Hội thảo về bảo tồn vượn má vàng Trung Bộ

Ngày 11-12, tại xã Sơn Lang (huyện Kbang), Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Kon Chư Răng phối hợp với Hội Động vật học Frankfurt tại Việt Nam và Trung tâm Đa dạng nước Việt Xanh (Green Viet) tổ chức hội thảo với chủ đề: 'Bảo tồn vượn má vàng Trung Bộ-giải pháp kết nối cộng đồng bảo vệ sinh cảnh sống của loài'.

Tham gia hội thảo có đại diện Khu BTTN đất ngập nước Vân Long (tỉnh Ninh Bình), Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh; các công ty lâm nghiệp đứng chân trên địa bàn các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Quảng Ngãi; các chuyên gia về du lịch sinh thái; Hiệp hội Du lịch tỉnh; đại diện cộng đồng dân cư vùng đệm Khu BTTN Kon Chư Răng.

Tại hội thảo, đại biểu đã nghe các báo cáo tham luận: Công tác quản lý, nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu BTTN Kon Chư Răng; Hiện trạng quần thể vượn má vàng Trung Bộ-giải pháp kết nối cộng đồng bảo vệ sinh cảnh tại Khu BTTN Kon Chư Răng; Du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn động vật hoang dã; Đa dạng sinh học và du lịch sinh thái trong vườn quốc gia và khu bảo tồn ở Việt Nam. Đồng thời, trao đổi về các tác động từ hoạt động du lịch sinh thái đến công tác bảo vệ đa dạng sinh học; giải pháp phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học…

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Ngân

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Quân-Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Khu BTTN Kon Chư Răng-cho biết: Kon Chư Răng là khu bảo tồn nằm trong vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng; là ngôi nhà chung của nhiều loại động-thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm đặc hữu khu vực Đông Dương như: voọc chà vá chân xám, vượn má vàng Trung Bộ… Nơi đây trở thành điểm tham quan hấp dẫn, được nhiều người biết đến.

Do vậy, hội thảo này có ý nghĩa lớn trong việc định hướng công tác bảo tồn khu vực quan trọng của vượn má vàng Trung Bộ và giải pháp giám sát cộng đồng tham gia tham quan có trách nhiệm tại Khu BTTN Kon Chư Răng. Hội thảo đã cung cấp những thông tin quan trọng, cần thiết để đơn vị tham khảo, có những chiến lược phát triển du lịch sinh thái gắn kết cộng đồng tham gia có hiệu quả, tránh các rủi ro, tác động tiêu cực; giúp cộng đồng dân cư vùng đệm và khách du lịch nhận thức đúng đắn và có trách nhiệm với môi trường tự nhiên. Từ đó, góp phần tăng cường sự hợp tác trong việc bảo vệ đa dạng sinh học, đặc biệt là bảo tồn vượn má vàng Trung Bộ tại Khu BTTN Kon Chư Răng trong giai đoạn hiện nay.

MINH NGÂN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/hoi-thao-ve-bao-ton-vuon-ma-vang-trung-bo-post258550.html