Hồn làng chài Nam Ô

Giữa phố thị ồn ào ở thành phố Đà Nẵng thì vẫn còn lưu lại một góc bình lặng là làng Nam Ô. Ngôi làng nằm ven biển và vẫn giữ nét hoài cổ với những ngôi nhà trong làng gắn biển xây dựng từ năm 1956, những mái đình dưới gốc cây đại thụ, những ngôi mộ rêu phong. Nam Ô còn nổi tiếng trên thế giới nhờ vào đoạn phim của anh em Gabriel Veyre bấm máy vào năm 1896.

Cụ Bùi An gõ mõ trong lễ cầu ngư. Ảnh: Văn Chương

Cụ Bùi An gõ mõ trong lễ cầu ngư. Ảnh: Văn Chương

Làng Nam Ô nằm dưới chân đèo Hải Vân vốn là cửa ngõ phía Nam của Đại Việt, khi vua Chăm Pa là Chế Mân dâng Châu Ô, Châu Lý cho nhà Trần, sau cuộc hôn nhân với Huyền Trân công chúa vào năm 1306. Ngôi làng này còn dày đặc những di tích như giếng vuông Chăm Pa, bia thờ Huyền Trân Công Chúa, trấn Cu Đê chống giặc Pháp năm 1859, nghĩa trủng thờ hàng trăm dân binh, tử sĩ đã bỏ mạng trong cuộc chiến đấu chống quân Pháp xâm lược, nhiều câu chuyện về số phận con người...

Rời khỏi con đường Nguyễn Tất Thành nằm dọc ven biển và rẽ vào làng Nam Ô, ngôi làng này vừa được nhận Bằng di tích cấp thành phố “Cụm di tích lịch sử Nam Ô”. Những người trẻ có thể lướt qua sự kiện này, còn những người lớn tuổi thì nhắc lại việc công nhận này là thêm tín hiệu mừng, là đánh thức suy nghĩ mọi người về ngôi làng dày đặc những di tích và huyền tích. “Huyền Trân công chúa trên đường chạy trốn Chiêm Thành về Đại Việt đã ở lại làng Nam Ô” - nhiều người già nói với tôi như vậy, trong mắt như hiện lên hồi ức xa xăm.

Những lần gặp gỡ các bậc cao niên trước đây, ông Bùi An, sinh năm 1931 thường nhìn ra biển, vuốt chùm râu trắng bạc và nhắc về Nam Ô trong quá khứ. Ngôi làng này luôn tấp nập thuyền ra thuyền vào sau 1 đêm đánh cá cơm. Những người dân ở dưới phố thỉnh thoảng đi bộ đến tận làng Nam Ô để xin thuốc, xin cầu lộc, cầu tài, xem gia sự.

Giữa làng Nam Ô vẫn còn lưu lại giếng Chăm có hình vuông, đi ra rìa làng là nghĩa trủng với hàng trăm ngôi mộ cổ nằm thấp thoáng giữa lau lách, cỏ cây. Ở thành phố Đà Nẵng có những nghĩa trủng lớn như Hòa Vang, Phước Ninh. Nghĩa trủng là danh từ khá lạ được sử dụng ở vùng đất này để chỉ những nghĩa trang, nơi yên nghỉ của những nghĩa sĩ đã quên mình trong cuộc chiến không cân sức đánh quân Pháp. Năm 1864, theo đề nghị của Bố chánh tỉnh Quảng Nam là Đặng Huy Thước, vua Tự Đức đã ban lệnh quy tập hài cốt các nghĩa sĩ, nghĩa dân đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở mặt trận Đà Nẵng từ năm 1858-1860.

Năm 2019, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa có quyết định số 2974, công bố đưa Nghề làm nước mắm Nam Ô, nằm trên địa bàn quận Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng) vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông An nhắc lại Nam Ô trong quá khứ, đi đến đâu cũng thoang thoảng mùi nước mắm thơm lừng. Cứ buổi chiều muộn, những người phụ nữ gồng gánh lưới, gạo, củi ra thuyền cho đàn ông đi đánh cá. Một vật dụng không thể thiếu trong chuyến đi là những bó sậy được buộc chặt cao quá đầu người. Lửa được thắp trên bó sậy cháy ngùn ngụt cả đêm. Lửa thắp lên giữa biển đêm trở thành nguồn sáng để thu hút đàn cá cơm quần tụ về lưới. Bình minh nhô lên ở đường chân trời là lúc những chiếc thuyền chở nặng cá cơm trở về để người làng muối mắm.

Nhà dân trong làng Nam Ô nằm xen với những ngôi mộ của các nghĩa sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở mặt trận Đà Nẵng từ năm 1858-1860. Ảnh: V.Chương

Nhà dân trong làng Nam Ô nằm xen với những ngôi mộ của các nghĩa sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở mặt trận Đà Nẵng từ năm 1858-1860. Ảnh: V.Chương

Ba năm trước, cái tên Nam Ô lại một lần nữa dậy sóng khi Công ty Cổ phần Trung Thủy Đà Nẵng bắt đầu khởi công dự án Lancaster Nam Ô Resort. Nhiều người sực nhớ ra ngôi làng bình lặng này là nơi chứa đầy huyền tích, nhất là chuyện Huyền Trân công chúa lại được nhắc đến. Nhiều người viết về Nam Ô với vẻ nuối tiếc và mong ngôi làng này vẫn giữ được hồn xưa, các di tích nằm ven biển sẽ vẫn là nơi ngưỡng vọng của cộng đồng như đã có từ hàng trăm năm qua. Dự án Lancaster Nam Ô Resort sau đó đã được điều chỉnh để Nam Ô vẫn vẹn nguyên mà còn phát huy thêm giá trị, được nhiều người biết đến.

Ngày 15 tháng 2 âm lịch hàng năm, làng Nam Ô thường tổ chức Lễ hội cầu ngư. Đây là dịp để người dân và du khách đến đây tiếp xúc, trò chuyện với những bậc cao niên của làng như ông Lê Thắng, Hội chủ làng, ông Lý Thái, Ban kiến thiết, ông Lê Sự, bồi bá làng. Chỉ cần đọc qua những chức danh của làng đã thấy những người già ở Nam Ô vẫn gìn giữ truyền thống ra sao. Ngồi với các cụ còn được nghe âm giọng đặc sệt của người Nam Ô muôn năm cũ: “Nam Ô không ai phát tướng mô, có học cũng không đỗ đạt gì, vì Pháp làm cầu Thủy Tú cắt mất long mạch, mô này hết quan, hết tướng, chỉ bình dân rứa thôi”.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hon-lang-chai-nam-o-post439372.html