Hồi ức của những chiến sĩ bị địch bắt tù đày

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, lần lượt đánh đổ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong những năm tháng kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Lạng Sơn có hàng trăm người là chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Trở về từ 'địa ngục trần gian', những câu chuyện về họ khiến các thế hệ sau càng thêm cảm phục về tinh thần kiên cường, bất khuất và trân trọng những hi sinh, đóng góp của họ để bảo vệ, gìn giữ nền độc lập dân tộc.

Lãnh đạo Thành ủy Lạng Sơn thăm hỏi chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày Nguyễn Văn Sen (thứ 2 từ trái qua), thôn Trung Cấp, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn

Trong Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều chiến sĩ cách mạng bị bắt trải qua sự hà khắc trong nhà tù với gông cùm xiềng xích, những trận đòn roi, lúc bị bỏ đói, lúc bị hành hạ đánh đập dã man… Giờ đây, chiến tranh tuy đã lùi xa nhưng ký ức về những năm tháng ấy thì vẫn còn mãi.

Kiên trung, bất khuất trong lao tù

Trong những ngày tháng 8 lịch sử, cả nước hướng về kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng tôi đến thôn Trung Cấp, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn tìm gặp ông Nguyễn Văn Sen, người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Bên chén trà nóng, ông Sen hồi tưởng lại về những ký ức mình đã trải qua, có nhiều lúc giọng ông bỗng chùng lại, nghẹn ngào xúc động.

Năm 1968, ông Sen nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại tỉnh Kon Tum. Năm 1969, khi đang làm nhiệm vụ nắm bắt thông tin quân sự của địch, ông bất ngờ bị địch phục kích và đưa về tạm giam tại Sài Gòn. Ông kể: Mỗi ngày có từng nhóm lính vào lần lượt tra tấn, thân thể từ đầu tới chân đều in hằn dấu tích của đòn roi. Địch có nhiều hình thức tra tấn như: chích điện; thả vào thùng phi chứa nước rồi gõ; đổ xà phòng vào mũi, mồm; buộc tay chân vào miếng gỗ rồi thả xuống thùng ngâm nước… Không ít chiến sĩ của ta đã hi sinh hoặc bị di chứng cả về tinh thần lẫn thể xác.

Sau những ngày bị hành hạ, tra tấn, địch chuyển và giam cầm ông ở nhà tù Phú Quốc trong gần 4 năm (từ năm 1969 đến năm 1973). Theo lời của ông, nhà tù Phú Quốc chia thành nhiều khu khác nhau, ở trong đó, các chiến sĩ của ta đã tìm cách liên lạc với nhau, sinh hoạt bí mật trong các tổ chức đảng, tổ chức đoàn hoặc hội đồng hương. Bấy giờ, địch tiếp tục các biện pháp vừa mua chuộc, dụ dỗ vừa, tra tấn dã man nhưng các chiến sĩ đã kiên trung, bất khuất, giữ gìn khí tiết cách mạng.

Ở một câu chuyện khác qua lời kể của ông Nguyễn Văn Nhâm (81 tuổi), khu Tân Hòa, thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng (cũng là chiến sĩ bị địch bắt tù đày) về nhà tù Phú Quốc khiến chúng tôi hình dung rõ thêm sự tàn khốc trong nhà tù của địch, từ đó chúng tôi càng thêm khâm phục ý chí kiên cường và tinh thần yêu nước, hết mình vì Tổ quốc của các chiến sĩ.

Khi được hỏi về những ngày tháng bị địch bắt tù đày, ông Nhâm không giấu nổi những xúc động: Tôi bị bắt và giam trong nhà tù Phú Quốc trong những năm 1972, 1973. Trong tù, chúng tôi vẫn tìm cách liên lạc, hoạt động cách mạng. Được sự phân công của cấp ủy cấp trên tôi được giao nhiệm vụ làm bí thư chi bộ gồm 10 đảng viên. Chi bộ hoạt động bí mật, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các phong trào đấu tranh trong tù. Cũng bởi những hoạt động cách mạng trong tù nên đã không ít lần bản thân tôi bị địch tra tấn, bị đưa ra “chuồng cọp” nhằm đe dọa, khai thác thông tin tuy nhiên với bản lĩnh và ý chí của người chiến sĩ cách mạng, tôi cũng như nhiều đồng đội khác đã bảo vệ tổ chức, bảo vệ các đồng chí của mình đến cùng.

