Hòn đá hơn 20 tấn của dân: Cứ bắt rồi tính?

Sau khi bắt giữ hòn đá nặng hơn 20 tấn trong thời gian dài, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng mới quyết định đưa mẫu đá đi xét nghiệm.

Quy trình ngược

Liên quan đến việc UBND huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) tạm giữ tảng đá 20 tấn của ông Phạm Văn Chính (trú tại xã Lộc Tân) vì nghi ngờ đá quý, ngày 27/9, ông Huỳnh Thiên Tính - Trưởng phòng khoáng sản (Sở TN-MT Lâm Đồng) đã có cuộc trao đổi cụ thể với báo chí.

Theo ông Tính, đơn vị sẽ mời Sở Tư pháp và Sở Công thương để cùng tiến hành kiểm tra tảng đá tại trụ sở UBND xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) nhằm xác định đây có phải là khoáng sản hay không.

Dự kiến ngày 30/9 tổ công tác sẽ làm việc với UBND xã Lộc Tân rồi lấy mẫu gửi đi TP HCM kiểm nghiệm.

“Khi có kết quả sẽ đề xuất UBND tỉnh xử lý theo qui định”, ông Tính nói.

Sau khi bắt giữ hòn đá nặng hơn 20 tấn trong thời gian dài, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng mới quyết định đưa mẫu đá đi xét nghiệm.

Trước đó, trả lời báo chí, ông Trịnh Văn Thảo - Chánh văn phòng UBND huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) khẳng định, nguyên nhân giữ tảng đá là do cơ quan chức năng nghi ngờ đây là loại đá quý thuộc quyền sở hữu Nhà nước và việc lập biên bản hoàn toàn đúng pháp luật.

Ông Thảo cũng khẳng định, nếu đá nằm trong danh mục khoáng sản cấm khai thác, vận chuyển thì sẽ bị tịch thu. Khi đá quý được bán đấu giá hoặc trưng bày công cộng, phục vụ nghiên cứu,... người phát hiện sẽ được thưởng tiền theo quy định. Ngược lại, nếu không phải đá quý thì người dân được quyền sử dụng nó.

Còn ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, xác nhận chính quyền địa phương chỉ tạm giữ tảng đá chứ chưa xử lý gì.

“Theo công an huyện báo cáo thì đây là tảng đá quý. Nhưng do địa phương không có đủ thiết bị và trình độ để thẩm định tảng đá thuộc loại nào, nên giao Phòng TN-MT làm báo cáo gửi Sở TN-MT tỉnh hỗ trợ.

Sau khi xác định loại đá gì, giá trị bao nhiêu thì mới có hướng xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, ông Kiên nói.

UBND huyện thua kiện

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng người dân bị cơ quan chức năng “bắt giam” hòn đá.

Vụ việc ồn ào nhất phải kể đến là hòn đá ở huyện Chư Sê bắt đầu tư năm 2013.

Theo đó, vào tháng 3/2012 bà Trần Thị Sắc, nông dân trồng hồ tiêu tại Chư Sê (Gia Lai) thuê máy đào về vườn hồ tiêu của gia đình để đào ao lấy nước tưới. Trong quá trình đào đã phát hiện một khối đá có kích thước khoảng 3m3, màu sắc và hình dạng đẹp nên đã đưa về nhà trưng bày.

Cuối tháng 3/2012, sau khi phát hiện sự việc đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện Chư Sê đã đến gia đình bà Sắc “kiểm tra hòn đá” và lập biên bản đối với bà Sắc về hành vi “vận chuyển khoáng sản trái phép”.

Bất bình trước quyết định xử phạt, bà Sắc đã làm đơn khởi kiện chủ tịch UBND huyện Chư Sê ra tòa.

Kết quả, sau 3 lần hầu tòa, một lần thương lượng, cuối cùng bà Nguyễn Thị Sắc đã đồng ý nhận mức bồi thường 50 triệu đồng để bù cho quyết định xử phạt không đúng của UBND huyện.

Phát biểu tại tòa, LS Võ Thị Tiết (Đoàn luật sư Bình Định), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Trần Thị Sắc khẳng định, thủ tục của chính quyền có vấn đề.

Theo LS Tiết, khi gặp tảng đá, bà Sắc không biết được đó là đá quý hay đá thường, có phải là khoáng sản không. Ngay cả khi đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện đến lập biên bản kiểm tra cũng không biết được đó là loại đá gì nhưng vẫn lập biên bản tịch thu và tạm giữ cục đá của bà Sắc.

Khi lập biên bản bàn giao tang vật giữa UBND xã H’Bông với phòng TN-MT huyện cũng chỉ xác định là một cục đá chưa xác định chủng loại.

“Toàn bộ thủ tục, trình tự lập biên bản, tịch thu tang vật đối với bà Sắc đều do phía chính quyền thực hiện một cách nóng vội, cẩu thả và hoàn toàn không có căn cứ pháp lý”, LS Tiết nhấn mạnh.

Hà Đông

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/hon-da-hon-20-tan-cua-dan-cu-bat-roi-tinh-3319651/