Hơn 22 triệu người cần được trợ giúp xã hội

Tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực học đường, các tệ nạn xã hội, đặc biệt là các vụ vi phạm pháp luật của đối tượng trẻ em đang tăng mạnh…

Những nhóm người yếu thế như: Người vợ nghèo đông con, trẻ em mồ côi lang thang, người bị khuyết tật, người già đơn thân, trẻ em bị rối loạn tâm thần, học trò cá biệt…là những đối tượng hết sức cần được sự quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ thường xuyên của toàn xã hội, trong đó có lực lượng chuyên trách làm Công tác Xã hội (CTXH).

Nhiều nỗi lo đè nặng

Việt Nam đang hội nhập sâu rộng toàn cầu, làm nảy sinh nhiều thực trạng bức xúc, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em và gia đình. TS Nguyễn Hải Hữu - Chủ tịch Hội Đào tạo Công tác Xã hội VN báo động: Có 8 tình trạng hết sức đáng lo.

Thứ nhất: Sự ngược đãi, bỏ mặc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bỏ rơi người cao tuổi, phân biệt đối xử với người khuyết tật, người bị nhiễm HIV/AIDS.

Thứ hai: Tình trạng bạo lực gia đình, nhất là bạo lực với phụ nữ, trẻ em, mua bán phụ nữ và trẻ em.

Thứ ba: Vấn đề sức khỏe tâm thần của phụ nữ sau khi sinh con, của phụ nữ mại dâm.

Thứ tư: Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, bóc lột, lạm dụng sức lao động trẻ em, bạo lực học đường, bạo lực giới tính và trẻ tự kỷ đang phát triển.

Thứ năm: Tình trạng nghèo đói, thiếu việc làm ở nông thôn khiến tình trạng di cư ra đô thị tăng mạnh, khiến những hộ dân này hầu như không được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch…

Thứ sáu: Tình trạng gia đình tan nát, cha mẹ li thân, li hôn ngày càng tăng,

Thứ bảy: Tình trạng các tệ nạn xã hội (bạo lực, lừa đảo, trộm cắp, ma túy, cờ bạc, mại dâm, nghiện bia rượu…) đang len lỏi và ảnh hưởng không nhỏ đến tuổi trẻ học đường

Thứ tám: đáng báo động nhất vẫn là tình trạng trẻ em nói chung và học sinh nói riêng vi phạm pháp luật.

Tại một trung tâm bảo trợ xã hội đối với người già

Gia đình tan vỡ - Nỗi đau không của riêng ai

Số liệu khảo sát gần đây của các cơ quan chức năng cho thấy: 25% gia đình có hành vi bạo lực tinh thần, hơn 15% vợ bị chồng đánh, 30% cặp vợ chồng có hiện tượng bị ép buộc quan hệ tình dục hoặc buộc phải đẻ con, buộc phải phá thai, 70% vợ bị chồng bỏ rơi, gần 80% vợ bị chồng chửi mắng lăng nhục…

Bạo lực gia đình ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nhân cách của trẻ em (chiếm 91%); Gây tổn hại về sức khỏe của trẻ (87,5%); Gây chấn thương về tâm lý tình cảm (89,4%); Gây tan vỡ gia đình (89,7%) và làm rối loạn trật tự an toàn xã hội.

Số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2014: Gần 75% trẻ em từ 2 đến 14 tuổi ở VN từng bị cha mẹ, hoặc người chăm sóc và các thành viên khác trong gia đình bạo hành. Trung bình mỗi năm có hơn 1000 vụ xâm hại tình dục trẻ em nữ năm 2011, đến 2015 tăng trên 2000 vụ.

Đa số trẻ em bị xâm hại tình dục, đau đớn thay lại do chính những người thân trong họ hàng hoặc gia đình thực hiện. Từ 2011 đến 2015, cả nước có trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân.

Một nghiên cứu tiến hành trên 125 trẻ em trường THCS Đỗ Thúc Tịnh (Đà Nẵng) và 125 cha mẹ của các em cho thấy: Xung đột giữa cha mẹ và con cái ở lứa tuổi thiếu niên là rất phổ biến. Hậu quả các em rơi vào trạng thái sợ hãi, buồn chán, thất vọng, thậm chí tuyệt vọng bỏ nhà ra đi.

Khảo sát 40 em - đa số là dân nhập cư - đang học lớp học tình thương ở Bình Dương: Có tới 58,5% các bé thường phải chứng kiến người lớn đánh nhau, nhậu nhẹt; Hơn 34% các em cho rằng có hiện tượng trộm cắp và gần 29% thấy nơi mình sống hay tụ tập đánh bài và đá gà.

Gia đình - trẻ em nhập cư còn nhiều thiệt thòi

Trong một nghiên cứu, từ tháng 4-5/2016, trên 150 hộ nhập cư tại 4 phường của quận 12, TP.HCM đã cho kết quả có hơn 42% trẻ em thuộc hộ gia đình KT3; 28,6% trẻ em thuộc hộ gia đình KT4. Do không có hộ khẩu thường trú, nên có tới 84,6% các em phải học các trường ngoài công lập. Nhà đã nghèo, các em lại phải học trường ngoài công lập, chi phí tốn kém, gấp 2, gấp 3 lần trường công lập.

Cũng vì là trẻ em diện KT3 – KT4 cho nên có tới 61-66% số trẻ này đã phải nghỉ học. Một khảo sát khác cho biết: 2/3 những người phụ nữ dạng nhập cư chủ yếu hành nghề lao động tự do như giúp việc nhà, buôn bán trên hè phố, lượm ve chai, đời sống khá bấp bênh. Do đó, họ phần lớn thả nổi chuyện học hành của con gái cho nhà trường

Không chỉ thiệt thòi về điều kiện ăn ở, nhếch nhác, hầu như không có chỗ vui chơi giải trí, đa số trẻ em dân nhập cư thuộc diện suy dinh dưỡng, còi cọc, mà các bé còn bị khủng hoảng thiếu chỗ học, đặc biệt là ở bậc học mầm non,

Trong 5 năm qua (2011-2016), TP HCM tăng hơn 1,4 triệu dân nhập cư, với khoảng 360.000 lao động ở 16 khu công nghiệp – khu chế xuất. Ước tính có trên 15.000 con em công nhân ơ khu vực này đang có nhu cầu học nhà trẻ - mầm non. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có khoảng 20 dự án xây trường mầm non ở địa bàn này đi vào hoạt động, đáp ứng chỗ học cho 5.000 trẻ.

Thực trạng đó đã được báo động từ lâu, tuy nhiên do nhiều năm trước đây trong quy hoạch xây dựng khu công nghiệp không có phần quy hoạch dành đất xây trường mầm non. Dự báo đến năm 2020, TP HCM có hơn 550.000 công nhân ở các khu công nghiệp – khu chế xuất. Chỉ cần 1/4 số công nhân này sinh con, TP HCM sẽ càng đau đầu tìm chỗ học cho khoảng 112.500 bé, quả là con số khủng khiếp.

Bài 2: Đẩy mạnh công tác xã hội – Yêu cầu bức thiết

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/hon-22-trieu-nguoi-can-duoc-tro-giup-xa-hoi-2348857-c.html