Hợp tác Song Tử mang lại lợi ích gì cho nhà xuất nhập khẩu?

Trung tuần tháng Giêng vừa qua, hai hãng tàu châu Âu Maersk và Hapag-Lloyd bất ngờ tuyên bố thành lập liên minh mới mang tên Hợp tác Song Tử (Gemini Cooperation) trên trang web của hãng, gây chấn động các liên minh hãng tàu toàn cầu. Hợp tác mới này sẽ có hiệu lực từ tháng 2-2025 sau khi liên minh 2M giữa Maersk và MSC hết hiệu lực sau 10 năm hợp tác.

Hợp tác Song Tử được thông báo là dài hạn nhưng chưa xác định khoảng thời gian cụ thể (thông thường từ 5-10 năm). Với liên minh mới này, Hapag-Lloyd sẽ rút khỏi liên minh THE với ba thành viên còn lại (ONE-HMM-YML), sớm hơn hai năm so với hiệu lực chính thức (2027).

Hợp tác Song Tử cam kết sẽ mang lại giá trị và lợi ích (value proposition) gì cho khách hàng? Đó là:

– Độ tin cậy theo lịch trình (schedule reliability) trên 90%.

– Mạng lưới tuyến dịch vụ linh hoạt với kết nối liền mạch (seamless connection) và thời gian trung chuyển cạnh tranh.

Chiến lược độ tin cậy theo lịch trình trên 90%

Độ tin cậy theo lịch trình là phần trăm xác suất tàu khởi hành từ cảng xếp hàng và đến cảng dỡ hàng đúng thời gian so với lịch trình cam kết ban đầu với khách hàng (long term schedule). Nó là tỷ lệ giữa “số cảng ghé đúng lịch trình”/“tổng số cảng ghé” của một tuyến dịch vụ. Nói cách khác nó chính là thước đo khả năng giao hàng đúng hẹn (on-time delivery) – giá trị cốt lõi của dịch vụ vận chuyển hàng hóa. Độ tin cậy này phụ thuộc vào thời gian dự kiến cho việc cập cầu/làm hàng ở cảng và thời gian dự kiến tàu chạy trên biển.

Chọn mặt gửi vàng một hãng tàu có độ tin cậy theo lịch trình cao sẽ quyết định một phần trong việc thiết kế và duy trì một chuỗi cung ứng đáng tin cậy. Do độ tin cậy này ảnh hưởng trực tiếp đến các chuỗi cung ứng toàn cầu về thời gian giao hàng và chi phí phát sinh do giao hàng trễ, các nhà xuất nhập khẩu nên thường xuyên tham khảo chỉ số này (được xem xét đánh giá theo tháng) để đảm bảo việc giao hàng đúng hẹn của nhà vận chuyển.

Số liệu của Sea Intelligent tháng 10-2023 (bảng 1) cho thấy Maersk đạt độ tin cậy 71,1%, cao nhất so với các hãng khác thuộc tốp 10, và so với cùng kỳ năm ngoái thì Maersk vẫn là hãng đứng đầu về tiêu chí quan trọng này. Điều này chứng tỏ hãng tàu Đan Mạch xếp thứ hai thế giới này đang quyết tâm theo đuổi “chiến lược cốt lõi” giao hàng đúng hẹn.

Tuy nhiên, số liệu bảng 2 cho thấy mức phần trăm này vẫn còn rất thấp so với mức phần trăm độ tin cậy toàn cầu trung bình đạt được trước dịch Covid-19 (trong những năm 2018-2019). Hơn nữa, thành tích độ tin cậy của thành viên mới, Hapag-Lloyd, vẫn còn rất “khiêm tốn”, cần nhiều nỗ lực hơn trước khi gia nhập liên minh mới vào năm 2025.

Liệu cam kết của Maersk với “độ tin cậy theo lịch trình chưa có tiền lệ lên đến 90%” nhằm cải thiện việc giao hàng đúng hẹn cho khách hàng có khả thi?

