Hồng Kỳ - Dòng xe cho lãnh đạo Trung Quốc và lịch sử nhiều biến động

Sinh ra trong thời kỳ đất nước phát triển, hiếm có thương hiệu ô tô nào song hành gắn chặt mỗi bước đi của mình với lịch sử cách mạng của đất nước như Hongqi (Hồng Kỳ) - hãng xe của Trung Quốc.

Nếu tìm hiểu về kinh tế Trung Quốc, chắc hẳn bạn sẽ không lạ lẫm với cái tên FAW (First Auto Works) - doanh nghiệp ô tô quốc doanh lớn thứ hai trong Big Four của ngành này tại thị trường tỷ dân, bên cạnh SAIC, Dongfeng và Changan.

Khởi động từ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất; vào ngày 15/7/1953 những chiếc xe tải quân sự mang tên Giải Phóng với mã hiệu CA-10 đầu tiên được các kỹ sư FAW (First Automobile Works - Nhà máy ô tô thứ nhất) xuất xưởng tại thành phố Trường Xuân, do Liên Xô hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ từ mẫu ZIS-150.

Trong khi Cadillac One là những chiếc xe vinh dự được phục vụ cho các đời tổng thống Mỹ, thì các mẫu xe Hồng Kỳ là niềm tự hào của những nhà lãnh đạo Trung Quốc. (Ảnh: KT)

Chính Chủ tịch Mao Trạch Đông từng bày tỏ: Sẽ thật tuyệt nếu một ngày nào đó Trung Quốc có thể sử dụng một mẫu xe con của chính mình. Và thế là sau khi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất kết thúc và tích lũy đủ kinh nghiệm sản xuất, các kỹ sư bắt tay ngay vào việc chế tạo dòng xe tự chủ trong nước đầu tiên của người Trung Quốc, dành cho tầng lớp lãnh đạo Đảng.

Sau khi tham khảo hàng loạt mẫu xe sedan phương Tây, chiếc xe con đầu tiên của người Trung Quốc mang tên Hồng Kỳ được ra đời vào năm 1958, đánh một dấu mốc cực kỳ quan trọng của nền công nghiệp ô tô nước này. Trên thân vỏ mỗi chiếc xe, dòng chữ Hồng Kỳ được gắn lên chính là ký tự viết tay của Mao Chủ tịch.

Chủ tịch Mao Trạch Đông đã "chấm" Dongfeng sau chuyến thăm nhà máy FAW và lái thử xe vào năm 1958. (Ảnh: FAW)

Bên trong xe được trang bị những vật liệu sang trọng nhất, phục vụ cho giai cấp lãnh đạo lúc bấy giờ, như: Ghế bọc vải gấm, trần lót vải nhung, thảm trải sàn đan bằng len, các tấm vách ngăn ốp gỗ sơn mài và nút bấm bằng ngà.

Phải trải qua tới 5 phiên bản thử nghiệm và lần cải tiến, xe mới chính thức được sản xuất hàng loạt kể từ năm 1959 dưới mã hiệu CA72; sở hữu khối động cơ V8. Chỉ vỏn vẹn sau đó 2 tháng, chiếc CA72 phiên bản mui trần đã được phát triển và sản xuất hoàn thiện để phục vụ lễ duyệt binh tại quảng trường Thiên An Môn.

Năm năm sau đó, phiên bản sedan sang trọng hơn, với cấu hình ba hàng ghế, động cơ V8 đi kèm hộp số tự động mang mã hiệu CA770 ra đời, chuyên đảm nhận nhiệm vụ đưa đón các bậc lãnh đạo và những chính khách nước ngoài trong suốt giai đoạn những năm 1960 - 1970.

Mẫu limousine ba hàng ghế Hongqi CA770 ra mắt vào năm 1965. (Ảnh: FAW)

Đặc biệt hơn nữa, Trung Quốc chính thức trao cho CA770 danh hiệu mẫu xe quốc gia. Sau CA770, các biến thể của nó cũng ra mắt, điển hình là phiên bản bọc thép với lớp thân vỏ - cửa kính cực kỳ dày dặn có khả năng chống đạn; hay phiên bản mui trần CA770J sang trọng.

Ở thời kỳ đỉnh cao, các mẫu xe Hồng Kỳ đều xuất hiện cùng nhiều đời lãnh đạo đất nước như Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào… tại những lễ duyệt binh hay ngày kỷ niệm trọng đại.

Đến thập niên 80, Trung Quốc chứng kiến làn sóng kinh tế thị trường ập vào thị trường, nhấn chìm thương hiệu quốc doanh đình đám một thời. Đến tháng 5/1981, Hồng Kỳ được lệnh dừng sản xuất và các nhà lãnh đạo đất nước sẽ chuyển sang sử dụng các mẫu xe Toyota Crown hay Mercedes-Benz S-Class nhập khẩu.

Không thể tiếp tục gắn bó với giai cấp lãnh đạo, FAW lúc này buộc phải hướng thương hiệu Hồng Kỳ tới thị trường đại chúng và bắt tay liên doanh với những tên tuổi lớn của nền công nghiệp ô tô Âu Mỹ như Ford, Nissan, Chrysler và Audi.

