Hợp đồng góp vốn bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro

Khi dự án vì một lý do nào đó chậm triển khai, quá hạn bàn giao nhà hoặc không thể thực hiện, rủi ro cho người góp vốn là rất lớn.

Thị trường bất động sản thời gian qua đã quá quen thuộc với hình thức hợp đồng góp vốn, hợp đồng vay vốn hay thỏa thuận hợp tác kinh doanh. Hình thức này được áp dụng đối với những dự án mới trong giai đoạn triển khai ban đầu, chưa đầy đủ các thủ tục pháp lý.

Chủ đầu tư có lợi là huy động được một lượng vốn để triển khai dự án, còn khách hàng được cam kết sẽ mua sản phẩm bất động sản với giá rẻ hơn nhiều so với giá bán đồng loạt ra thị trường sau này. Tuy nhiên, khi dự án vì một lý do nào đó chậm triển khai, hoặc không thể thực hiện, rủi ro cho người góp vốn là rất lớn.

Cách đây 6 năm, nhiều khách hàng đã ký hợp đồng mua nhà với hình thức góp vốn tại một dự án ở Hà Nội với giá 18,5 triệu đồng/m2. Nhưng sau đó chủ đầu tư không đủ khả năng để thực hiện. Gần đây, một doanh nghiệp mới đã tham gia để hồi sinh dự án. Lúc này, các khách hàng cũ nhận được thông báo, họ sẽ phải mua căn hộ với giá mới từ 30-32 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, nhóm người mua đã không đồng tình với phương án của chủ đầu tư. Theo họ, sau khi trừ các ưu đãi, giá căn hộ vẫn ở mức cao khoảng 28 triệu đồng/m2. Đại diện chủ đầu tư cho biết, do dự án thay đổi quy mô, và chuyển đổi từ mua 50 năm lên thành sở hữu lâu dài nên giá phải thay đổi.

Cũng tại Vĩnh Phúc, một dự án được quảng cao là khu nghỉ dưỡng cao cấp 4 sao tên là Casablanca đã được Công ty cổ phần Công nghiệp Việt Nam liên kết Vinalinks chào bán tới nhiều khách hàng.

Quá hạn bàn giao lô đất, khách hàng nhiều lần đến tìm gặp chủ đầu tư nhưng không nhận được hồi âm. Các khách hàng đã tìm đến văn phòng để gặp đại diện chủ đầu tư, nhưng chủ đầu tư đã thay đổi địa chỉ nhiều lần.

- Theo Trung tâm Tin tức VTV24

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/hop-dong-gop-von-bat-dong-san-tiem-an-nhieu-rui-ro-d43424.html