Giải pháp Hub-and-Spoke (Trục và Nan hoa)

Để tạo ra một mạng lưới hữu hiệu như cam kết, liên minh mới sẽ chuyển đổi mô hình vận chuyển từ mô hình phổ biến hiện nay là Point-to-Point (P2P, Điểm nối Điểm) sang mô hình Hub-and-Spoke (HS, Trục và Nan hoa).

Với mô hình hiện tại P2P, tàu mẹ (mother vessel) sẽ tuần tự ghé một số cảng xếp chính của một châu lục rồi đi đến một số cảng dỡ chính thuộc châu lục khác. Ví dụ, tuyến dịch vụ Á-Âu FE3 của liên minh THE sẽ ghé tới năm cảng xếp ở châu Á: Ningbo (Trung Quốc) – Xiamen (Trung Quốc) – Kaohsiung (Đài Loan) – Yantian (Trung Quốc) – Singapore – Hồng Kông (Trung Quốc – chiều về) sau đó đến châu Âu cập năm cảng dỡ Rotterdam (Hà Lan) – Hamburg (Đức) – Antwerp (Bỉ) – Southampton (Anh) – Algeciras (Tây Ban Nha).

Theo mô hình mới HS thì tàu mẹ chỉ ghé vài cảng chính trung chuyển (hub). Đơn cử tuyến dịch vụ Á – Âu dự kiến NE1 của Hợp tác Song Tử, hàng từ các nước Bắc Á (Bắc Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) sẽ về cảng xếp “spoke” Ningbo và Shanghai (Trung Quốc) kết nối với cảng “hub” Tanjung Pelepas (Malaysia) nơi đồng thời nhận hàng đến từ Đông Nam Á và Nam Trung Quốc.

Sau đó, tàu mẹ sẽ đi châu Âu hạ hàng tại cảng dỡ “hub” Tangier (Morroco) phân phối hàng cho các cảng “spoke” Le Havre (Pháp), Antwerp (Bỉ); tiếp đến ghé cảng dỡ “hub” Wilhelmshaven (Đức) để kết nối với Đức, các nước Bắc Âu và Baltic (Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Estonia, Latvia, Lithuania). Trên đường về châu Á thì tàu sẽ ghé cảng “hub” Salalah (Oman) phân phối hàng cho toàn khu vực Trung Đông; và “hub” Singapore để hạ hàng nhập khẩu về Đông Nam Á và Bắc Á (qua cảng “spoke” Ningbo).

Mô hình HS được kỳ vọng giảm rủi ro đứt gãy lịch trình do tàu ghé ít cảng (hub port), thời gian trung chuyển sẽ nhanh hơn, mật độ “phủ sóng” đến các spoke port rộng và linh hoạt hơn so với mô hình P2P do tình hình khách quan gần đây nhiều biến động.

Để đạt mục tiêu trên, Hợp tác Song Tử sẽ cho ra đời một mạng lưới dịch vụ vận chuyển theo mô hình HS gồm những điểm sau:

– 290 tàu với tổng tải trọng lên đến 3,4 triệu TEU, trong đó Maersk đóng góp 60% năng lực và Hapag-Lloyd góp 40%.

– 7 tuyến giao thương: từ châu Á đến bờ Tây và Đông Bắc Mỹ, châu Âu, Địa Trung Hải, Trung Đông; từ Trung Đông và Ấn Độ đến châu Âu; từ châu Âu đến Bờ Đông Mỹ (Transatlantic).

– 26 tuyến dịch vụ con thoi.

– 12 cảng trung chuyển: 10 cảng thuộc sở hữu của liên minh và 2 cảng “trong tầm kiểm soát” – Singapore và Cartagena (Colombia).

– 32 tuyến trung chuyển chuyên dụng con thoi (dedicated feeder shuttle service) nối giữa cảng trung chuyển (hub port) và cảng xếp/cảng dỡ (spoke port) đảm bảo kết nối liền mạch.

– Trên 85% lượng hàng sẽ có thời gian trung chuyển nhanh hơn hoặc bằng lịch trình hiện tại.

