Hợp tác Nga-Trung Quốc: Một lựa chọn 'chưa và không bao giờ lung lay'

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi đến thế giới một thông điệp rõ ràng về mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp ngày 4/2 tại Bắc Kinh. (Nguồn: Sputnik)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp ngày 4/2 tại Bắc Kinh. (Nguồn: Sputnik)

Thông điệp rõ ràng

Ngày 4/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên từ năm 2019.

Để trả lời cho những người muốn tìm kiếm một rạn nứt nào đó trong mối quan hệ hữu nghị Nga-Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã có một thông điệp rất rõ ràng: “Trung Quốc và Nga cam kết củng cố hợp tác chiến lược để hỗ trợ lẫn nhau… Hai nước chưa và sẽ không bao giờ lung lay lựa chọn này”.

Tổng thống Putin cũng khẳng định “Nga coi Trung Quốc là đối tác chiến lược quan trọng nhất, một người bạn cùng chí hướng và hoan nghênh quan hệ Nga-Trung Quốc là hình mẫu quan hệ quốc tế trong thế kỷ XXI”.

Tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp cho thấy rõ những giao thoa giữa hai nước.

Hai bên đều nhìn nhận thế giới đang vận hành “theo hướng tái phân bổ quyền lực", nơi “cộng đồng quốc tế thể hiện nhu cầu ngày càng lớn về vai trò lãnh đạo nhằm phát triển bền vững và hòa bình”.

Nga và Trung Quốc muốn đáp ứng nhu cầu này bằng cách đem đến lựa chọn thay thế về vai trò lãnh đạo toàn cầu cho bất kỳ quốc gia nào không hài lòng với hiện trạng.

Tuyên bố chung cũng phản ánh tinh thần Sách Trắng Trung Quốc về dân chủ, văn bản được phát hành để phản bác Hội nghị thượng đỉnh về Dân chủ của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Luận điểm đầu tiên của tuyên bố chung đưa ra một định nghĩa dài về dân chủ, với đỉnh điểm là tuyên bố “Nga cùng Trung Quốc là các cường quốc thế giới giàu văn hóa và di sản lịch sử, có truyền thống dân chủ lâu năm, có hàng nghìn năm kinh nghiệm phát triển, với sự ủng hộ mạnh mẽ từ dân chúng và luôn cân nhắc những nhu cầu cũng như lợi ích của người dân”.

Moscow và Bắc Kinh cam kết sẽ hỗ trợ lẫn nhau bảo vệ các lợi ích then chốt và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ chiến lược.

Hai nước cùng bày tỏ quan điểm thống nhất trong nhiều tranh chấp với Mỹ và các nước phương Tây khác. Nga phản đối việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và yêu cầu những đảm bảo an ninh từ khối này.

Trong khi đó, Bắc Kinh luôn tìm cách tăng cường ảnh hưởng ở Thái Bình Dương, đồng thời giám sát hoạt động của Mỹ và các đồng minh trong khu vực. Moscow và Bắc Kinh cùng phản đối sự hợp tác quân sự giữa Mỹ, Anh và Australia trong thỏa thuận an ninh ba bên AUKUS.

Theo Điện Kremlin, Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã thảo luận “bối cảnh xung quanh các đảm bảo an ninh mà Nga yêu cầu”, song ngay cả Moscow cũng tránh đề cập trực tiếp Ukraine trong các phát biểu tại cuộc gặp.

Dù vậy, tuyên bố chung bao gồm một nội dung được cho là đã tổng hợp quan điểm chung của hai nước về vấn đề này. Với lối mô tả mơ hồ, cùng những luận điểm lâu đời về “sự can thiệp” và “cuộc Cách mạng màu”, Trung Quốc đã thể hiện sự ủng hộ đối với Nga mà không cần phải tỏ rõ quan điểm ủng hộ lập trường của Nga về vấn đề Ukraine.

Tìm lối thoát cho hợp tác kinh tế

Có một thực tế là trong khi khía cạnh chính trị của mối quan hệ Nga-Trung Quốc ngày càng cải thiện, các liên kết kinh tế, như thường lệ, có dấu hiệu tụt hậu.

Danh sách các đề xuất mà Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra cho thấy thực tế Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được vấn đề này, nhấn mạnh “hai bên cần thực hiện Lộ trình phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao”.

Trung Quốc cũng không gây được ấn tượng bởi thiếu những tiến bộ trong việc liên kết Sáng kiến Vành đai và Con đường với Liên minh Kinh tế Á-Âu mà Moscow đi đầu.

Trong khi đó, Nga tiếp tục liệt hợp tác kinh tế với Trung Quốc ở cuối danh sách việc cần làm, xếp sau các chủ đề chiến lược và địa chính trị quan trọng hơn.

Hai nước bày tỏ mong muốn tăng cường thương mại, và hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về hợp tác sâu rộng trong phát triển công nghệ, ngành công nghiệp quân sự.

Bắc Kinh và Moscow đồng thời kêu gọi sử dụng nhiều hơn các đồng tiền quốc gia trong thương mại quốc tế trước những lo ngại về sự bấp bênh xung quanh đồng USD.

Nga và Trung Quốc cũng phủ nhận các cáo buộc can thiệp vào hoạt động Internet và điệp vụ tại nước ngoài. Tổng thống Putin cho biết, Moscow đã chuẩn bị thỏa thuận để tăng nguồn cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thêm 10 tỷ m3 mỗi năm.

Theo các số liệu chính thức, trong năm 2021, Trung Quốc đã nhập 16,5 tỷ m3 khí đốt từ Nga, chỉ bằng một phần nhỏ lượng khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu.

Dù vậy, thực tế hai nước từ lâu đã phải vật lộn tìm cách xoay xở để mối quan hệ đối tác kinh tế tương đồng với hội tụ chính trị.

Hai bên đã liên tục bỏ lỡ các mục tiêu cấp cao trong thương mại song phương. Thương mại sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn khi Trung Quốc chuyển sang năng lượng tái tạo bởi mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Nga sang Trung Quốc là dầu thô, trong đó, khí đốt tự nhiên hóa lỏng cũng ngày càng chiếm thị phần lớn hơn.

Tuyên bố chung đề cập hợp tác về các nguồn năng lượng mới, song ở thời điểm hiện tại, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ thúc đẩy việc xuất khẩu công nghệ năng lượng tái tạo sang Nga hơn là chú trọng nguồn đầu vào của Nga cho quá trình chuyển đổi này.

(theo The Diplomat)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hop-tac-nga-trung-quoc-mot-lua-chon-chua-va-khong-bao-gio-lung-lay-173327.html