Hơn cả tình thương yêu

Đối với các người thầy, người cô chăm sóc dạy bảo những trẻ em khuyết tật thì ở họ không chỉ là việc yêu nghề mà còn phải thực sự có tâm với trẻ...

Tôi đã gặp nhiều cô giáo, thầy giáo và đã đến nhiều trường giáo dục trẻ em đặc biệt, dạy trẻ khuyết tật của Hà Nội, của nhiều vùng miền khác nữa. Tâm trạng sau mỗi lần đến và về là nỗi day dứt khôn nguôi, là sự thương cảm vô cùng đối với những ánh mắt trẻ thơ trong trẻo và sự cảm phục đối với những người thầy hết sức đặc biệt: Những người gắn bó với sự nghiệp giáo dục không chỉ bởi sự yêu nghề, yêu trò, mà có lẽ đó còn là sự day dứt, trăn trở với số phận con người.

Nước mắt của sự yêu thương

Nghề giáo, vinh quang và vất vả, đối với giáo viên dạy trẻ khuyết tật, nỗi vất vả với nghề càng nhiều hơn nữa, nhưng niềm vui lại vô cùng đơn giản, đó là học sinh của họ có thể viết được tròn con chữ, đủ kĩ năng tự phục vụ bản thân, chịu ngồi yên lắng nghe cô và hiểu đôi lời cô nói… Hạnh phúc trong ngày đặc biệt của người làm nghề dạy học cũng vì vậy mà rất giản dị.

Tại buổi gặp mặt biểu dương cán bộ, giáo viên tiêu biểu trong công tác chăm sóc trẻ khuyết tật trên địa bàn TP Hà Nội, câu chuyện xúc động của cô Đỗ Thị Hà - một trong những giáo viên của Hà Nội được vinh danh vì có đóng góp cho công tác chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật của TP đã khiến rất nhiều người xúc động.

Cô chia sẻ: Ngày 20-11 nhiều khi cũng có đôi chút nghĩ ngợi, nhưng biết sao vì học sinh của mình khi sinh ra đã chịu đủ thiệt thòi, nhiều khi giáo viên giải thích mãi ý nghĩa về ngày nhà giáo Việt Nam các em mới hiểu. Không cần các em phải nhớ đến, chỉ cần đến ngày đó, giải thích mà các em hiểu có khi đã thấy vui rồi. Trong 16 năm làm nghề, cô Hà cũng một lần được nhận món quà bất ngờ từ học sinh trong ngày 20-11. Món quà là một con búp bê cũ của học sinh Nguyễn Thị Trang. Cô cho biết, với một giáo viên dạy trẻ khuyết tật, chỉ cần học sinh nhớ đến cô, thế là đủ.

Cô giáo Đỗ Thị Hà trong lễ biểu dương cán bộ, giáo viên tiêu biểu trong công tác chăm sóc trẻ khuyết tật trên địa bàn TP Hà Nội năm 2016

Nhiều năm dạy trẻ khuyết tật, có không ít học sinh cô rơi nước mắt khi nghĩ đến, vì thương và cả vì tự hào. Nhớ năm đầu tiên được phân công dạy lớp thiểu năng, cô Hà kể cả lớp chỉ có 7 học sinh với nhiều lứa tuổi, nhỏ thì lên 8, lớn thì 15. Trong số những học sinh này cô thương nhất là Ngọc Bích – một học sinh bị hội chứng down. Dù đã 13 tuổi nhưng ngay cả việc vệ sinh cá nhân Bích cũng không làm được; cứ đến giờ học lại chui xuống gầm bàn; cô giáo phải tìm đủ mọi cách dỗ dành, ngồi cạnh rất lâu mới có thể nhận được mặt chữ O, vài tháng kiên trì cô mới giúp Bích nhận biết được các chữ cái…

Khi vào trường được 3 năm, lớp cô Hà phụ trách có một học sinh nam đã 16 tuổi. Đang trong giờ học, học sinh này trốn cô chạy ra đường quốc lộ. Không đuổi kịp, cô đành nhờ một thanh niên đi xe máy đuổi theo nhưng cũng không đưa được cậu học sinh về. Thế là cô trò như chơi đuổi bắt, đến khi học sinh mệt, ngồi xuống lòng đường, cô mới mới tìm cách dỗ dành về lớp.

Công việc vất vả, cô Hà cho biết thời gian đầu không phải không có lúc thấy nản, nhưng sau càng ngày càng gắn bó vì thương học sinh, nhất là khi chuyển sang dạy học sinh khiếm thính. “Tôi phải tự học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp được với học sinh của mình, một thời gian dài, ngày lên lớp, tối tranh thủ về nhà tự học. Dạy đối tượng học sinh mới, khó khăn không ít, nhưng được an ủi là nhiều học sinh khiếm thính tiếp thu bài nhanh, chữ viết đẹp, nhiều em rất khéo tay”.

