp với Sở Thương mại tỉnh Vân Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại và hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam).

Tại hội nghị, đại diện tỉnh Lào Cai đề nghị Chính phủ hai nước đẩy nhanh việc ký Hiệp định và Nghị định thư về xây dựng cầu đường bộ. Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh kết nối tuyến đường sắt từ ga đường sắt Lào Cai đến cột đường sắt 1435. Đề nghị Chính phủ sớm triển khai tuyến đường sắt đến cột tiêu chuẩn 1435 từ Hải Phòng, Lào Cai kết nối với tuyến đường sắt Côn Minh của Trung Quốc. Trong khi đó, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, thời gian qua, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao đã vận động phía Trung Quốc để hoàn thiện các điều kiện và để bổ sung thêm các cặp cửa khẩu để được xuất nhập khẩu trái cây tươi trên tuyến biên giới đất liền Việt - Trung, trong đó, có cả cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hop-tac-thuong-mai-giua-viet-nam-va-van-nam-trung-quoc-con-nhieu-du-dia-de-khai-thac-post472904.html