Hơn 1.300 người mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội trong 7 ngày qua

Sau một tuần ghi nhận sự giảm nhẹ về số ca mắc mới, Hà Nội tiếp tục có những diễn biến phức tạp trong tình hình dịch sốt xuất huyết.

 Nhiều người mắc sốt xuất huyết được ghi nhận tại Hà Nội trong tuần qua. Ảnh: Trương Hiếu.

Nhiều người mắc sốt xuất huyết được ghi nhận tại Hà Nội trong tuần qua. Ảnh: Trương Hiếu.

Trong chu kỳ cách 5 năm lại có một đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết mạnh, Hà Nội đang phải đón nhận làn sóng dịch phức tạp khi số ca mắc tăng nhanh. Bên cạnh đó, nhiều ổ dịch mới cũng được phát hiện tại các khu dân cư, đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Số ca mắc tăng trở lại

Theo báo cáo tình hình dịch bệnh truyền nhiễm tuần 44 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua, thành phố ghi nhận thêm 1.312 ca mắc sốt xuất huyết mới, tăng 8,9% so với tuần trước (1.205).

Các bệnh nhân được ghi nhận tại toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn. Một số địa phương có số ca mắc cao là Hà Đông (148), Thanh Oai (127), Phú Xuyên (110), Đống Đa (101).

Cộng dồn trong năm 2022, thành phố đã có tổng cộng 10.716 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2021 (3.020). Cũng từ đầu năm tới nay, 12 trường hợp đã không may tử vong do sốt xuất huyết.

Các ca bệnh được phát hiện tại tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã, 539/579 xã, phường, thị trấn. Loại virus Dengue xuất hiện chủ yếu trong cộng đồng vẫn là DENV1, DENV2 và DENV4.

 Số ca mắc, nghi mắc sốt xuất huyết Dengue theo tuần năm 2021, 2022 tại Hà Nội. Nguồn: CDC HN.

Số ca mắc, nghi mắc sốt xuất huyết Dengue theo tuần năm 2021, 2022 tại Hà Nội. Nguồn: CDC HN.

Mặt khác, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 58 ổ dịch mới tại Hoàng Mai (16), Thanh Oai (6), Bắc Từ Liêm (5), Hà Đông (5), Thanh Trì (5), Hai Bà Trưng (5), Chương Mỹ (3), Đống Đa (3), Phú Xuyên (2), Long Biên (2), Hoài Đức (2), Gia Lâm (1), Đan Phượng (1), Phúc Thọ (1), Tây Hồ (1).

Cộng dồn từ đầu 2022 đến nay, thành phố đã ghi nhận 871 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện. Trong đó, còn 143 ổ dịch vẫn đang hoạt động tại 24 quận, huyện. Một số ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân là thôn Bùng, Phùng Xá, Thạch Thất (200); Phượng Trì, thị trấn Phùng, Đan Phượng (73); Ngọc Đình, Hồng Dương, Thanh Oai (53).

Trong khi đó, theo số liệu mới nhất từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cả nước tuần qua cũng ghi nhận 9.441 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó, một trường hợp đã không may tử vong tại Tiền Giang.

So với tuần trước đó, số ca mắc trên cả nước đã giảm 14%. Trong đó, số trường hợp phải nhập viện là 7.582, giảm 13,9% so với 7 ngày trước đó.

Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 281.189 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 110 tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc đã tăng 4,8 lần, lượng người tử vong cũng tăng tới 89 trường hợp.

Dịch chưa hạ nhiệt

Thông qua số liệu mới nhất, CDC Hà Nội khẳng định số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng so với tuần trước, bất chấp xu hướng giảm nhẹ trước đó. Cơ quan này dự báo số ca mắc cũng như bệnh nhân diễn biến nặng, tử vong có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, thành phố đang trong cao điểm của mùa dịch.

Tương tự, Cục Y tế Dự phòng cũng dự báo dịch sốt xuất huyết trên cả nước sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Theo đó, mùa dịch sốt xuất huyết hàng năm thường kéo dài từ tháng 7 đến hết năm.

Trong tuần qua, ngành y tế Hà Nội đã giám sát, điều tra và xử lý các ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết tại ổ dịch Vũ Lăng, Dân Hòa, Thanh Oai; ổ dịch ngõ 62 Trần Quý Cáp, Văn Miếu, Đống Đa và ổ dịch thôn Thao Nội, Sơn Hà, Phú Xuyên.

Thời gian tới, CDC Hà Nội hướng tới việc tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết, đặc biệt tại các xã, phường, thị trấn đã xuất hiện ổ dịch, những nơi có khu vực ổ dịch cũ phức tạp hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao.

Mặt khác, cơ quan này cũng sẽ tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ cao. Từ đó, thành phố sẽ thực hiện các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.

 Người bệnh điều trị sốt xuất huyết tại Hà Nội. Ảnh: Trương Hiếu.

Người bệnh điều trị sốt xuất huyết tại Hà Nội. Ảnh: Trương Hiếu.

Trong khi đó, các địa phương được yêu cầu huy động các ban ngành đoàn thể và lực lượng khác tham gia hỗ trợ vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết triệt để.

Song song với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân phối hợp với ngành y tế trong hoạt động phun hóa chất diệt muỗi, đảm bảo tỷ lệ phun đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế.

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho hay số ca mắc sốt xuất huyết năm 2022 đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch. Tình hình dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội được đánh giá là đang diễn biến rất phức tạp, thành phố đứng trước nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân diễn biến nặng do sốt xuất huyết.

Theo bà Hà, đặc điểm của thời tiết hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh. Bên cạnh đó, vào đầu tháng 10, số lượng học sinh, sinh viên các tỉnh, thành phố đổ về Hà Nội nhập học đông, tiềm ẩn nguy cơ mắc sốt xuất huyết rất cao.

“Đặc biệt, chu kỳ của dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát thành dịch sau 5 năm một lần. Trước đó, dịch sốt xuất huyết lớn nhất gần đây xảy ra vào năm 2017. Vì vậy, theo chu kỳ đó, năm 2022, sốt xuất huyết lại bùng phát thành dịch”, giám đốc Sở Y tế Hà Nội lý giải.

Mặt khác, một số quận, huyện thuộc Hà Nội hiện vẫn còn ổ dịch sốt xuất huyết được phát hiện muộn, ổ dịch kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. Từ đây, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng lên.

Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan dẫn đến dịch sốt xuất huyết bùng phát là người dân vẫn còn tình trạng lơ là, chủ quan. Một số trường hợp khi có những triệu chứng nghi ngờ, sốt, nhưng không đến các cơ sở khám, chữa bệnh ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hon-1300-nguoi-mac-sot-xuat-huyet-tai-ha-noi-trong-7-ngay-qua-post1372799.html