“Để theo được nghề đến cùng, người giáo viên dạy trẻ khuyết tật không thể thiếu tâm huyết và tình yêu thương với trẻ” – cô Hà tâm sự. Vì vậy, dù cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, Cô giáo Đỗ Thị Hà vẫn gắn bó với nghề, vẫn yêu những số phận trẻ thơ thiệt thòi.

Hạnh phúc là nhìn các em có thể ngồi yên 20 phút

Tôi có dịp đến thăm trường Tiểu học Bình Minh trên Phố Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm TP Hà Nội dịp cuối năm 2016 và được nghe thầy giáo hiệu trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kể chuyện.

Những năm gần đây, xu hướng giáo dục hòa nhập với học sinh khuyết tật nói chung và học sinh khuyết tật trí tuệ nói riêng ngày càng được nhân rộng, góp phần đem lại niềm vui tới trường cho khoảng 300 nghìn em, trong số hơn một triệu học sinh khuyết tật trong độ tuổi hiện nay. Tại Hà Nội, năm học vừa qua cũng đã có gần 65% trẻ mầm non và hơn 70% học sinh tiểu học khuyết tật được vận động ra lớp học chuyên biệt hoặc hòa nhập.

Trường tiểu học Bình Minh bắt đầu triển khai mô hình giáo dục hòa nhập và hội nhập học sinh khuyết tật trí tuệ từ năm học 1993-1994, khi ấy trường mới chỉ nhận 30 em vào 3 lớp để dạy thí điểm. Thầy giáo Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Hiện nhà trường có 8 lớp học sinh khuyết tật với 11 lớp có học sinh hòa nhập. Trường có khoảng 240 trẻ em khuyết tật chủ yếu là khuyết tật trí tuệ thiểu năng, các em có thể có 2 khuyết tật nhưng để vào trường học, các em phải có xác nhận về khuyết tật trí tuệ. 52 cán bộ, giáo viên của trường đều là những thầy cô được đào tạo đặc biệt về trẻ khuyết tật và được cấp chứng chỉ về giáo dục trẻ khuyết tật.

Thầy giáo Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Minh trong giờ lên thăm một lớp học dạy trẻ khuyết tật

Thầy Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Có rất nhiều gia đình muốn cho con được vào trường học, nhưng quả thực chúng tôi phải đánh giá, phân loại các em. Đối với các em khuyết tật trí tuệ, nhiều em mãi mãi là trẻ không lớn. Khi vào trường, chúng tôi có Hội đồng tuyển sinh, đánh giá gồm các chuyên gia y tế và giáo dục, ít nhất các em có thể ngội tập trung được số phút nhất định mới có thể vào học được.

Đối với giáo dục trẻ khuyết tật, giáo trình, phương pháp dạy ngoài theo khung là sự chủ động của hiệu trưởng và sự áp dụng linh hoạt của các giáo viên chủ nhiệm lớp. Các em học chữ và tô màu đơn giản, các em được hướng dẫn các kỹ năng cơ bản trong sinh hoạt. Dạy các em, cần sự kiên nhẫn và tình yêu thương rất lớn, đối với các lớp học hòa nhập, cần cả sự cảm thông của các bậc phụ huynh.

Lớp học của các em học sinh khuyết tật ở trường Bình Minh rất gọn gàng, nhiều tiếng cười với những ánh mắt trẻ thơ rất hồn nhiên. Các cô gọi tên từng bạn, nhắc ngồi đúng vị trí, cô cầm tay từng trò dạy viết và tô màu. “Nhiều người xuống thăm trường nhìn các em rất xúc động, còn với các thầy cô giáo ở đây thì đó là một sự trăn trở lớn. Bạn hỏi vì sao các thầy cô vẫn gắn bó với các em dù có người gia đình rất khó khăn, có cô giáo còn đưa các em khuyết tật về nhà nuôi cùng con mình, đó là tình thương và sự trăn trở khôn nguôi với trò, bởi gắn bó với các em rồi mới hiểu, không thầy cô nào muốn để các em một mình, thiếu sự quan tâm cả”.

Đúng là với trẻ khuyết tật, hơn cả tình yêu thương, là sự trăn trở khôn nguôi đối với các em. Các thầy cô nhiều nỗi vất vả, nhưng vui những niềm vui tưởng chừng giản đơn mà là cả sự nỗ lực qua nhiều thời gian của thầy và trò: “Đấy, trò ngồi tập trung trong lớp, nghiêm túc, ngay ngắn được 20 phút là mừng rồi!”.

Phan Thủy

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/hon-ca-tinh-thuong-yeu-100148/