Các kỹ sư của FAW đã mất cả năm để thử nghiệm và nâng cấp thiết kế của mẫu CA72 dựa trên hai mẫu saloon cao cấp khác là Cadillac Fleetwood và Lincoln Continental. (Ảnh: FAW)

Xe Hồng Kỳ vắng bóng suốt hơn một thập kỷ từ 1981 đến 1996. Trong giai đoạn này, nhà máy chỉ sản xuất thử nghiệm một vài mẫu xe sedan và xe buýt không mấy nổi bật. Phải mất đến gần một thập kỷ, các kỹ sư Trung Quốc mới có thể “hồi sinh” mẫu xe Hồng Kỳ tiếp theo, mang mã hiệu CA7720 với “hồn cốt” là khung thân Audi A100 kết hợp với “trái tim” là khối động cơ của Chrysler vào năm 1996.

Một thập kỷ sau đó - từ 1996 đến 2006 chứng kiến thời kỳ thịnh vượng của Hồng Kỳ, với khoản lợi nhuận lên tới hơn 6 tỷ Nhân Dân tệ do mẫu xe CA7720 đem về. Có thể nói đây chính là mẫu xe hơi quốc dân giải tỏa cơn khát xe ô tô cá nhân lúc bấy giờ của người dân Trung Quốc.

Kế tiếp từ năm 1998, mẫu sedan Hongqi CA7460 ra đời, là sản phẩm hợp tác giữa FAW với Ford, nhắm tới phân khúc xe sang. Xe có kiểu dáng giống hệt mẫu Lincoln Town Car, với toàn bộ linh kiện sản xuất đều được nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm khối động cơ V8 dung tích 4.6L.

Tuy được áp dụng cùng “công thức copy” các mẫu xe Âu Mỹ cả về thiết kế lẫn động cơ; nhưng trái ngược hoàn toàn với CA7720; Hongqi CA7460 đã không thành công và còn kéo theo thời kỳ suy thoái tiếp theo đến với Hồng Kỳ.

Thập kỷ tiếp theo từ năm 2000 đến 2010, Hồng kỳ làm ăn ngày một bết bát, doanh số năm sau tiếp tục giảm so với năm trước. Phải cho đến khi vị chủ tịch Xu Jianyi lên nhậm chức, số phận của thương hiệu Hồng Kỳ mới tiếp tục có biến chuyển.

Nhờ khoản đầu tư trị giá hơn 30 tỷ Nhân dân tệ vào khâu nghiên cứu - phát triển sản phẩm (R&D), được FAW rót không tiếc tay cho thương hiệu đỉnh cao một thời. Kết quả là bộ đôi Hongqi L5 và H7 ra đời. Năm 2014, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đem theo hai chiếc Hongqi L5 và sử dụng trong chuyến công du New Zealand; thể hiện quyết tâm lãnh đạo Trung Quốc phải sử dụng xe Trung Quốc.

Tiếp sau đó, Hongqi L5 tiếp tục xuất hiện cùng ông Tập tại lễ duyệt binh năm 2015 và sau đó, được lựa chọn để đưa đón nguyên thủ các nước tới tham dự kỳ họp thượng đỉnh APEC 22 tại Trung Quốc.

Mặc dù là một mẫu xe hiện đại, nhưng Hồng Kỳ L5 lại sở hữu những nét thiết kế mang đậm dấu ấn cổ điển. Mẫu sedan này sử dụng động cơ V12, có khả năng chống đạn, thuốc nổ, mìn, thậm chí là tồn tại trước những loại vũ khí sinh học, hóa học.

Ông Tập Cận Bình duyệt đội danh dự trên chiếc Hongqi L5 (Ảnh: FAW).

Hiện nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang sử dụng mẫu xe Hongqi N701 được phát triển dựa trên nền tảng của mẫu xe đại trà Hồng Kỳ H9. Trung Quốc không tiết lộ cấu hình chi tiết của mẫu xe này, nhưng theo thông tin không chính thức, Hongqi N701 của ông Tập được trang bị khối động cơ V12 dung tích 6.0L và tất nhiên là sở hữu khả năng thượng thừa chống lại súng đạn và các cuộc tấn công.

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam đang diễn ra trong hai ngày 12-13/12/2023, đoàn Trung Quốc đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng sử dụng dàn xe Hồng Kỳ để làm phương tiện di chuyển. Nổi bật trong đó là hai chiếc limousine mới - Hồng Kỳ N701.

Hai chiếc limousine N701 do hãng xe nội địa Hồng Kỳ (Hongqi) thương hiệu con của tập đoàn quốc doanh FAW (First Automobile Works) sản xuất được Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình sử dụng trong chuyến thăm Việt Nam trong hai ngày 12-13/12

Hiện nay tại Việt Nam, thương hiệu Hồng Kỳ cũng đã có mặt vài năm trên thị trường, do một đơn vị nhập khẩu tư nhân đưa về nước. Hai mẫu xe Hồng Kỳ đang bán tại nước ta là sedan H9 và SUV thuần điện e-HS9 với mức giá tương đương các mẫu xe sang Âu hay Mỹ.

Cho đến thời điểm này, thương hiệu Hồng Kỳ đã vươn tới 14 quốc gia khác nhau trên toàn cầu, trải dài từ châu Âu, châu Á, châu Mỹ cho tới khu vực Trung Đông; tập trung vào phân khúc hạng sang và cận siêu sang với mức giá khá dễ chịu.

Gia Linh - Phương Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/o-to-xe-may/o-to/hong-ky-dong-xe-cho-lanh-dao-trung-quoc-va-lich-su-nhieu-bien-dong-post1065084.vov