'Hỗn loạn đạn pháo' gây ra thảm họa đối với Quân đội Ukraine

Quân đội Ukraine đang gặp khó với tình trạng hỗn loạn đạn pháo do nhận viện trợ từ quá nhiều nguồn khác nhau.

Các binh sĩ Quân đội Ukraine chiến đấu gần Bakhmut đang gặp rất nhiều khó khăn về hậu cần trước các loại pháo phương Tây cung cấp, họ thậm chí còn phải dùng từ "Hỗn loạn đạn pháo" để nói về tình hình thực địa.

Nguyên nhân là bởi lực lượng vũ trang Ukraine không phải lúc nào cũng có loại đạn phù hợp với chiều dài nòng pháo để tùy ý sử dụng, mặc dù pháo NATO cung cấp cho Kyiv đều có đường kính 155 mm.

Theo trang Military Watch, Quân đội Ukraine đang trải qua một cơn ác mộng về hậu cần thực sự. Ví dụ vào đầu tháng 10/2022, các đơn vị Ukraine gần làng Bogdanovka (cách Bakhmut 12 km về phía Tây) được trang bị nhiều loại đạn pháo 155 mm khác nhau.

Điều này làm phức tạp nghiêm trọng việc tiến hành các hoạt động chiến đấu chống lại các tay súng của Công ty quân sự tư nhân Wagner PMC và lực lượng vũ trang của Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng.

Thực tế phải nói đến ở đây chính là đạn lựu pháo do phương Tây cung cấp khác nhau về trọng lượng, loại thuốc nổ, kích cỡ liều phóng cũng như một vài thông số quan trọng khác.

Một trường hợp điển hình đó là các binh sĩ Ukraine thường bị buộc phải sử dụng loại đạn dành cho pháo kéo M777 của Mỹ có nòng dài gấp 39 lần đường kính (L/39) cho pháo tự hành Krab L/52, điều này dẫn đến việc pháo Ba Lan "thất bại".

Một trong những trường hợp như vậy đã được các phóng viên của hãng thông tấn Sky News ghi lại. Theo ghi nhận của phóng viên chiến trường, các quân nhân Ukraine đã lấy đạn pháo M795, dự định ban đầu cho khẩu M777 để bắn từ hệ thống Krab.

Việc thực hiện hành động như vậy dẫn đến việc từ ngày 1 đến ngày 20 tháng 10 năm 2022, các binh sĩ Lữ đoàn 54 thuộc lực lượng vũ trang Ukraine đã phá hỏng cơ cấu khóa nòng của 4 trong số 12 khẩu Krab.

Thêm một vấn đề phức tạp nữa là việc các kíp pháo binh Ukraine không được đào tạo đủ kỹ lưỡng để làm việc một cách thành thạo với pháo xe kéo cũng như pháo tự hành của NATO vì chúng khác biệt rất nhiều với vũ khí hệ Liên Xô.

Ngoài ra, những người thợ kỹ thuật thường không có đủ điều kiện để bảo dưỡng pháo 155 ly trong điều kiện chiến đấu khốc liệt. Theo ghi nhận, pháo liên tục bị kẹt và phải được gửi đến các nước đồng minh để sửa chữa.

Một trong những nguyên nhân được giải thích là bởi cường độ sử dụng của pháo binh Ukraine quá cao. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất pháo tự hành PzH 2000, nếu bắn 100 quả/ngày đã là chiến tranh cường độ cao, nhưng Kyiv còn bắn nhiều hơn con số đó đáng kể.

Ngoài pháo 155 mm chuẩn NATO, Ukraine còn đang gặp rắc rối với pháo theo cỡ nòng Liên Xô, chủ yếu là đạn 122 mm cho pháo D30, 2S1; hay 152 mm cho Msta-S và Msta-B...

Sau khi Ukraine tiến hành chiến dịch phản công và thu giữ khá nhiều lựu pháo cũng như pháo tự hành của Nga trên mặt trận Izyum, không nhiều chiến lợi phẩm được đưa vào sử dụng ngay lập tức, chủ yếu là do thiếu đạn dược.

Chính quyền Kyiv đang nỗ lực vận động những quốc gia từng là thành viên Khối Hiệp ước Warsaw "giải phóng" kho đạn pháo cũ của họ cho Ukraine, đồng thời tìm cách mua thêm từ châu Á hoặc châu Phi.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hon-loan-dan-phao-gay-ra-tham-hoa-doi-voi-quan-doi-ukraine-post521075.antd