'Hợp đồng tình ái' của Hoa hậu Phương Nga: Luật sư phân tích pháp lý

Để xác định đúng bản chất thực sự của vụ án mà Hoa hậu Phương Nga bị tố lừa đảo, cần làm rõ có hay không bản 'hợp đồng tình ái' giữa Nga và ông Mỹ.

Liên quan vụ án Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga bị tố lừa đảo chiếm đoạt của đại gia Cao Toàn Mỹ số tiền 16,5 tỷ đồng, theo nội dung xét hỏi và trả lời tại phiên tòa ngày 21/9, Nguyễn Đức Thùy Dung, bạn của Trương Hồ Phương Nga có nói về bản “hợp đồng tình ái” được lưu giữ trên email giữa Phương Nga và đại gia Cao Toàn Mỹ (Dung khai từng được Nga cho xem bản hợp đồng này). Bản thân Phương Nga cũng thừa nhận có quan hệ tình cảm với đại gia Cao Toàn Mỹ từ năm 2012.

Đặc biệt, trong thời gian quen nhau, Nga biết ông Mỹ đã có gia đình, vì muốn ổn định cuộc sống nên Nga đặt ra số tiền 16,5 tỷ đồng nếu đại gia Mỹ muốn quan hệ tình cảm với Nga. Đổi lại Nga phải duy trì mối quan hệ với đại gia Mỹ ít nhất 7 năm. Nếu trong thời gian này Nga phản bội đi theo người khác thì phải bồi thường lại toàn bộ số tiền này cho ông Mỹ.

Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung tại phiên tòa ngày 21/9 (Ảnh: Huy Sơn)

Qua lời khai của các đối tượng và tình tiết “bản hợp đồng tình ái” giữa Phương Nga và ông Mỹ lần đầu tiên được các bị cáo khai, dư luận quan tâm liệu bản “hợp đồng tình ái” có thật hay không, nếu có thật, thì có thể coi đó là căn cứ cho thấy Phương Nga không lừa đảo hay có thể Phương Nga sẽ bị quy vào tội bán dâm?

Bên cạnh đó, Phương Nga khai với tòa biết ông Mỹ là người đã có gia đình (cô này khai trước tòa đã từng tố cáo ông Mỹ tội vi phạm quy định một vợ một chồng), như vậy ông Mỹ có thể bị coi phạm tội ngoại tình không?

Lý giải những tình huống pháp lý được đặt ra này, luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng nếu cơ quan tố tụng xác định được bản hợp đồng tình cảm như lời khai của Phương Nga là có thật, hoàn toàn không có việc nhờ mua bán nhà, khi đó khó có thể quy tội lừa đảo cho cô này bởi hành vi lừa đảo là gian dối chiếm đoạt tài sản, trong khi đó việc chuyển tiền giữa Phương Nga và ông Mỹ hoàn toàn là sự tự nguyện, do vậy không có căn cứ để xác định yếu tố gian dối.

Bên cạnh đó, việc xác định bản hợp đồng là có thật cũng không thể truy tố Phương Nga về hành vi bán dâm bởi theo Bộ luật Hình sự năm 1999, chỉ xét xử hành vi chứa mại dâm (Điều 254), môi giới mại dâm (Điều 255) và tội mua dâm người chưa thành niên (Điều 256). Có chăng, nếu chứng minh làm rõ được hành vi mua bán dâm thì có thể phạt hành chính đối với bị cáo Phương Nga.

Về phía bị hại là ông Cao Toàn Mỹ, chỉ có thể truy tố ông này tội vi phạm chế độ một vợ một chồng theo điều 147 - BLHS 1999 khi chứng minh và làm rõ được hành vi chung sống như vợ chồng giữa ông này với bị cáo Phương Nga gây hậu quả nghiêm trọng hoặc ông này đã từng bị xử phạt hành chính vì ngoại tình thì mới đủ căn cứ.

Như vậy, qua những tình tiết mới xuất hiện từ lời khai của các bị cáo và bị hại tại phiên tòa sơ thẩm ngày 21/9, việc tòa trả hồ sơ để Viện Kiểm sát tiếp tục điều tra bổ sung là quyết định đúng đắn. Để xác định đúng bản chất thực sự của vụ án, không làm oan người vô tội cũng như không để lọt tội phạm, cơ quan tố tụng sẽ phải làm rõ bản “hợp đồng tình ái” hay việc mua bán nhà có thật hay không./.

Hà Thanh/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/phap-luat/hop-dong-tinh-ai-cua-hoa-hau-phuong-nga-luat-su-phan-tich-phap-ly-553070.vov