Hơn 2,6 triệu người có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ qua phong trào 'Tết Nhân ái'

Chiều 24/2, T.Ư Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp với trực tuyến tổng kết phong trào 'Tết Nhân ái' Xuân Quý Mão 2023 và ký kết chương trình phối hợp tổ chức hoạt động nhân đạo, an sinh xã hội giai đoạn 2023-2027 với Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.

Dự tại điểm cầu T.Ư có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Phạm Tất Thắng, Phó trưởng Ban Dân vận T.Ư; Bùi Thị Hòa, Chủ tịch T.Ư Hội CTĐ đỏ Việt Nam.

Dự tại điểm cầu Bắc Giang có các đồng chí đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội CTĐ tỉnh.

Lễ ký kết chương trình phối hợp giữa T.Ư Hội CTĐ Việt Nam và Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.

Lễ ký kết chương trình phối hợp giữa T.Ư Hội CTĐ Việt Nam và Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.

Trong giai đoạn 2023-2027, T.Ư Hội CTĐ Việt Nam và Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cam kết thực hiện các nội dung gồm: Tuyên truyền các giá trị nhân đạo, tinh thần tương thân, tương ái, truyền thống đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam; tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố nghiêm trọng và tổ chức các hoạt động nhân đạo khác.

Thực hiện hiệu quả các phong trào, cuộc vận động, chương trình nhân đạo do hai bên phát động. Phối hợp kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội về chính sách, pháp luật hoạt động nhân đạo, an sinh xã hội. Phối hợp tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có thành tích xuất sắc trong công tác nhân đạo, an sinh xã hội.

Phát biểu tại lễ ký kết, đồng chí Đỗ Văn Chiến khẳng định, công tác bảo đảm an sinh xã hội, hoạt động nhân đạo là trách nhiệm của các cấp, các ngành, toàn thể hệ thống chính trị, trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam và Hội CTĐ là nòng cốt tham mưu, ban hành, thực hiện các chính sách. Do đó, hai bên cần phối hợp nhịp nhàng, sơ kết định kỳ, đánh giá rút kinh nghiệm để mang lại hiệu quả thiết thực cho người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn; hướng tới cuộc sống tốt lành, xã hội nhân ái; góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang.

Đồng chí Bùi Thị Hòa cho biết, lễ ký kết là kết quả của nhiều nhiệm kỳ hai cơ quan, tổ chức cùng làm tốt công tác nhân đạo từ thiện, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn. Trong thời gian tới, T.Ư Hội CTĐ Việt Nam khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn Hội CTĐ các cấp chủ động, tích cực, phối hợp tham mưu, đề xuất, tranh thủ vai trò, vị thế chính trị của MTTQ Việt Nam các cấp để xây dựng kế hoạch, triển khai chương trình phối hợp cho phù hợp với tình hình, thế mạnh của từng địa phương; đồng thời tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Xuân Quý Mão 2023 là năm đầu tiên các cấp Hội CTĐ triển khai phong trào “Tết Nhân ái” (sau đây gọi tắt là phong trào) và thu được kết quả tích cực. Toàn hệ thống Hội vận động các nguồn lực được gần 1,2 nghìn tỷ đồng (bao gồm tiền mặt và hiện vật quy thành tiền), đạt 196% chỉ tiêu đề ra. Cả nước đã hỗ trợ hơn 2,6 triệu người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, với giá trị hỗ trợ bình quân là 449 nghìn đồng/người.

Bên cạnh phương thức trao tặng quà, toàn hệ thống Hội tổ chức được 374 chương trình “Tết Nhân ái” theo mô hình “Hội chợ - Tặng quà - Vui tết” ở nhiều quy mô khác nhau. Một số địa phương phát triển các mô hình chăm lo Tết tại cộng đồng cho các nhóm đối tượng đặc thù như: Bữa cơm đoàn viên cho hộ nghèo neo đơn (Hà Tĩnh); cỗ Tết cho học sinh các trường vùng sâu, vùng xa (Hà Giang); vui Tết cùng người bệnh tại các bệnh viện (Ninh Bình); xuân đoàn viên với người già neo đơn tại Trung tâm dưỡng lão (Quảng Nam)…

Tại Bắc Giang, các cấp Hội CTĐ trong tỉnh đã vận động, kết nối, trích quỹ nhân đạo tổ chức trao tặng gần 37 nghìn suất quà, tổng trị giá hơn 18 tỷ đồng, vượt 110,4% kế hoạch T.Ư Hội giao. Một số đơn vị có nhiều đổi mới, sáng tạo, đạt hiệu quả trong công tác vận động nguồn lực, tiêu biểu như Hội CTĐ đỏ các huyện: Tân Yên, Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Dũng. Đối tượng hưởng lợi được mở rộng là người nghèo, cận nghèo; người yếu thế; người bị tai nạn, rủi ro đột xuất; bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh không có điều kiện về quê ăn tết.

Thảo luận tại hội nghị, đại biểu Hội CTĐ TP. Hồ Chí Minh đề xuất, T.Ư Hội không chỉ triển khai phong trào dừng lại ở các cấp tỉnh, TP mà thực hiện đến tận các cơ sở hội, gắn liền với nơi cư trú, làm lan tỏa những giá trị nhân đạo sâu rộng trong cộng đồng.

Về công tác vận động, kết nối nguồn lực, đại biểu Hội CTĐ tỉnh Thanh Hóa đề nghị các cấp hội đẩy mạnh công tác truyền thông trên phương tiện truyền thông đại chúng, lồng ghép trong các chương trình, hoạt động của các cấp hội; tuyên truyền rộng rãi các địa chỉ nhân đạo, điển hình trong công tác huy động, vận động ủng hộ. Cùng đó, cần công khai minh bạch, rõ ràng đối tượng hưởng lợi.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bùi Thi Hòa ghi nhận những nỗ lực, kết quả thực hiện phong trào của các cấp hội. Đồng thời, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đồng chí đề nghị các cấp hội cần quan tâm, chỉ đạo cụ thể nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ; chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện các phong trào, hoạt động; đa dạng hóa hình thức hưởng ứng, đóng góp của xã hội; thống nhất nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên; vận động, khuyến khích sự tham gia chủ động của người hưởng lợi.

Dịp này, 24 tập thể tiêu biểu được trao tặng Bằng khen của T.Ư Hội vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai, tổ chức thực hiện phong trào “Tết Nhân ái” Xuân Quý Mão năm 2023.

Tin, ảnh: Thu Thủy

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/399964/hon-2-6-trieu-nguoi-co-hoan-canh-kho-khan-duoc-ho-tro-qua-phong-trao-tet-nhan-ai-.html