Cũng như ông Sen, ông Nhâm, các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày đều không thể quên được những năm tháng tàn khốc đó.

Lịch sử của Việt Nam là sự hy sinh, cống hiến của lớp lớp những người lính, trong đó có các chiến sĩ bị địch bắt tù đày, chính họ đã tô thắm thêm sự vĩ đại của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sự kiên trung bất khuất của “người lính Cụ Hồ”.

Tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước

Sau khi được trao trả, các chiến sĩ cách mạng được nhà nước quan tâm, chăm sóc đặc biệt, được tạo mọi điều kiện thuận lợi để an dưỡng, hồi phục sức khỏe. Sau đó, các chiến sĩ tiếp tục quay trở lại đơn vị hoặc bắt đầu nhiệm vụ, công việc mới được tổ chức phân công, tiếp tục cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ sau noi theo.

Ông Nguyễn Văn Ty (sinh năm 1949), khối 8, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn – một chiến sĩ cách mạng và cũng là một người thầy tận tâm, tận lực với sự nghiệp trồng người. Ông tham gia cách mạng và bị địch bắt, giam cầm tại nhà tù Phú Quốc (1969 – 1973) khi mới 19 tuổi. Sau khi được trao trả, ông Ty được cử tham gia thi đại học. Khi ra trường, ông được phân công về công tác tại Trường Trung học Sư phạm 10+3 (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn), sau đó được phân về giảng dạy tại Trường THPT Đình Lập và đến năm 2009 thì nghỉ hưu. Noi gương ông, các con ông chăm chỉ học hành và tiếp nối nghề giáo, hiện hai người con của ông đều là giáo viên của các trường THPT, THCS trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc.

Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, câu chuyện của ông Sen, ông Nhâm, ông Ty là những bài học quý báu về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về tinh thần yêu nước, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau không bao giờ được phép quên lịch sử dân tộc. Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện toàn tỉnh còn hơn 200 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày ở các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Họ hầu hết đã bước sang cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng khi được gợi nhớ về những ký ức một thời, trong mắt họ đều ánh lên niềm tự hào vì đã được cống hiến cho Đảng, cho Tổ quốc.

Ông Nguyễn Văn Giang, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Hằng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động nhân dịp lễ tết và kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ nhằm tri ân đối với các anh hùng, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển quà tặng của Chủ tịch nước, của tỉnh cho 28.649 lượt người có công, gia đình chính sách với kinh phí gần 13 tỷ đồng. Lãnh đạo tỉnh đã tổ chức trên 30 đoàn công tác trực tiếp thăm hỏi, động viên, tặng 81 suất quà đến các gia đình chính sách, người có công trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, trong đó bao gồm cả các chiến sĩ hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày. Thông qua những hoạt động như vậy thể hiện sự ghi nhận, biết ơn của chính quyền và Nhân dân Lạng Sơn đối với những cống hiến của các gia đình chính sách, người có công nói chung và các chiến sĩ hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày nói riêng

Lịch sử Việt Nam là lịch sử gắn liền với các cuộc đấu tranh cách mạng chống phong kiến, đế quốc và bè lũ tay sai kéo dài nhiều thập kỷ; đồng thời ghi lại sự hy sinh, cống hiến của lớp lớp những người lính, trong đó có các chiến sĩ bị địch bắt tù đày, chính họ đã tô thắm thêm sự vĩ đại của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sự kiên trung bất khuất của “người lính Cụ Hồ”.

HOÀNG HIẾU - PHƯƠNG DUNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/607962-hoi-uc-cua-nhung-chien-si-bi-dich-bat-tu-day.html