Hôm nay, tiễn đưa nghệ sĩ Phạm Bằng: 'Sao không thể nói những điều tuyệt vời, khi ta còn sống?'

Đám tang bác, sẽ có nhiều lời đẹp được nói, được viết ra. Tôi chợt nhớ những lời không hay mà mình phải nghe khi bác còn sống. Rằng bác có nhiều bồ lắm, rằng bác phải là một người ham tiền, xấu xa nên mới vào vai ông sếp ngọt vậy. Năm nay nghệ sĩ ra đi nhiều quá, cứ mỗi đám tang, người ta hay nhắc lại cái thời "ngày xưa" và nhắc về những điều tuyệt vời về họ. Rồi tôi tự nghĩ sao mình không thể nói như thế khi người ta còn sống?

NSƯT Phạm Bằng (1931 - 2016)

1. Lần đầu tiên tôi biết mình có một người bác tên là Phạm Bằng là khi lên 6 tuổi. Bác đến nhà chơi. Mẹ bảo: "Bác làm diễn viên, lâu lâu có lên TV". Cả nhà tôi ai cũng hâm mộ. Thời ấy, được lên TV là oai lắm. Sau đó, mỗi năm tôi gặp bác một vài lần. Mỗi lần vào nam, bác hay ghé nhà, đốt cây nhang cho ông nội, biếu bà nội ít tiền.

Bác Bằng là nghệ sĩ gạo cội, nhưng không có "Gặp nhau cuối tuần", dân miền nam có lẽ sẽ không biết bác là ai. Khi chương trình đang "hot", mình thỉnh thoảng có khoe với mấy đứa bạn: tao có ông bác làm nghệ sĩ trên VTV. Bọn nó hỏi: "Bác mày là ai". Mình bảo: "Phạm Bằng". Bọn nó nói: "Phạm Bằng là ông nào?". Mình nói: "Cái ông đầu hói". Nó nói ngay: "A, cái ông sếp". Đúng rồi, Phạm Bằng là "cái ông sếp", Quang Thắng là "cái ông mũi to". Vân Dung là "cái cô ưỡn ẹo". Họ không nhớ tên nhân vật, cũng chả nhớ luôn tên diễn viên.

Bố mình có cái đầu hói y hệt bác Bằng. Sau khi nghiện "Gặp nhau cuối tuần", xem riết rồi nhiễm cái giọng của bác. Cứ nghe điện thoại ngoài Bắc gọi vào là bố đang nói giọng nam chuyển sang giọng bắc, nghe buồn cười không thể tả. Rồi từ đó, cả xóm ai cũng gọi bố mình là "sếp". Trong cơ quan, đến giám đốc, trường phòng cũng gọi bố là "sếp". Bố cũng thích thích. Bố nói ra Hà Nội, đi kế bên bác Bằng, có người mở cửa xe, ai cũng nói giống nhau như anh em ruột.

2. Mình không nói chuyện với bác nhiều. Bác ở một thế hệ khác. Khi bác bước vô nhà, bác ở một vị trí cao hơn tất cả. Lời bác nói như mệnh lệnh. Có lần bác hỏi: "Bình dạo này làm đâu rồi?", tôi nói báo Sài Gòn Giải Phóng. Bác nói: "À, bác biết, tờ báo ấy to lắm".

Không biết bác nói to ở đây là tấm vóc hay khổ báo nữa. Bác luôn có cái kiểu nói bỏ lửng như vậy, cứ nói nửa chừng, ai hiểu sao thì hiểu. Hôm nay đọc bài của Zing, thấy bác biến tấu câu "Ai bảo cậu đưa phong bì cho tôi?" Thành câu "Ai bảo cậu? Đưa phong bì cho tôi", mình mới giật mình nhớ lại những cái câu mà hồi đó bác nói. Có khi bác có ý hài hước , vậy mà mình quá ngu, hoặc không đủ thâm thúy để hiểu. Bạn để ý đi, khi có người quen mất, những chuyện xưa lắc xưa lơ của người ấy tự nhiên xếp hàng trở về.

3. Bác mất mấy ngày, mình xem newsfeed thấy nhiều người nhắc bác với sự kính trọng. Ở tuổi thất thập, "Gặp nhau cuối năm" bỗng làm bệ phóng đưa tên tuổi bác đến với quảng đại quần chúng, cho bác nhiều show diễn để có tiền, tự lo cho cuộc sống mà không phụ thuộc vào con cháu, thậm chí còn cho ngược lại họ. "Gặp nhau cuối tuần" cần bác, mà chính bác cũng cần nó. Đấy là cái thời điểm mà người bắc chăm chút từng li từng tí cho khâu kịch bản. Để rồi theo thời gian, người ta quên mất kịch bản mới là thứ đầu tiên và quan trọng nhất trong một sản phẩm giải trí.

