Hơn 1.000 trẻ em bị xâm hại mỗi năm

GD&TĐ - Trong những năm gần đây, việc xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Sau khi trẻ bị xâm hại tình dục, đều để lại những vết sẹo trong tâm hồn và những dấu ấn trong suốt cuộc đời của các em.

Tuy nhiên, thực tế có một khoảng cách lớn giữa số lượng thông tin tố giác vụ việc với số vụ việc được xử lý hình sự. Rào cản về văn hóa, sự kỳ thị của xã hội đối với các nạn nhân trong những vụ bạo lực tình dục đang khiến những vụ bạo lực chìm trong im lặng.

Nguy cơ xâm hại từ người quen

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì hơn 1.000 trường hợp xâm hại tình dục trẻ em mỗi năm bằng trung bình mỗi ngày 3 trẻ em bị xâm hại tình dục được báo cáo; gia tăng thông tin về lạm dụng tình dục trẻ em trai.

Trong số 322 vụ bạo lực tình dục được đưa tin trên báo từ 2011 - 2016 có 21,2% nạn nhân dưới 10 tuổi, trong đó có những em bé chỉ mới 2 tuổi, 60% nạn nhân từ 11 - 25 tuổi, gần 5% nạn nhân trên 40 tuổi, trong đó có những cụ bà đã 85 - 86 tuổi. 32% là các vụ bạo lực kép: Nạn nhân bị cưỡng hiếp, cướp tài sản, bị hành hung, thậm chí bị giết và 3,5% là các vụ cưỡng hiếp tập thể.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, thủ phạm trong các vụ bạo lực tình dục phụ nữ và trẻ em có gần 3/4 là người quen của nạn nhân, trong đó 10% là cha đẻ hoặc cha dượng. Phần lớn các vụ xảy ra ở những nơi được coi là an toàn như trường học, công sở hay thậm chí chính trong nhà của nạn nhân.

TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội - cho biết: “Thực trạng ở Việt Nam còn nghiêm trọng hơn rất nhiều. Các cơ quan chức năng cũng nhận định con số hơn 1.000 trẻ em bị xâm hại hàng năm chưa thực sự phản ánh thực tế là có nhiều trẻ em khác vị xâm hại tình dục mà không được báo cáo, bị gia đình giấu hoặc địa phương không báo cáo lên cấp trên”.

“Nguyên nhân căn bản dẫn tới hiện trạng này là sự kỳ thị, rào cản về văn hóa khiến những vụ bạo lực chìm trong im lặng, chỉ những vụ bạo lực nghiêm trọng mới được bộc lộ”, bà Khuất Thu Hồng nhận định.

Sự im lặng cần phải được phá dỡ

Trước thực trạng này, TS Khuất Thu Hồng cho rằng không chỉ cơ quan chức năng, cộng đồng xã hội mà ngay cả chính các bậc phụ huynh cũng cần có nhận thức về các biện pháp bảo vệ trẻ em trước hành vi bạo lực tình dục.

Khi trẻ bị xâm hại tình dục, phụ huynh có thể nhận biết thông qua các dấu hiệu về thái độ, tình cảm, tâm lý, chẳng hạn như: Trẻ tự nhiên rơi vào trạng thái thu mình lại, chỉ muốn ở một mình, kém sôi nổi hơn, thậm chí là sợ hãi, luôn cảm thấy buồn, hoặc không bày tỏ bất kỳ một cảm xúc nào...

Có thể thấy, những vụ trẻ em bị xâm hại tình dục đều để lại hậu quả rất nặng nề. Người bị hại không chỉ bị tổn thương về thể chất mà còn luôn sống trong sợ hãi và sự ám ảnh, đặc biệt là các em gái nhỏ tuổi rất khó hòa nhập lại với cộng đồng.

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền - Trung tâm Đào tạo kĩ năng sống Wedo- Wegood (Hà Nội) khuyên, các bậc phụ huynh khi phát hiện ra con bị xâm hại tình dục, phụ huynh cần bình tĩnh, tạo sự an tâm và tin tưởng để trẻ kể lại sự việc. Từ đó xác định nguyên nhân khiến trẻ bị xâm hại, đó có thể là từ phía đối tượng, từ phía con cái hay từ bố mẹ. Đặc biệt, phụ huynh không nên nóng giận, chửi bới, đánh đập sẽ khiến trẻ thêm lo sợ và thu mình lại.

Cần trình báo sự việc tới các cơ quan chức năng để xử lý đối tượng. Việc này không chỉ giúp cho những đứa trẻ khác không bị xâm hại mà còn giúp trẻ trấn an tinh thần và lấy lại niềm tin bởi kẻ phạm tội đã bị xử lý. Không nên vì danh dự của gia đình mà im lặng, cho qua mọi chuyện hay chấp nhận tiền bồi thường. Với những trường hợp trẻ bị ám ảnh và xáo trộn tâm lý, hãy đưa con đến gặp chuyên viên tâm lý nhờ tư vấn và giúp đỡ để trẻ sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Ông Nguyễn Trọng An - Cục phó Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em nhận định: “Hiện nay, chúng ta đang thiếu một mạng lưới thu thập thông tin, phát hiện sớm, giảm thiểu xâm hại tình dục trẻ em trong cộng đồng. Việc hỗ trợ các dịch vụ y tế, tâm lý cho những trẻ em bị xâm hại tình dục cũng còn hạn chế.

Vì vậy, muốn giảm thiểu xâm hại trẻ em cần xây dựng một hệ thống bảo vệ trẻ một cách hoàn chỉnh từ tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa, phát hiện sớm… đến hỗ trợ tư vấn tâm lý, pháp lý. Tuyên truyền cho các gia đình về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc con cái. Khi chẳng may trẻ bị xâm hại thì nên đưa trẻ đi giám định càng sớm càng tốt để có chứng cứ truy tố đối tượng vi phạm”.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/hon-1000-tre-em-bi-xam-hai-moi-nam-2638824-b.html