Hơn 3 thập kỷ truân chuyên của Pacific Airlines

Trong hơn 30 năm hoạt động, Pacific Airlines từng nhiều lần kinh doanh thua lỗ, phải tái cơ cấu và bị cảnh báo hủy giấy phép kinh doanh.

Pacific Airlines xác nhận hãng đang trong một cuộc tái cơ cấu đội bay và mạng bay toàn diện sau khi trả hết tàu bay. Nguồn tin của Tri Thức - Znews cho biết hãng buộc phải trả máy bay do áp lực dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên hãng bay này tái cơ cấu vì những khó khăn liên quan vấn đề tài chính. Suốt nhiều năm, tình hình tài chính của Pacific Airlines luôn đặt trong tình trạng báo động.

Hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam

Thành lập năm 1991, Pacific Airlines là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam với cổ đông là các doanh nghiệp Nhà nước.

Đến năm 1996, Pacific Airlines trở thành thành viên của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines Group).

Pacific Airlines là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Pacific Airlines.

Duy trì vị thế kinh doanh ở thị trường ngách (giá rẻ - PV) nhưng suốt thời gian sau đó, hãng hàng không này liên tục thua lỗ. Pacific Airlines sau đó đã phải cắt giảm đường bay không hiệu quả và đàm phán lại để giảm chi phí thuê máy bay trong bối cảnh lỗ gấp 9 lần vốn, nợ nước ngoài tồn đọng.

Năm 2005, toàn bộ 86,49% cổ phần Pacific Airlines do Vietnam Airlines Group nắm giữ được chuyển giao cho Bộ Tài chính thay mặt Nhà nước quản lý và tái cơ cấu. Tới năm 2006, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được thành lập trực thuộc Bộ Tài chính, cổ phần của Nhà nước do Bộ Tài chính nắm giữ được chuyển sang cho SCIC điều hành.

Trân chuyên với đối tác Qantas

Năm 2007, Tập đoàn Qantas (Australia) - chủ sở hữu thương hiệu hàng không giá rẻ Jetstar - đã ký kết hợp đồng đầu tư với SCIC để mua lại 30% cổ phần tại Pacific Airlines và trở thành cổ đông chiến lược.

Thông qua liên danh này, Qantas cũng tham vọng đưa thương hiệu hàng không giá rẻ Jetstar Airways xuất hiện trên bản đồ hàng không Việt Nam và châu Á.

Theo thỏa thuận ban đầu, Qantas sẽ đầu tư 50 triệu USD để sở hữu 18% cổ phần Pacific Airlines, sau đó sẽ đầu tư thêm để nâng sở hữu lên tối đa 30%. Không lâu sau, Pacific Airlines cũng đổi tên thương hiệu thành Jetstar Pacific Airlines.

Nhờ có dòng tiền mới từ nhà đầu tư ngoại, Jetstar Pacific Airlines đã cắt được mạch thua lỗ trong những năm trước đó. Đến cuối năm 2011, hãng hàng không này chiếm khoảng 17% thị phần hàng không nội địa Việt Nam.

"Mối duyên" của Pacific Airlines và Qatas kéo dài 13 năm. Ảnh: Jetstar Pacific.

Cũng trong năm 2011, Vietnam Airlines nhận quyền đại diện gần 69% phần vốn Nhà nước tại Jetstar Pacific từ SCIC và trở thành công ty mẹ của hãng hàng không này. Nhờ sự hỗ trợ quản trị của hãng hàng không quốc gia Việt Nam, Jetstar Pacific sau đó đã trở lại đà phục hồi và phát triển đội bay.

Năm 2015, hãng đã mở thêm 14 đường bay nội địa, nâng tổng số đường bay khai thác lên 34 đường bay bao gồm cả nội địa và quốc tế. Liên danh hàng không giá rẻ này sau đó đã ghi nhận giảm lỗ từ hoạt động kinh doanh và bắt đầu có lãi 2 năm liên tiếp 2018-2019.

Tuy nhiên, năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát đã khiến ngành hàng không toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề và Pacific Airlines cũng không nằm ngoài "cơn bão". Hệ quả là hãng lại tiếp tục nối dài số năm thua lỗ. Trong giai đoạn 2020-2021, hầu hết đội bay của Pacific Airlines đều phải ngừng hoạt động.

Âm vốn, bị cảnh báo hủy giấy phép kinh doanh

Tháng 6/2020, Vietnam Airlines bất ngờ thông báo Qantas sẽ rút khỏi liên doanh Jetstar Pacific. Đáng chú ý, đối tác Australia lựa chọn phương án rời khỏi thị trường Việt Nam không phải thông qua một thương vụ bán lại cổ phần mà tặng toàn bộ vốn sở hữu tại Jetstar Pacific cho Vietnam Airlines.

Với việc Qantas rút lui, Vietnam Airlines nâng sở hữu tại Jetstar Pacific lên 99%. Đến tháng 7/2020, hãng hàng không giá rẻ này cũng chuyển đổi thương hiệu trở về tên khai sinh Pacific Airlines.

Vietnam Airlines vẫn đang phải hỗ trợ toàn diện để Pacific Airlines có thể tiếp tục kinh doanh. Ảnh: VNA.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, đại diện Vietnam Airlines cho biết Pacific Airlines đang thua lỗ và có “tình hình tài chính rất nghiêm trọng”. Cụ thể, hãng ghi nhận tổng doanh thu gần 3.487 tỷ đồng, lỗ trước thuế 2.096 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Pacific Airlines năm 2020 và 2021 lần lượt âm 2.275 tỷ đồng và âm 4.583 tỷ đồng.

Điều này cũng khiến Cục Hàng không Việt Nam phát đi cảnh báo sẽ hủy bỏ giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Pacific Airlines nếu hãng không bổ sung thêm vốn để duy trì vốn tối thiểu theo Nghị định 89. Thời gian sau đó, Cục Hàng không thường xuyên phải họp với cơ quan chức năng để xem xét điều kiện kinh doanh của Pacific Airlines.

Hiện, hãng đang nhận được sự hỗ trợ và phối hợp từ Vietnam Airlines trong việc sử dụng cơ sở hạ tầng và nguồn lực chung như quầy thủ tục và phương tiện phục vụ mặt đất.

Liên quan việc phải trả toàn bộ 6 tàu bay còn lại thuê từ nước ngoài do áp lực tài chính mới đây, Pacific Airlines cho biết để duy trì hoạt động hãng sẽ thuê máy bay của công ty mẹ Vietnam Airlines.

Đồng thời, đại diện hãng bay cũng cho biết có thể phải điều chỉnh hoặc tạm dừng một số đường bay. Tuy nhiên, hãng này cam kết khôi phục và duy trì lịch trình bay một cách ổn định trong thời gian sắp tới.

Diệu Thanh

Nguồn Znews: https://znews.vn/hon-3-thap-ky-truan-chuyen-cua-pacific-airlines-post1465750.html