Bác nói bác luôn nhớ về "ngày xưa". Ngày xưa của "Gặp nhau cuối tuần", ngày xưa của thời đóng "Số đỏ", nói mỗi câu "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi" mà bác gọi là vai diễn dễ nhất trong đời. Đó còn là ngày xưa của một Hà Nội mà lớp hậu bối như tôi chỉ còn biết qua âm nhạc, sách vở. Ngày xưa của bác còn là ngày xưa của một gia đình vời đầy đủ các thành viên.

4. Đám tang bác, sẽ có nhiều lời đẹp được nói, được viết ra. Tôi chợt nhớ những lời không hay mà mình phải nghe khi bác còn sống. Rằng bác có nhiều bồ lắm, rằng bác phải là một người ham tiền, xấu xa nên mới vào vai ông sếp ngọt vậy. Năm nay nghệ sĩ ra đi nhiều quá, cứ mỗi đám tang, người ta hay nhắc lại cái thời "ngày xưa" và nhắc về những điều tuyệt vời về họ. Rồi tôi tự nghĩ sao mình không thể nói như thế khi người ta còn sống?

Bà Ngô Tịnh Yên có lẽ cảm khái điều này mà viết: "Nếu có yêu tôi, thì hãy yêu tôi bây giờ. Đừng đợi ngày mai, lúc mắt tôi khép lại".

Ông Iceberg Slim, một nhà văn kiêm ma cô lừng danh người Mỹ, trước khi chết đã trối với Mike Tyson rằng hãy làm cho ông một cái hòm đứng. Lưng hòm ốp vào tường chứ không để ông nằm ngửa như người khác. Bởi ông muốn sau khi mình chết, ông sẽ chờ xem đứa nào đến thắp hương cho mình hàng năm. Tôi nghĩ chúng ta đôi ba lần cũng nghĩ về cái chết của mình. Bởi ta cũng tò mò những ai sẽ đến viếng mình, những ai thật sự tốt với mình, những ai bị tổn thương sau khi mình ra đi. Vũ Thành An viết "Khi lìa trần có mấy người đưa" đó thôi.

5. Càng ngày mình càng cảm thấy bi quan, chán nản. Cuộc đời sau ngưỡNhữngng 30 tuổi quả thực chả còn nhiều điều để vui thú. Trời ơi, có ai nghĩ là cái thằng chuyên viết ba lăng nhăng vui vẻ thật ra rất là chán đời không. Mình nhớ năm bà nội 70 tuổi, ai cũng chúc bà sống lâu trăm tuổi, chỉ có bố mình nói là thôi, đừng chúc vậy, chúc bà sống vui là được rồi, vì sống đến 100 tuổi chắc gì đã vui.

Thiệt vậy. Bà nội mình đã 85 rồi, đã dự không biết bao nhiêu đám tang trong đời. Lần này bà lại bay ra Hà Nội dự đám tang của một người thân trẻ hơn mình. Rồi sẽ đến lúc nước mắt cũng chẳng còn để mà khóc nữa. Trong lễ thượng thọ của bà nội, một người bà con bên nhà bác Bằng có quay lại một cuốn video. Trong cuốn video ấy, số người chết đã phải đến con số ba chục. Mà ai cũng ít tuổi hơn nội. Bà nội bảo trong lúc chờ đám tang của mình thì mình đi đám tang người khác. Ước mơ lớn nhất của nội là khi nội mất, Minh Vương đến hát. Bố mình nói đợi má mất thì Minh Vương có khi nói còn không nổi.

Hôm nay nội gọi về từ Hà Nội, bảo Hà Nội không lạnh lắm, đợi xong tang lễ thì nội về. Khi còn trẻ, ta đi sinh nhật. Còn khi về già, ta dự toàn đám ma. Trong lúc chờ đám ma của mình, liệu có cách nào cư xử với nhau đàng hoàng hơn, vị tha hơn để cuộc đời mất nết này vui vẻ hơn một chút được không.

Bình Bồng Bột

Tác giả hiện đang sống và làm việc ở TP HCM, là cháu của cố nghệ sĩ Phạm Bằng

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/cafe-sang/hom-nay-tien-dua-nghe-si-pham-bang-sao-khong-the-noi-nhung-dieu-tuyet-voi-khi-ta-con-song-132044