Hội thảo về 'Hoạt động đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan'

Những khó khăn, thách thức trong hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan được nhận diện

Ngày 26/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo về “Hoạt động đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan - Thực trạng và giải pháp” do Cục Bản quyền tác giả và Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức trong khuôn khổ chương trình dự án Đối thoại về chính sách giữa các nhà quản lý và hoạch định chính sách văn hóa do Chính phủ Đan Mạch tài trợ.

Hội thảo được tổ chức đúng ngày kỷ niệm 12 năm Công ước Bern chính chức có hiệu lực tại Việt Nam, đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Hội thảo có sự tham gia của ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam, ông Christian Brix Moller, Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, các chuyên gia về bản quyền của Đan Mạch, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan của Việt Nam (Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam trực thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam; Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam; Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam; Hội bảo vệ quyền của nghệ sỹ biểu diễn âm nhạc Việt Nam) cùng đại diện của nhiều cơ quan, tổ chức liên quan trong nước và quốc tế.

Theo ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan bước đầu đã đi vào hoạt động có kết quả, đáng khích lệ, tạo niềm tin cho các hội viên ủy thác quyền đồng thời góp phần đưa các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan được thi hành trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực và kết quả đã đạt được, các tổ chức đại diện tập thể cũng còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể chưa đầy đủ; năng lực hoạt động quản lý, thực thi của các tổ chức đại diện tập thể chưa chuyên nghiệp; ý thức chấp hành pháp luật của nhiều cá nhân, tổ chức khai thác và sử dụng tác phẩm, các đối tượng quyền liên quan còn nhiều hạn chế và chưa nghiêm túc; tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan diễn ra với các hình thức và mức độ vi phạm khác nhau.

Tại Hội thảo, ông Henrik Schütze và Bà Kristina Blichfeldt Lautrup - Chuyên gia Đan Mạch từ Công ty Luật Lassen Ricard đã trình bày tại Hội thảo “Tổng quan về cơ sở pháp lý và hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan tại Đan Mạch và kinh nghiệm của các nước trên thế giới” đồng thời đưa ra các khuyến nghị cụ thể nhằm nâng cao năng lực của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam. Các diễn giải của Việt Nam từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Hội truyền thông số Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam đã trình bày về Những khó khăn, thách thức trong hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.

Ngay sau các tham luận của diễn giả, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, trao đổi kinh nghiệm giữa Việt Nam và Đan Mạch về hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan và trong việc khai thác và sử dụng tác phẩm trên môi trường số; thực trạng và giải pháp tăng cường năng lực của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan để đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi trong môi trường kỹ thuật số.

Bà Nguyễn Phương Hòa, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, đồng chủ trì Hội thảo đã nhấn mạnh Hội thảo là một trong những hoạt động thiết thực trong bối cảnh “Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2013” vừa được Chính phủ ban hành ngày 8/9/2016, trong đó xác định bảo hộ bản quyền tác giả là một trong những nền tảng thúc đẩy sáng tạo, tạo cở sở cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam./.

PV

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/hoi-thao-ve-hoat-dong-dai-dien-tap-the-quyen-tac-gia-quyen-lien-quan-216550.html