Hội thi thiếu nhi kể chuyện theo sách: Thông điệp cho từng câu chuyện

Em Trần Thiên Duy kể về tấm gương anh hùng Bế Văn Đàn. Ảnh: THIÊN LÝ

Lối kể chuyện sinh động, truyền cảm và hấp dẫn cùng với sự đầu tư công phu, các đội tham gia hội thi Kể chuyện theo sách huyện Phú Hòa lần thứ 3 năm 2023 đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả.

Hội thi do Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình cùng Phòng GD&ĐT huyện Phú Hòa phối hợp tổ chức. Hoạt động thu hút sự tham gia của 9 đội thi đến từ các trường THCS trên địa bàn huyện này nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn trong năm và nhằm xây dựng, phát triển văn hóa đọc.

Cuốn hút người nghe

Hội thi diễn ra bằng hình thức sân khấu hóa. Mỗi đội trải qua 3 phần thi, gồm chào hỏi, năng khiếu và kể chuyện theo sách. Phần thi chào hỏi và năng khiếu, các đội thể hiện khả năng hùng biện kết hợp với ca hát, vè, múa, đọc thơ… Còn ở phần thi kể chuyện theo sách, mỗi đội kể 1 câu chuyện đã được xuất bản và phát hành trên sách, báo, tạp chí.

Những câu chuyện xúc động đã được các thí sinh chọn kể như: Những câu chuyện nhỏ về Bác Hồ và thiếu nhi trong cuốn sách Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh do NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội ấn hành; Bế Văn Đàn sống mãi do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành... đã cuốn hút người nghe. Bên cạnh đó, hội thi còn mang đến nhiều câu chuyện kể xúc động, bi tráng về chủ đề chiến tranh, tình yêu quê hương, đất nước, tình mẫu tử...

Em Trần Thiên Duy, học sinh lớp 7A2 Trường tiểu học và THCS Hòa Hội chia sẻ: “Được tham gia thi kể chuyện theo sách, em rất vui, vì đây là cơ hội để chúng em giới thiệu, chia sẻ với thầy cô giáo, các bạn học sinh những cuốn sách, những câu chuyện kể về lòng nhân ái, vị tha, nếp sống giản dị của Bác, cũng như những tấm gương anh hùng trẻ tuổi anh dũng hy sinh vì Tổ quốc... Hội thi cũng là dịp để chúng em giao lưu, thấy được tầm quan trọng của việc đọc sách, từ đó thúc đẩy phong trào đọc sách trong nhà trường”.

Chăm chú nghe từng câu chuyện kể của các em, chị Nguyễn Thị Thanh Lam ở thị trấn Phú Hòa, bày tỏ: “Mỗi câu chuyện kể mang một ý nghĩa, màu sắc khác nhau nhưng đọng lại trong tôi và nhiều người chính là phần biểu diễn tự tin của các em. Tôi thấy, ngoài giọng kể chuyện truyền cảm, mỗi thí sinh còn chọn cho mình một cách minh họa khác nhau để tạo thêm sức hấp dẫn, sự sinh động cho câu chuyện, để người nghe cảm nhận sâu sắc hơn về những bài học, thông điệp mà câu chuyện các em muốn nói”.

Góp phần lan tỏa văn hóa đọc

Theo đánh giá chung của ban tổ chức hội thi, các câu chuyện kể đã được các thí sinh chuẩn bị chu đáo, công phu. Các thí sinh cũng đã bám sát chủ đề hội thi; với giọng kể mạch lạc, truyền cảm, hấp dẫn phù hợp với lứa tuổi, các em đã thể hiện hết tài năng kể chuyện của mình, thực sự thu hút được người nghe. Phần kết mỗi câu chuyện, các em đều tự rút ra cho mình bài học kinh nghiệm làm câu chuyện thêm sinh động, hấp dẫn. Nhiều phần thi có phụ họa theo nội dung câu chuyện, đạo cụ, âm nhạc phù hợp tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn đối với khán giả.

Em Dương Nguyễn Ngọc Phương, học sinh lớp 6A1 Trường THCS Hòa An, một trong những thí sinh được nhiều khán giả tán thưởng bởi phong cách kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn, thổ lộ: “Hàng ngày chúng em vẫn thường xuyên đọc sách. Việc đọc sách giúp ích rất nhiều trong việc học tập của chúng em cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Em mong muốn thời gian tới, thư viện nhà trường sẽ có thêm nhiều sách, báo hơn nữa, đặc biệt là có nhiều câu chuyện kể về Bác để chúng em được tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời và những đóng góp, hy sinh của Người cho sự nghiệp giải phóng dân tộc”.

Theo ông Nguyễn Thành Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình huyện Phú Hòa, hội thi kể chuyện theo sách là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt, nhằm góp phần xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trên địa bàn huyện, hướng tới xây dựng xã hội học tập; khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách; tôn vinh các giá trị của sách, xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng. Hội thi cũng nhằm khuyến khích, đưa phong trào đọc sách trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa trong cộng đồng, nhất là các em học sinh, từ đó thúc đẩy phong trào đọc sách trong nhà trường, trong thư viện và trong mỗi gia đình. Hội thi cũng nhằm đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh trong đoàn viên, thanh thiếu nhi; nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục truyền thống, vun đắp cho các em tình yêu quê hương, đất nước, về những gương hy sinh vì dân vì nước. Đây cũng là dịp để các thí sinh gặp gỡ, giao lưu, phát huy năng khiếu đọc và kể chuyện theo sách, bổ sung kiến thức cho bản thân, góp phần hình thành nhân cách, kỹ năng sống cho thiếu niên, nhi đồng - những chủ nhân tương lai của đất nước; giáo dục các em về gương người tốt, việc tốt, tránh các thói hư tật xấu, rèn kỹ năng sống... từ những bài học được rút ra từ các câu chuyện kể.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/299247/hoi-thi-thieu-nhi-ke-chuyen-theo-sach--thong-diep-cho-tung-cau-chuyen.html