Họp Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng và Dự án mở rộng đường bộ cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn

Sáng 9/4, Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình và Dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đã tổ chức phiên họp thứ nhất để nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện Dự án. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Cùng dự có các đồng chí: Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hoàng Hà, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh: Qua kinh nghiệm triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm quốc gia và của tỉnh như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và Mai Sơn - Quốc lộ 45; Dự án xây dựng tuyến đường Đông - Tây, nếu ngay từ đầu thành lập Ban Chỉ đạo sẽ không để phát sinh những khó khăn, vướng mắc không đáng có.

Tuy nhiên, sau khi UBND tỉnh thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở, những khó khăn, vướng mắc của các dự án nhanh chóng được giải quyết, đảm bảo tính thống nhất, đảm bảo yêu cầu về tiến độ thời gian, chất lượng. Do đó, Ninh Bình là một trong những tỉnh đầu tiên bàn giao đủ mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công các dự án trọng điểm quốc gia. Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn là dự án đầu tiên trên toàn tuyến hoàn thành được Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải biểu dương, đánh giá cao.

Nhiều sáng kiến của Ninh Bình trong quá trình triển khai dự án được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương ghi nhận và triển khai nhân rộng trên toàn quốc.

Đối với nhiệm vụ triển khai thực hiện 2 dự án lần này là: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình và Dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định là nhiệm vụ lớn, trong đó tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng có yêu cầu rất cao cả về kỹ, mỹ thuật, chất lượng và thời gian thực hiện, đòi hỏi trách nhiệm cao, sự vào cuộc đồng bộ để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị.

Do vậy, tập thể lãnh đạo UBND tỉnh thống nhất cần phải thành lập Ban chỉ đạo ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.

Ban Chỉ đạo sẽ họp định kỳ để giải quyết công việc trực tiếp, phát sinh, không để khó khăn, tồn tại kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình triển khai, tiến độ thực hiện dự án.

Hội nghị đã nghe đại diện Sở Giao thông vận tải báo cáo về dự án. Theo đó: Dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn có địa điểm xây dựng tại huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định), thành phố Ninh Bình và các huyện Yên Khánh, Hoa Lư và Yên Mô (tỉnh Ninh Bình), do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư. Quy mô đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn theo tiêu chuẩn đường cao tốc quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư 1.995 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương. Dự kiến dự án sẽ phê duyệt trong tháng 4/2024, khởi công vào quý IV năm 2024 và hoàn thành vào năm 2026.

Đối vớiDự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình: Dự án đi qua 2 huyện Yên Khánh và huyện Yên Mô. Phạm vi đầu tư: điểm đầu từ nút giao Mai Sơn giao với tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 thuộc xã Mai Sơn, huyện Yên Mô; điểm cuối là Cầu vượt sông Đáy nối hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình thuộc xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình với tổng chiều dài tuyến là 25,3 km.

Quy mô xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình theo tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh và các công trình phụ trợ trên tuyến. Tổng mức đầu tư dự án là 6.865 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2024-2029.

Tại hội nghị, lãnh đạo các huyện Yên Mô, Yên Khánh đã báo cáo công tác chuẩn bị các điều kiện giải phóng mặt bằng (GPMB). Các địa phương đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải, các ngành, đơn vị liên quan rà soát diện tích đất và số hộ ảnh hưởng để xác định chi phí, diện tích đất cần GPMB.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, nhu cầu sử dụng đất của dự án sơ bộ khoảng 295,7 ha, trong đó nhu cầu sử dụng đất của huyện Yên Mô khoảng 137,65 ha; nhu cầu sử dụng đất của huyện Yên Khánh khoảng 159,3 ha. Các địa phương cũng đã chủ động lồng ghép tuyên truyền công tác GPMB vào các hội nghị giao ban công tác thường kỳ để cán bộ, nhân dân hiểu được tầm quan trọng của dự án.

Lãnh đạo các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Công an tỉnh... đã đóng góp ý kiến vềquy trình bố trí nguồn vốn thực hiện, công tác chuẩn bị đầu tư, đánh giá tác động môi trường, phương án chuẩn bị nguồn vật liệu xây dựng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, công tác GPMB các dự án, phương án tái định cư...

Đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận sự chủ động vào cuộc của các sở, ngành, địa phương để chuẩn bị các điều kiện, thủ tục đầu tư các dự án trên. Đồng chí đề nghị xem xét lại tổng thể hệ thống đường gom các dự án và hệ thống cầu hầm chui trong tổng thể dự án phù hợp với thực tế ở địa phương.

Đặc biệt quan tâm đến tiến độ, chất lượng của dự án, đảm bảo yêu cầu của Chính phủ và tầm nhìn phát triển của tỉnh, quốc gia theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sở Giao thông vận tải và các huyện rà soát lại tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư, trên cơ sở kinh nghiệm GPMB các dự án trước đó xây dựng kế hoạch sơ bộ tiến độ GPMB để có thể khởi công thực hiện dự án.

Thống nhất với các ý kiến đóng góp tại hội nghị, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận sự tập trung, nỗ lực rất cao để có sự đồng thuận của các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân trong việc đề xuất với Trung ương đầu tư xây dựng Dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và xây dựng các nút giao kết nối đường cao tốc với hệ thống giao thông, đô thị, các khu công nghiệp, trung tâm du lịch tỉnh... nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu kết luận hội nghị.

Cùng với đó, việc Ninh Bình đề xuất làm chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình cũng là một sự nỗ lực, quyết tâm, kiên trì của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh để tạo động lực cho phát triển phù hợp quy hoạch, tầm nhìn của tỉnh trong tương lai.

Từ quyết tâm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, từ những thành công, kinh nghiệm của Ninh Bình trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, Trung ương đã đồng ý giao cho tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư 2 dự án. Đây là cơ sở quan trọng để Ninh Bình kết nối liên thông mạng lưới giao thông đường bộ trong tỉnh và khu vực, phát huy hiệu quả sau đầu tư, tạo dư địa, không gian phát triển có tầm nhìn cho nhiều giai đoạn sau này của tỉnh Ninh Bình.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các thủ tục đầu tư cũng như triển khai thực hiện thi công dự án sau này. Đơn vị chủ đầu tư tiếp thu ý kiến của các đại biểu để nghiên cứu điều chỉnh bổ sung một số hạng mục, công việc cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, đảm bảo tính khả thi cao, công năng sử dụng hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển lâu dài... Phấn đấu rút ngắn thời gian, quy trình thực hiện một số khâu chuẩn bị để triển khai thi công 2 dự án trong thời gian sớm nhất.

Đặc biệt, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với các ngành và các địa phương có dự án đi qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của các dự án để tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện dự án.

Sớm rà soát, bổ sung xây dựng phương án tiền khả thi đối với công tác GPMB và tái định cư cho nhân dân trong vùng ảnh hưởng của dự án, đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của Nhân dân. Nhất là đối với các hộ thực hiện tái định cư, chính quyền địa phương phải có phương án xây dựng các khu tái định cư tốt hơn nơi ở cũ, trở thành các khu dân cư kiểu mẫu, hiện đại, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân.

Nguyễn Thơm - Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hop-ban-chi-dao-trien-khai-thuc-hien-du-an-dau-tu-xay-dung/d2024040916022987.htm