Hồn vía con sông làng

Nhà thơ Hoàng Cầm có nhiều bài thơ hay, trong đó hay nhất theo tôi là bài 'Bên kia sông Đuống'.

Nhà tôi dưới quê nằm cạnh con sông Bến Bạ. Cho tới bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao có tên này do chẳng ai lý giải được. Còn người có thể biết thì đã mất. Trong ký ức tôi con sông Bến Bạ rất đẹp, nó nằm cuối con lộ làng, đi xuống con dốc là bãi cát mênh mông.

Tôi đứng bên này sông phía bên bồi nhìn suốt mặt nước mênh mông giữa muôn trùng sóng để nhìn sang bên lở, ước mơ ngày nào đó đủ sức đóng chiếc bè chuối tự mình chèo qua, thực hiện chuyến phiêu lưu của tuổi thơ. Nhưng rồi ước mơ này tôi đã không thực hiện được vì tôi đã sớm rời quê nhà lên Sài Gòn học tiếp bậc trung học.

Sông Bến Bạ của tôi cũng giống như sông Đuống của nhà thơ Hoàng Cầm, cũng có hai bờ đi qua một cuộc chiến tranh dài không chỉ thời chống Pháp mà sang tới thời đánh Mỹ. Thời Pháp tôi còn nhỏ xíu, nghe má tôi kể lại cả nhà chạy giặc trên chiếc xuồng câu qua bên kia sông.

Tôi khát nước mà không có nước ngọt để uống, ông ngoại tôi một mình chèo chiếc xuồng câu ngược sông về bên nhà lấy nươc ngọt không sợ chết, không sợ bị giặc bắt. Thời đánh Mỹ, tôi rời làng quê lên Sài Gòn trọ học, ông ngoại tôi đã mất trước đó khá lâu, cả làng cũng chạy giặc qua bên kia sông lánh nạn, khi lính rút đi dân làng mới đùm túm nhau trở về.

Tôi lớn lên theo lời má tôi kể và vẫn không hình dung ra gương mặt ông ngoại tôi như thế nào. Sau ngày 30-4-1975, tôi về lại quê nhà, cũng theo lời má kể, tôi cùng với mấy đứa em bà con đi tìm mộ ông ngoại tôi chôn sơ sài trong chiến tranh, hốt cốt mang về chôn lại trên đất nhà, xây cho ông nấm mộ đàng hoàng, đẹp đẽ để tưởng nhớ công ơn ông ngoại đã không tiếc mạng sống của mình chèo ghe vượt sông trong lửa đạn, mang về cho tôi miếng nước ngọt từ những ngày ấu thơ.

Tuy xa quê từ nhỏ, nhưng khi nghỉ hè tôi về quê vẫn ra tắm trên con sông Bến Bạ. Hình ảnh con sông đã là kỷ niệm đậm nét trong tâm hồn, nỗi nhớ của tôi. Từ bên này sông muốn qua bên kia sông phải đi đò chèo, sang hơn là đò máy nhưng phải theo con nước, tức thủy triều lên xuống trong ngày. Nhưng có thể khi xuồng ra tới giữa sông gặp gió lớn, sóng to bất ngờ nếu không phải là người có kinh nghiệm, vững tay chèo, có thể xuồng bị lật úp. Tuy nhiên, đối với trẻ con chúng tôi ngày đó chuyện sóng to, gió lớn chẳng phải là điều bận tâm.

Tôi nhớ ngày xưa đường lộ liên tỉnh khó khăn, xe đò mỗi ngày chỉ chạy một, hai chuyến nên người ta lên tỉnh, nhất là bạn hàng mua bán đều tập trung đi đò máy. Đò lên hay về, cặp sát mép nước đón, đổ khách. Bây giờ lộ nhựa thẳng tắp, xe đò, xe buýt chạy cách nhau nửa giờ. Chỉ có người ở cạnh sông và bạn hàng mua bán mới đi đò máy nhưng phải nhờ đò ngang đưa ra.

Con sông Bến Bạ vẫn rộng lớn muôn trùng, vẫn mặt nước mênh mông ầm ào sóng, vẫn bên bồi bên lở. Tôi ở bên này sông bên bồi mà không còn bãi cát cho trẻ con chơi, cho các bà, các chị xuống sông gánh nước, giặt giũ, cho những đôi thanh niên nam, nữ hẹn hò gặp nhau trong những đêm trăng sáng thì con sông chẳng còn hồn vía gì nữa.

Giờ đây, trên bãi đất trống ngay đầu dốc xuống bãi cát đã có một điểm mua bán vật liệu xây dựng ngổn ngang cừ tràm, gạch, đá, sắt thép, xi măng, cát… xe tải, xe công nông thường chở vật liệu xây dựng ngược xuôi, cày nát con lộ xã, xáo trộn sự yên tĩnh của ngôi đình làng nằm dưới những tán sộp cổ thụ. Con sông vì thế mất hết vẻ nên thơ, nhạt nhòa hồn vía và sức quyến rũ.

TỪ KẾ TƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hon-via-con-song-lang-post701371.html