Hơn 900 người rơi vào bẫy vé giả show Taylor Swift

Cảnh sát Singapore đang điều tra các vụ lừa đảo liên quan đến vé The Eras Tour. Theo ghi nhận, đã có 960 người mua phải vé giả.

Chặng The Eras Tour của Taylor Swift ở Singapore đã khép lại tối 9/3, nhưng cảnh sát vẫn tiếp tục điều tra các vụ lừa đảo liên quan đến vé xem concert, theo The Straits Times.

Đa số nạn nhân là phụ nữ

Theo thông tin, nhiều nạn nhân mua vé từ người bán lại và đến Sân vận động Quốc gia, nhưng sát giờ G họ mới phát hiện đây là vé giả nên không thể vào trong. Trường hợp khác, kẻ lừa đảo chặn liên lạc ngay lập tức sau khi nhận tiền từ nạn nhân.

Từ ngày 1/1 đến 12/3, ít nhất 1.551 người nói đã trở thành nạn nhân của vụ lừa đảo thương mại điện tử liên quan đến vé show nhạc, với tổng thiệt hại không dưới 737.000 USD. Trong đó, có 960 người rơi vào bẫy lừa đảo vé xem buổi hòa nhạc của Swift và hơn 538.000 USD đã bị mất.

"Chúng tôi lo ngại số vụ lừa đảo tăng lên khi Singapore trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nghệ sĩ quốc tế. Nếu phải đánh giá, tôi nghĩ lừa đảo qua mạng là hành vi lừa đảo phổ biến, nguy hiểm nhất nửa đầu 2024", Aileen Yap - trợ lý Ủy viên cảnh sát, đồng thời là trợ lý giám đốc Bộ Tư lệnh Chống lừa đảo (ASCom) - cho biết.

Theo The Straits Times, hầu hết người mua phải vé The Eras Tour giả qua Internet là phụ từ 30 tuổi trở xuống.

Giải thích tình trạng này, Aileen nói: "Phụ nữ thường có thành kiến lạc quan (niềm tin tồn tại sẵn trong mỗi người, cho rằng khả năng họ trải qua những sự kiện tiêu cực là rất thấp) và hiệu ứng quá tự tin (xu hướng đánh giá quá cao kiến thức của mình). Hai yếu tố này dễ khiến họ bị lừa hơn".

6 đêm diễn của Taylor Swift ở Singapore chật kín người, nhưng không phải ai cũng được vào trong sân vận động. Ảnh: The Straits Times.

Sau khi có báo cáo lừa đảo, trang web Carousell lập tức tạm dừng bán vé từ ngày 23/2 đến 9/3. CEO của Carousell, Tan Su Lin, nói rằng trong bối cảnh cơn sốt mua vé, người dùng có xu hướng chủ quan và chỉ muốn tranh vé sớm nhất có thể. Do đó, đối tượng lừa đảo nhắm mục tiêu vào nạn nhân trên Facebook, X, Telegram hoặc Xiaohongshu để tiến hành lừa gạt.

Đầu tháng 3, Edwin Tong - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Singapore - tuyên bố rằng việc thu hút các ngôi sao, sự kiện quốc tế là một phần trong mục tiêu đẩy mạnh nhiều lĩnh vực ở đảo quốc này, trong đó có thúc đẩy kinh tế nhờ hiệu ứng Swiftonimics.

The Straits Times dẫn lời các nhà kinh tế, ước tính 6 đêm diễn của Swift có thể mang về 500 triệu USD doanh thu du lịch cho Singapore. Trong khi đó, một số chuyên gia tự tin nhận định mặc dù kế hoạch trước mắt là cần phải giải quyết các vụ lừa đảo, số lượng báo cáo lừa đảo ngày càng tăng sẽ không ảnh hưởng đến danh tiếng của một trung tâm văn hóa như Singapore.

Hành vi lừa đảo ngày càng tinh vi

Trong cuộc phỏng vấn gần đây, Lawrence Loh, giáo sư kinh doanh của Đại học Quốc gia Singapore, cho biết nỗ lực thực thi của chính quyền nhằm trấn áp những kẻ lừa đảo vé show nhạc đã chứng minh đảo quốc sư tử không xem nhẹ hành vi sai trái.

Ông dẫn chứng vụ cảnh sát bắt giữ người phụ nữ tên Foo Mei Qi (29 tuổi) với cáo buộc lừa nhiều người mua vé giả từ tháng 9/2023, tổng thiệt hại 24.000 USD. Người này đang bị tạm giam và có nguy cơ ngồi tù 10 năm.

Theo Aileen Yap nhận định, các vụ lừa đảo gia tăng với quy mô lớn, ngày càng tinh vi hơn. Và vụ Foo Mei Qi chỉ là một trong số hàng loạt vụ "scam vé" bằng phần mềm độc hại từ năm 2023. Đã có hơn 1.899 trường hợp tương tự được báo cáo và số tiền thiệt hại lên đến 34,1 triệu USD.

Aileen Yap kể một phụ nữ 50 tuổi suýt mất 110.000 USD vì bị lừa bằng phần mềm độc hại. Bà Yap nói: "Cô ấy tải xuống một tệp trên Facebook và nghĩ rằng có thể sử dụng nó để thanh toán tiền mua hàng. Nhưng sau khi nhập thông tin ngân hàng, điện thoại của cô ấy đã bị xâm nhập và tiền bị chuyển ra khỏi tài khoản. Nhờ sự can thiệp kịp thời của cảnh sát, cô ấy may mắn không mất tiền tiết kiệm cả đời".

Tình trạng "scam vé" xảy ra phổ biến trước khi diễn ra concert của các nghệ sĩ. Ảnh: People.

Trường hợp trên dấy lên hồi chuông cảnh báo cho người dùng mạng xã hội, dù lớn hay trẻ tuổi, cũng cần hoài nghi trước những đường link yêu cầu nhập thông tin cá nhân để tránh “tiền mất, tật mang”.

"Dù số tiền bị mất có bao nhiêu chăng nữa, tôi vẫn luôn cảm thấy đau đớn cho các nạn nhân. Khi họ gọi cho chúng tôi, họ khóc lóc và không thể nguôi ngoai", Aileen cho hay.

Các vụ lừa đảo có thể sẽ tiếp tục phổ biến ở Singapore và nhiều nước khác, bởi vì với sự tiến bộ trong công nghệ và khả năng kết nối mạnh mẽ qua hàng loạt ứng dụng, những trò lừa đảo không thể được xóa bỏ dứt điểm trong tương lai gần.

Quốc Minh

Nguồn Znews: https://znews.vn/hon-900-nguoi-roi-vao-bay-ve-gia-show-taylor-swift-post1465598.html