“Hợp đồng hôn nhân” là công bằng và tiến bộ!

(PL&XH) - Theo Luật HN&GĐ hiện hành thì tài sản của vợ chồng làm ra trong thời kỳ hôn nhân mặc nhiên được xem là tài sản chung, và nếu ly hôn, về nguyên tắc, tài sản vợ chồng sẽ chia đôi.

Khi gia đình hạnh phúc, ấm êm, có lẽ chẳng mấy ai nghĩ đến “của anh, của tôi”, nhưng không may mâu thuẫn, xích mích, thì đây lại là nguyên nhân khiến mâu thuẫn gia đình thêm trầm trọng. Nhiều gia đình, tuy vẫn “bằng mặt” với nhau, nhưng vợ chồng lại không thể “bằng lòng” khi người kia tự ý mua bán, cho tặng, đầu tư... từ “tài sản chung”, mà thực ra là tài sản riêng vì họ được tặng cho, hoặc có công sức chủ yếu để làm ra khối tài sản đó.

Việc lập hôn ước tài sản sẽ giúp các cặp vợ chồng tránh khỏi tranh chấp phức tạp nếu phải chia tay. Ảnh minh họa

Thực ra, Luật HN&GĐ cũng đã ghi nhận và bảo vệ quyền sở hữu tài sản riêng của vợ, chồng. Song, việc chứng minh đâu là tài sản riêng rất khó khăn vì hầu hết hai bên vợ chồng không có thỏa thuận trước, hoặc không có các chứng cứ, tài liệu để chứng minh cụ thể. Thế nên, khi một trong hai người muốn đầu tư kinh doanh, hoặc có con riêng cần cấp dưỡng, muốn giúp đỡ anh em bên họ nhà mình… mà người kia không đồng thuận, thì rất khó tự quyết định. Việc áp đặt một chế độ tài sản trong hôn nhân đang cho thấy sự cứng nhắc, không đảm bảo được quyền tự định đoạt của người có tài sản (cá nhân có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình theo ý chí của mình, miễn sao không xâm phạm lợi ích của người khác, không trái với đạo đức xã hội)... Điều này đang đặt ra yêu cầu pháp luật phải có qui định cụ thể, hợp lý hơn về tài sản chung, riêng của vợ chồng, tạo cơ sở cho quyền tự định đoạt của vợ, chồng về tài sản của mình, đồng thời tránh những rắc rối, phức tạp có thể xảy ra khi hôn nhân đổ vỡ. Thực ra, chế độ tài sản trong hôn nhân theo thỏa thuận đã được quy định trong pháp luật ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc đến năm 1959 và ở miền Nam Việt Nam từ năm 1959 đến ngày 25-3-1977, nên đây không phải là vấn đề mới ở Việt Nam.

Nhưng điều khiến nhiều người băn khoăn là, việc thực hiện chế độ hôn sản theo thỏa thuận (hay còn gọi là hôn ước tài sản, “hợp đồng hôn nhân”) có làm phá vỡ đi tính “cộng đồng trách nhiệm” của hôn nhân, cũng như khó đảm bảo được lợi ích chung của gia đình, đặc biệt là của con cái? Trước khi kết hôn, đã quá “cân nhắc” về tài sản “chứng tỏ” vợ chồng thiếu tin tưởng nhau, không có ý thức xây dựng cuộc sống gia đình bền vững… Không thể phủ nhận rằng, trong trường hợp vợ chồng thỏa thuận áp dụng chế độ cộng đồng toàn sản (tất cả tài sản của vợ, chồng đều thuộc sở hữu chung hợp nhất như hiện nay) thì thỏa thuận này rõ ràng mang tính “cộng đồng” cao hơn so với thỏa thuận chế độ hôn sản pháp định. Tuy nhiên, chế độ hôn ước tài sản cũng sẽ không làm “mất đi bản chất tốt đẹp của hôn nhân” nếu được hai vợ chồng cùng nhìn nhận là qui định tiến bộ và đồng thuận tuân theo.

Khi đó, vợ chồng được tự định đoạt tài sản riêng, sẽ khiến mỗi người cảm thấy hôn nhân có sự ràng buộc, nhưng không làm mất đi quyền tài sản của cá nhân. Vì vậy, giải pháp hợp lý được nhiều Bộ, ngành đồng tình góp ý xây dựng Luật HN&GĐ là đưa ra qui định “mở”: Một mặt thừa nhận chế độ hôn sản theo thỏa thuận, mặt khác thiết lập những quy định về việc bảo đảm những điều kiện cần thiết cho đời sống gia đình, nhất là việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Đồng thời, nếu hai vợ chồng không muốn lập hôn ước tài sản, thì tài sản của họ từ khi kết hôn sẽ được tính là tài sản chung, như pháp luật hiện hành.

Từ thực tiễn hành nghề, LS Nguyễn Thủy Nguyên, Đoàn LS Hà Nội cho rằng, lập “hôn ước tài sản” khi kết hôn là cách ứng xử công bằng và tiến bộ. Hôn ước tài sản sẽ là cơ sở để bảo vệ tài sản riêng của từng cá nhân, giúp giảm thiểu xung đột, thậm chí là tiết kiệm được án phí chia tài sản khi ly hôn… Nếu cả hai bên đều nhìn nhận việc lập hôn ước tài sản là cách sống hiện đại, thì điều này còn có thể củng cố vững chắc hơn quan hệ vợ chồng, khi hai bên hiểu rõ ràng quan điểm của nhau về tài sản vốn là vấn đề nhiều người thấy khó xử. Bên cạnh đó, việc thỏa thuận tài sản trước khi kết hôn còn bảo đảm cho một “cam kết hôn nhân” thực sự, chứ không nhằm mục đích “đổi đời” khi kết hôn với người có điều kiện kinh tế tốt hơn.

Cụ thể, theo LS Nguyên, thỏa thuận về chế độ hôn ước tài sản phải được lập trước khi kết hôn và có hiệu lực tại thời điểm đăng ký kết hôn. Về hình thức, thỏa thuận phải được lập thành văn bản, được cơ quan có thẩm quyền về đăng ký kết hôn ghi chú vào Sổ hộ tịch và Giấy chứng nhận kết hôn. Trong thời kỳ hôn nhân, thỏa thuận về chế độ tài sản ước định có thể được sửa đổi, bổ sung khi có lý do chính đáng và việc sửa đổi, bổ sung phải tuân theo những thể thức như khi lập hôn ước trước khi kết hôn.

Việc thừa nhận hôn ước tài sản cũng phù hợp với xu hướng quốc tế. Hiện, hầu hết các nước đều quy định hai chế độ tài sản trong hôn nhân khác nhau: Chế độ hôn sản pháp định và chế độ hôn sản ước định. Luật Gia đình Austrailia, Luật Gia đình Liên bang Nga, Bộ luật dân sự Nhật Bản, Bộ luật dân sự Cộng hòa Pháp, Bộ luật dân sự và thương mại Thái Lan, Luật Gia đình của Philipines, Bộ luật dân sự Campuchia, Luật hôn nhân Thụy Điển... đều ghi nhận vợ chồng có quyền thỏa thuận xác lập chế độ tài sản trong hôn nhân, thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn; trong trường hợp các bên không có thỏa thuận này thì áp dụng chế độ tài sản được quy định trong Luật. Đồng thời pháp luật các nước này cũng có quy định rất chặt chẽ về điều kiện có hiệu lực, hình thức và việc sửa đổi, bổ sung các quy định trong thỏa thuận về tài sản trong hôn nhân.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20130417083634805p0c1002/hop-dong-hon-nhan-la-cong-bang-va-tien-bo.htm