Với bức tranh tổng thể tóm tắt trên, dường như Hợp tác Song Tử tham vọng “trình làng” một sản phẩm dịch vụ phủ khắp và kết nối liền mạch với sở hữu chuỗi “tàu mẹ – cảng trung chuyển – tàu feeder”. Xét về yếu tố thời gian cập cầu/làm hàng ở cảng, liên minh mới này sẽ chủ động hoàn toàn việc khai thác tàu tại hệ thống 12 cảng trung chuyển. Việc sở hữu hay kiểm soát những cảng biển chiến lược giúp cho hãng tàu được quyền ưu tiên cầu bến và chủ động thời gian cập cầu và làm hàng đúng lịch.

“Mắt xích” cuối cùng gây quan ngại là hệ thống cảng xếp/cảng dỡ “spoke” không thuộc sở hữu của hãng tàu. Liệu liên minh mới có thể chủ động kiểm soát được cầu bến với ưu tiên để tàu cập và làm hàng đúng lịch trình? Liệu hàng chục cảng “spoke” có gặp rủi ro kẹt cầu bến hay tắc nghẽn cảng, cản trở và trì hoãn thời gian làm hàng? Những rủi ro này ở những cảng “spoke” lớn như Shanghai, Los Angeles… sẽ làm chậm trễ lịch trình và ảnh hưởng dây chuyền đến những cảng kế tiếp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thời gian trung chuyển nhanh như cam kết và việc giao hàng đúng hẹn, hay nói cách khác là làm giảm độ tin cậy theo lịch trình.

Thứ hai, thời tiết xấu hàng năm (bão, sương mù…) càng ngày càng nghiêm trọng hơn về cường độ và nhiều hơn về tần số do biến đổi khí hậu là một trở ngại không nhỏ, làm trì hoãn kế hoạch khai thác tàu. Sương mù ở các cảng Bắc Á (Shanghai, Ningbo, Pusan,…) thường xảy ra vào mùa xuân trong tháng Ba và tháng Tư. Do sương mù dày đặc nên tầm nhìn hạn chế, hoạt động hoa tiêu dẫn tàu phải tạm dừng, một số luồng ra vào cảng được đóng tạm thời, tàu phải xếp hàng dài chờ vào cầu, kế hoạch xếp dỡ hàng trên tàu bị trì hoãn từ 1-2 ngày. Tàu ùn tắc kéo theo dây chuyền…

Xét về yếu tố thời gian di chuyển trên hải trình, thời tiết xấu do bão, sương mù trên đường đi làm hạn chế tầm nhìn, tàu buộc phải giảm tốc độ chạy. Thứ hai, sau đại dịch Covid-19, thế giới bước vào thời kỳ bất ổn VUCA (Volatility – Uncertainty – Complexity – Ambiguity…). Xung đột địa chính trị và biến đổi khí hậu đang làm tắc nghẽn trong dài hạn hai kênh đào Suez và Panama thông thương hai tuyến Á – Âu và Á – Bắc Mỹ. Hai rủi ro trên sẽ ảnh hưởng đến lịch trình vận chuyển.

Chiến lược Trung Quốc +1 và dịch chuyển chuỗi cung ứng đang là xu hướng nhằm cải thiện và phòng ngừa rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu với nhiều bất ổn những năm vừa qua. Hiểu rõ xu hướng này và hưởng ứng cộng hưởng với khách hàng, Hợp tác Song Tử chuyển đổi mô hình vận chuyển nhằm cải thiện triệt để lịch trình nhằm giao hàng đúng hẹn. Đây quả là một mảnh ghép hoàn hảo trong bức tranh mới của chuỗi cung ứng logistics toàn cầu. Mục tiêu 90% nói trên là một thách thức không hề nhỏ, đòi hỏi nhiều nỗ lực chủ quan và phụ thuộc vào tình hình khách quan cải thiện.

Nguyễn Bảo Quốc

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/hop-tac-song-tu-mang-lai-loi-ich-gi-cho-nha-xuat-nhap-khau/