Hợp tác sâu, rộng trong lĩnh vực giao thông vận tải

LÊ ĐÌNH THỌ - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tảiKể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, đến nay không có quốc gia nào có được mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện như Việt Nam - Lào. Trong sự hợp tác toàn diện ấy, mối quan hệ truyền thống giữa Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công chính và Vận tải Lào cũng được triển khai thành công với nhiều tuyến đường 'cách mạng' trong suốt hơn 50 năm qua.

Những con đường lịch sử

Là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, quan hệ gắn kết anh em giữa Việt Nam và Lào đã được hình thành và hun đúc trong lịch sử dựng nước và giữ nước của hai dân tộc. Mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Suphanouvong đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, trở thành tài sản quý giá của hai dân tộc. Trong sự hợp tác toàn diện ấy, mối quan hệ truyền thống giữa ngành GTVT hai nước đã được xây dựng và vun đắp từ những năm kháng chiến, hàng chục nghìn thanh niên xung phong Việt Nam đã cùng với cán bộ và nhân dân bạn Lào cùng nhau mở nhiều tuyến đường quan trọng trên đất Lào, cùng nhau xây dựng nền móng đầu tiên cho ngành GTVT của bạn.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ

Minh chứng rõ nét nhất về sự hợp tác giao thông giữa hai nước là việc hàng trăm km đường bên Lào đã được phía Việt Nam trực tiếp thi công đầu tư xây dựng, hàng loạt con đường nối thông qua biên giới hai nước như đường số 6A, 6B, 7B, 8B, 9, 9B, 12, 18B, 2E... đã được nâng cấp hoặc mở rộng bằng các nguồn vốn vay ưu đãi của Việt Nam. Đây là những dự án tiêu biểu nhằm tạo thuận lợi vận tải, thúc đẩy thông thương giữa hai nước, mở đường cho hàng hóa của bạn thông qua các cảng biển Việt Nam xuất khẩu đi các nước. Cùng với đó, hai bên đã ký và triển khai có hiệu quả nhiều điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về lĩnh vực giao thông vận tải, trong đó có việc ký Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực GTVT giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã tạo cơ sở pháp lý cho Việt Nam và Lào chủ động trong việc quy hoạch kết nối GTVT với các nước và trong khu vực. Điều này bảo đảm việc phát triển đồng bộ hệ thống GTVT theo hướng bền vững, hiện đại.

Về kết nối cơ sở hạ tầng giao thông, Việt Nam và Lào đã xác định các dự án ưu tiên kết nối giao thông giữa hai nước và hiện nay đang phối hợp và hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi các dự án như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Vũng Áng - Viêng Chăn, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Phu-thí-Phờng đi Na-xon, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường 18B, tỉnh Attapư. Hiện Việt Nam đã tổ chức được 55 tuyến vận tải hành khách cố định liên vận do 50 đơn vị vận tải thực hiện với 280 xe ô tô đang khai thác trên tuyến.

Trong lĩnh vực hàng không, sự hợp tác giữa hai hãng hàng không quốc gia Việt Nam và Lào đã giúp vận tải hàng không giữa hai nước trở nên thuận tiện với các chuyến bay thường lệ Hà Nội - Viêng Chăn - TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội - Luông-pra-băng, Hà Nội - Pắc xế và ngược lại, với tần suất 2 chuyến mỗi ngày. Hiện nay, trong tình hình mới thích ứng với dịch bệnh Covid-19, các hãng hàng không hai nước đã bắt đầu khai thác lại các đường bay này với tần suất như trước khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra với 14 chuyến/tuần.

Các cảng biển Việt Nam nằm trên những trục chính kết nối Việt Nam - Lào như Vũng Áng, Tiên Sa, Cửa Lò cũng được đầu tư và dành cho bạn Lào ưu tiên sử dụng, giúp hàng hóa của Lào xuất nhập khẩu thuận lợi. Để hàng hóa, dịch vụ của Lào có cơ hội tiếp cận các thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ, Canada, Úc… và đa dạng hóa đối tác, Chính phủ Việt Nam đã có chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Lào có thể đi qua bất cứ cảng biển nào của Việt Nam. Ngoài ra, nhằm tăng cường khả năng kết nối giao thông, nâng cao năng lực vận tải, đáp ứng nhu cầu khai thác cảng biển Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa của nước bạn Lào, Bộ GTVT đang nghiên cứu và lập đề xuất chủ trương đầu tư 5 tuyến Quốc lộ nối liền các cửa khẩu Quốc tế từ Lào đến cảng biển Việt Nam.

Việt Nam và Lào đang phối hợp và hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi các dự án tuyến cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn và đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng. (Ảnh minh họa)

Việt Nam và Lào đang phối hợp và hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi các dự án tuyến cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn và đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng. (Ảnh minh họa)

Hợp tác thực chất, đi vào chiều sâu

Để tiếp tục phát triển hợp tác GTVT đi vào chiều sâu và thực chất, xây dựng mối quan hệ bền vững, trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công chính và Vận tải Lào và các cơ quan đơn vị của Việt Nam: hợp tác đầu tư phát triển cảng Vũng Áng; kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng để đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn; kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng thực hiện đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Vũng Áng - Viêng Chăn; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phía Lào kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm khác (Dự án cải tạo nâng cấp đường 18B, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ Phu-thí-Phờng đi Na-xon).

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Công trình và Vận tải Lào và các bộ, ngành và địa phương liên quan của nước bạn trong đào tạo nguồn nhân lực, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn với bạn Lào trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải và đường thủy nội địa; phối hợp với phía Lào khảo sát đánh giá lại các tuyến vận tải liên vận; xem xét sửa đổi, cập nhật các Hiệp định và Nghị định thư liên quan cho phù hợp với tình hình thực tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải qua biên giới giữa Việt Nam - Lào.

Thực hiện thành công những dự án và chương trình hợp tác này chính là thể hiện vai trò “Đi trước mở đường” của ngành GTVT hai nước nhằm tạo dựng hạ tầng tốt, chất lượng cao, tốc độ cao cũng như xây dựng chính sách vận tải tốt, tăng cường kết nối hạ tầng, vận tải hai nước. Thông qua đó, vận tải hàng hóa cũng như luân chuyển hàng hóa qua Lào đến các nước trong khu vực được thuận tiện hơn. Lào giữ vị trí địa lý trung tâm Tiểu vùng Mekong mở rộng, có thể kết nối GTVT đường bộ với các nước trong khu vực, cộng với tiềm năng biển của Việt Nam trong việc kết nối với hệ thống GTVT quốc tế, chính vì thế, chúng ta có thể nói “giúp bạn cũng chính là giúp mình”. Đặc biệt, việc lưu thông hàng hóa thuận lợi qua Lào sẽ mang lại cơ hội lớn để hai nước phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy thương mại; đồng thời, góp phần củng cố, tăng cường và phát triển hơn nữa mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Việt Nam và Lào đang phối hợp và hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi các dự án tuyến cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn và đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/hop-tac-sau-rong-trong-linh-vuc-giao-thong-van-tai-i297184/