Hồi ức những ngày tháng Tư lịch sử

Đã 49 năm trôi qua kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024) nhưng hồi ức về thời khói lửa, tàn khốc với tiếng bom gầm, pháo dội vẫn còn in sâu trong tâm trí của những cựu chiến binh (CCB) Lạng Sơn từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, nhất là đối với những người lính trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

Tháng tư, khi cả nước đang hướng đến kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi có dịp được gặp và trò chuyện với CCB Vi Văn Ân, sinh năm 1952, trú tại xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc. Ông Ân là một trong số những người con Lạng Sơn trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Nhập ngũ từ năm mới 19 tuổi, ông Ân được phân công vào Bộ Tư lệnh pháo binh, huấn luyện tại huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội). Từ tháng 7/1972 đến tháng 5/1973, ông Ân cùng đồng đội vừa tích cực huấn luyện, vừa tham gia các trận chiến lớn, nhỏ. Từ tháng 6/1973, ông Ân được bổ sung vào Sư đoàn 312 (nay là Quân đoàn 1), tháng 10/1974, đơn vị của ông Ân bắt đầu hành quân từ tỉnh Thanh Hóa đến chiến trường miền Nam để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

Cựu chiến binh Vi Văn Ân, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc (bên phải) ôn lại kỷ niệm qua những kỷ vật

Những ngày tháng 4/1975, ông Ân cùng đồng đội tham gia nhiều trận chiến. Là một trinh sát pháo binh, ông Ân nhận nhiệm vụ đi trinh sát, chui vào lòng địch để đo đạc chính xác tọa độ mục tiêu rồi báo về đơn vị để thực hiện nã pháo, đánh phủ đầu quân địch, tạo điều kiện cho bộ binh. Ông Ân kể: Việc trinh sát, đo đạc tọa độ điểm bắn rất quan trọng, cần phải đúng từng xen-ti-mét, chỉ cần lệch một chút thôi, vị trí của ta sẽ bị địch phát hiện, đạn pháo của địch sẽ dội vào bộ binh quân ta. Vì vậy, lính trinh sát chúng tôi phải tính toán rất cẩn thận, tỉ mỉ.

Đối với người lính pháo binh, kỷ niệm đáng nhớ nhất trong chiến dịch năm ấy là giây phút lá cờ của Quân giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, non sông Việt Nam thu về một mối. Giây phút giành thắng lợi, toàn quân reo hò, anh em chiến sĩ ôm nhau khóc trong niềm hạnh phúc. Thành quả ấy được đánh đổi từ mô hôi, nước mắt, xương máu của những người lính. Vừa kể lại ký ức hào hùng, người CCB ngoài 70 tuổi vừa lật giở cho chúng tôi xem giấy chứng nhận khen thưởng Huy hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh mà ông cất giữ gần nửa thế kỷ qua. Tờ giấy chứng nhận đã nhuốm màu thời gian, được ông Ân bọc lại kỹ càng bằng băng dính và luôn mang theo bên mình cùng với các loại giấy tờ tùy thân khác. Sau ngày giải phóng, ông Ân tại ngũ đến tháng 1/1978 thì chuyển sang công tác tại Ủy ban Nông nghiệp Cao – Lạng và một số cơ quan khác, đến năm 2002 thì ông nghỉ hưu.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, không chỉ ông Ân, nhiều người lính Lạng Sơn đã lên đường nhập ngũ, góp sức cho Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Toàn tỉnh hiện có trên 35.600 hội viên CCB, trong đó có trên 8.400 CCB từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Qua mỗi trận chiến, những người lính Cụ Hồ đã vượt những khó khăn, gian khổ với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Non sông thống nhất, sau những năm tháng sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do, trở về với đời thường, các CCB tiếp tục phát huy tinh thần gương mẫu, ra sức cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế ở địa phương. Hiện toàn tỉnh có 1.416 mô hình kinh tế do CCB làm chủ, các mô hình đã phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho CCB, đồng thời tạo công ăn việc làm cho trên 4.000 lao động địa phương; từ năm 2023 đến nay, CCB toàn tỉnh đã hiến trên 30.300m2 đất, ủng hộ các hoạt động tình nghĩa với số tiền trên 1,1 tỷ đồng; các cấp hội CCB phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức trên 200 buổi tuyên truyền pháp luật cho trên 10.000 lượt hội viên và Nhân dân; các CCB tích cực tham gia tuần tra, canh gác, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ đường biên, mốc giới…

Những câu chuyện về một thời bom đạn đã trở thành những tư liệu lịch sử quý giá để các CCB truyền lại cho thế hệ trẻ. Từ năm 2023 đến nay, các cấp hội CCB trong tỉnh đã phối hợp tổ chức giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ được gần 320 buổi với trên 15.000 lượt đoàn viên, thanh niên, học sinh tham gia. Từ những câu chuyện truyền thống cách mạng giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về sự khốc liệt của chiến tranh, từ đó biết trân trọng giá trị của thời bình và phấn đấu vươn lên, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

DƯƠNG KIM

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/hoi-uc-nhung-ngay-thang-tu-lich-su-5006848.html