Hongi: Tục chạm mũi chào nhau rất độc đáo của người New Zealand

Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân trong chuyến thăm New Zealand đã được chào đón bằng nghi lễ độc đáo mang đậm tính truyền thống.

Sáng 11/3, tại buổi lễ chào đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân, nước chủ nhà New Zealand đã tiếp khách theo nghi thức cao nhất dành cho người đứng đầu chính phủ, bao gồm nghi lễ Powhiri truyền thống. Đây là nghi lễ đón khách rất trang trọng và độc đáo được thực hiện bởi chính những chiến binh và người bản địa Maori ở New Zealand.

Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon (trái) và Thủ tướng Phạm Minh Chính thực hiện nghi thức Hongi trong lễ đón tại Nhà Quốc hội ở thủ đô Wellington của New Zealand. Ảnh: Nhật Bắc/VGP.

Một buổi lễ Powhiri sẽ gồm có Karanga - lời chào vang vọng của phụ nữ Maori, thể hiện sự chào đón và kết nối với tổ tiên; Wero - điệu nhảy haka đầy uy lực của nam giới Maori, thể hiện sức mạnh và lòng dũng cảm; Whaikorero - bài ca và bài phát biểu chào mừng; Hongi - tục chạm mũi và trán để chia sẻ hơi thở; cuối cùng là Kai - trao đổi quà tặng và thưởng thức bữa ăn chung.

Nghi thức chạm mũi Hongi là một phần của nghi lễ Powhiri. Đây là cách chào hỏi truyền thống của người Maori, nhóm người bản địa đầu tiên sinh sống tại New Zealand. Thay vì bắt tay hay ôm hôn, người Maori thể hiện sự chào đón, tôn trọng và gắn kết bằng cách chạm mũi và trán vào nhau. Hơi thở được chia sẻ trong khoảnh khắc ấy tượng trưng cho sự kết hợp của tâm hồn và tinh thần, thể hiện sự kết nối sâu sắc giữa hai người.

Người Maori bản địa chào nhau bằng nghi thức Hongi. Ảnh: Newzealand.com.

Người chưa từng đến New Zealand hoặc là du khách sẽ được gọi là “manuhiri”, người dân bản xứ sẽ thực hiện nghi thức này và biến người khách trở thành “tangata whenua”, tức là người của đảo. Khi làm Hongi, người Maori trao nhau “ha”, tức là hơi thở và là nguồn gốc của sự sống. Người Maori tin rằng người phụ nữ đầu tiên tạo ra con người bằng cách nhào nặn từ đất rồi thổi sự sống vào mũi.

Phần lễ Powhiri còn gây ấn tượng bởi màn thể hiện uy lực của chiến binh và đàn ông Maori. Họ sẽ chậm rãi tiến gần tới khách rồi bắt đầu phô diễn sức mạnh, kỹ năng của mình. Những người này hét to, làm khuôn mặt dữ tợn, giơ tay lên cao, giậm chân thật mạnh xuống đất.

Vua Anh Charles thực hiện Hongi với người bản địa New Zealand. Ảnh: SBS AU.

Một chiến binh Maori sẽ tiến tới, đặt con dao gỗ và cành dương xỉ xuống đất. Người khách sẽ theo dõi xuyên suốt màn chào đón này rồi cúi xuống để nhặt hai đồ vật này lên để thể hiện thiện chí. Tất cả những hành động này nhằm truyền thông điệp họ sẽ dùng vũ lực nếu đối phương có ý đồ xấu, ngược lại thì sẽ cùng tới với nhau trong hòa bình.

Nghi lễ Powhiri mà đặc biệt là nghi thức Hongi là một phần không thể thiếu trong văn hóa Maori, ngày càng được phổ biến rộng rãi trong xã hội New Zealand hiện đại. Du khách đến đây có cơ hội trải nghiệm nghi thức đặc biệt này trong các dịp quan trọng như đám cưới, sinh nhật, lễ tang, hoặc khi chào đón khách quý tới chơi nhà.

Chiến binh Maori đón khách bằng điệu nhảy thể hiện uy lực. Ảnh: Newzealand.com.

Những nghi thức này trở thành một nét đẹp văn hóa độc đáo, góp phần tạo nên sức hút cho ngành du lịch New Zealand. Du khách từ khắp nơi trên thế giới đến đây không chỉ để chiêm ngưỡng cảnh đẹp hùng vĩ mà còn để trải nghiệm văn hóa Maori đặc sắc.

Tuấn Anh

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-hay/hongi-tuc-cham-mui-chao-nhau-rat-doc-dao-cua-nguoi-new-zealand-c17a70091.html