Hơn 2.300 học sinh một huyện phải nghỉ học vì đau mắt đỏ, cần làm gì để phòng tránh?

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, do bùng phát bệnh đau mắt đỏ, trên địa bàn huyện có 2.300 học sinh các cấp phải nghỉ học. Vậy làm thế nào để nhận biết bệnh đau mắt đỏ và cách phòng tránh ra sao?

Trao đổi với báo Thanh Niên, ông Phan Quốc Thanh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê cho biết toàn huyện có hơn 23.000 học sinh tại 60 cơ sở giáo dục, số học sinh bị đau mắt đỏ là 2.300 ca (chiếm 10%). Số học sinh này ở nhiều lứa tuổi, từ mầm non đến THCS. Phòng GD&ĐT huyện cũng đã chỉ đạo hơn 60 trường học trên địa bàn cho học sinh nghỉ học khi phát hiện đau mắt đỏ. Việc này nhằm giúp các bạn học sinh sớm hồi phục, tránh đến trường lây lan dịch bệnh cho các bạn. "Các em được nghỉ học đến khi khỏi bệnh, thông thường khoảng vài ngày. Khi học sinh trở lại lớp, các trường có trách nhiệm kiểm tra kiến thức, lên kế hoạch dạy bổ túc", ông Thanh cho biết.

Tại các bệnh viện nhi của TP.HCM, số ca đau mắt đỏ đến khám tiếp tục gia tăng, các chuyên gia cho rằng thời gian tới số ca sẽ còn tiếp tục tăng nhanh. Từ đầu năm đến nay, TP.HCM hơn 71.000 ca đau mắt đỏ bao gồm cả người lớn và trẻ em, số ca dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng khi đang mùa tựu trường.

(Ảnh minh họa từ Internet)

Đau mắt đỏ lây qua đường nào?

Với băn khoăn bệnh đau mắt đỏ lây qua đường nào, bạn có thể xác định được một số đường lây lan phổ biến như sau:

- Tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, qua đường hô hấp, qua nước mắt, nước bọt, bắt tay…

- Tiếp xúc gián tiếp qua việc cầm, nắm, chạm vào những vật dụng bị nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh (như tay nắm cửa, đồ chơi, nút bấm cầu thang…).

- Dùng chung vật dụng, đồ dùng cá nhân với người bệnh (như khăn mặt, ly/cốc nước uống, gối…).

- Sử dụng nguồn nước công cộng dễ bị nhiễm mầm bệnh (ao, hồ, bể bơi).

- Thói quen dùng tay dụi mắt, sờ vào mũi, ngậm vào miệng…

Cách ngăn chặn đau mắt đỏ lây lan

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ bị lây lan và nếu không chữa kịp thời, dứt điểm sẽ có hại cho mắt.

Các chuyên gia nhãn khoa khẳng định không có chuyện bị lây đau mắt đỏ vì nhìn bệnh nhân. Tuy nhiên, rất nhiều người có cảm tưởng như vậy bởi họ nghĩ mình không tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.

Với những trường hợp đau mắt do vi rút, có thể lây qua nhiều đường nhưng đặc biệt nguy hiểm và nhanh nhất là lây qua hệ hô hấp. Bệnh nhân bị đau mắt đỏ có thể kèm theo hiện tượng viêm họng, sốt, đau họng, nổi hạch.

Người đau mắt đỏ có thể lây bệnh cho người khác ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng, việc lây bệnh diễn ra ở thời kỳ ủ bệnh. Ngay khi bệnh nhân đã khỏi vẫn có thể lây cho người khác trong vòng 1 tuần.

(Ảnh minh họa từ Internet)

Đeo kính không loại trừ hết nguy cơ lây bệnh mà chỉ giảm thiểu khả năng lây bệnh. Nếu đeo kính nhưng vẫn dùng chung khăn mặt, chậu rửa mặt thì khả năng lây bệnh là rất lớn.

Đau mắt đỏ lây truyền qua những hạt tiết tố nhỏ li ti khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi; qua đồ dùng cá nhân, khăn tay; qua nước bị nhiễm khuẩn (nước hồ bơi). Vì thế, bệnh dễ lây ở trẻ em học cùng trường hoặc người sống cùng một nhà.

Bệnh đau mắt đỏ nếu được chữa trị kịp thời sẽ không để lại biến chứng nhưng nếu tự ý dùng thuốc hay điều trị không dứt điểm sẽ bị viêm, loét giác mạc.

Để tránh bị đau mắt đỏ, cần tránh đưa tay bẩn lên mắt, nên đeo kính râm khi ra đường. Sau một ngày lao động có tiếp xúc bụi mắt, sau khi tổng vệ sinh gia đình, cơ quan nên rửa mặt sạch rồi tra vào mắt một vài giọt nước nhỏ mắt Natri Clorid 0,9%, rửa mặt bằng khăn sạch, nước sạch; thường xuyên giặt khăn mặt bằng xà phòng và phơi dưới nắng.

Linh Lê (tổng hợp)

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/hon-2300-hoc-sinh-mot-huyen-phai-nghi-hoc-vi-dau-mat-do-can-lam-gi-de-phong-tranh-post1569121.tpo