Hợp tác bình đẳng để cùng có lợi

Nữ nghị sĩ Cộng hòa gốc Hàn đầu tiên được bầu vào Quốc hội Mỹ là bà Young Kim. Năm 2014, bà trở thành hạ nghị sĩ bang California, rồi sau đó đắc cử hạ nghị sĩ liên bang vào năm 2018. Hiện bà Young Kim là Chủ tịch Tiểu ban Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại, Quốc hội Hoa Kỳ. Tuy là dân biểu, một chính khách nhưng thời gian gần đây, bà Young Kim thường có những phát ngôn và cách hành xử theo kiểu 'trống đánh xuôi, kèn thổi ngược'.

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ ngày 10 đến 11-9-2023, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden đã thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam. Dịp này, lãnh đạo hai nước đã ra tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Đối tác chiến lược toàn diện là cấp cao nhất trong hệ thống thứ bậc đối tác ngoại giao. Với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, các bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng, toàn diện trên mọi lĩnh vực mà các bên cùng có lợi và hướng tới lòng tin chiến lược. Nói cách khác, đối tác chiến lược thể hiện mối quan hệ giữa hai nước mang tính chất toàn cục, then chốt, có định hướng mục tiêu cụ thể và mong muốn gìn giữ quan hệ lâu dài theo thời gian.

Có thể khẳng định, việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững là xu thế tất yếu, xuất phát từ lợi ích của hai quốc gia và nhân dân hai nước. Chính vì vậy, trong tuyên bố chung, hai nước đã khẳng định các nguyên tắc cơ bản được hai bên thống nhất khi xác lập đối tác toàn diện là:…Tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau… Hoa Kỳ hoan nghênh những bước tiến trong quá trình cải cách kinh tế dựa trên thị trường có ý nghĩa quan trọng của Việt Nam, đồng thời khẳng định sự nhiệt tình và cam kết đối với quá trình phối hợp rộng rãi, mạnh mẽ, mang tính xây dựng và trên tinh thần ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và tiến tới công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam…

Xuất phát từ nguyên tắc bất di bất dịch là tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã thống nhất thực hiện một phương châm đặc thù cho sự phát triển quan hệ giữa hai quốc gia là “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”. Thế nhưng vào ngày 13-3-2024, khi trả lời phỏng vấn của Đài RFA, bà Young Kim đã đưa ra một nhận định không những vô cùng phi lý mà còn thiếu căn cứ pháp lý khi cho rằng: “Việt Nam muốn Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường thì nhất thiết phải cải thiện vấn đề nhân quyền”. Vấn đề đặt ra ở đây là trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đã nâng tầm cao mới, là Đối tác chiến lược toàn diện thì phát ngôn của bà Young Kim chẳng những không phù hợp mà còn đi ngược lại nội dung trong tuyên bố chung là hai nước “tôn trọng thể chế chính trị của nhau”. Hơn nữa, là đại diện dân biểu của nước Mỹ, nhưng phát biểu nêu trên của bà Young Kim không xuất phát từ lợi ích chính đáng của nhân dân Mỹ.

Xin trao đổi thêm với bà Young Kim rằng, việc Mỹ - Việt Nam thúc đẩy và nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện là xuất phát từ lợi ích cốt lõi của cả hai quốc gia, hai dân tộc. Nói đúng ra, trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa các nước lớn, Việt Nam vẫn lựa chọn con đường của chính mình, không đi với bên này chống bên kia. Việt Nam cũng luôn khẳng định là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tất cả vì lợi ích quốc gia - dân tộc, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới. Điều đó vừa khẳng định tính đúng đắn của chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ của Việt Nam, vừa là minh chứng rõ ràng vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam. Nói thẳng ra, Mỹ và Việt Nam cần nhau trong bối cảnh cả hai nước đều mong muốn cùng hợp tác phát triển. Mỹ có toan tính riêng của mình khi lựa chọn Việt Nam để nâng cấp quan hệ, ngược lại, Việt Nam cũng có lợi ích không nhỏ trong việc này. Vì thế, không thể có chuyện quốc gia này ra điều kiện cho quốc gia kia như suy nghĩ của bà Young Kim.

Vấn đề thứ hai là Mỹ có công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam hay chưa giờ đây không còn quá quan trọng với Việt Nam. Nhiều năm qua, Mỹ luôn dựa vào uy thế sức mạnh cường quốc của mình để dằn mặt những quốc gia yếu, nhỏ buộc họ phải lệ thuộc vào mình thông qua các tiêu chí, điều kiện do chính họ đặt ra. Nhìn thấu viễn cảnh đó, Việt Nam đã chủ động mở rộng quan hệ với các nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, Nga để ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương, nhằm thúc đẩy việc đa dạng hóa quan hệ, không lệ thuộc vào phương Tây hay phương Bắc. Hiệu quả của đường lối đối ngoại này đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Bằng chứng là hiện đã có 72 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường, gồm: Tất cả quốc gia ở Đông Nam Á và Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Na Uy, Thụy Sĩ, Australia, Ấn Độ, Israel, Vương quốc Anh và nhiều quốc gia khác ở châu Âu.

Vấn đề cuối cùng và đáng phải bàn hơn là do không ít quan chức của Mỹ luôn có cách nhìn nhận phiến diện chưa đầy đủ, thậm chí là có mặc cảm về Việt Nam. Đây chính là rào cản lớn nhất để hai nước có thể tiến đến quan hệ hợp tác sâu rộng. Bởi không ít cá nhân, tổ chức của nước Mỹ đưa ra những yêu sách đều rất nhạy cảm về chính trị, thuộc về thể chế, chế độ chứ không đơn thuần là việc đòi hỏi “thả” những tội phạm mà họ gọi “người bất đồng chính kiến”, “tù nhân lương tâm”, “nhà báo độc lập”…, như phát ngôn của bà Young Kim. Chưa hết, ngày 31-1-2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có buổi tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Marc E. Knapper ở Việt Nam. Tại buổi tiếp, ông Marc E. Knapper cho biết, Phòng Thương mại Hoa Kỳ đang xem xét chi tiết, khẩn trương về vấn đề công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Ngay sau đó, ngày 3-2-2024, trang tiếng Việt của VOA cho biết, có “hơn 30 nghị sĩ Mỹ phản đối việc xét công nhận kinh tế thị trường cho Việt Nam”.

Nói tóm lại, dù chính phủ hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ có ra sức thúc đẩy quan hệ thì vẫn còn một bộ phận dân biểu, nghị sĩ Mỹ tỏ ra thiếu thiện chí, thiếu tôn trọng đối với một quốc gia có chủ quyền như Việt Nam. Đây là vấn đề mà chính Mỹ đã phải thừa nhận rằng đa đảng và tự do, dân chủ quá lố sẽ tạo nên hệ lụy này. Tuy nhiên, với Việt Nam thì như dân gian vẫn thường nói “Không có mợ thì chợ vẫn đông” và dẫu “mợ đi lấy chồng (ý chỉ vắng mặt) thì chợ vẫn vui”.

Nhật Minh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/156023/hop-tac-binh-dang-de-cung-co-loi