Hội thảo Quốc gia 'Lập lại trật tự thị trường phân bón Việt Nam'

Tamnhin.net - Hội thảo Quốc gia “Lập lại trật tự thị trường phân bón Việt Nam” nhằm đánh giá một cách khách quan, toàn diện và khoa học về công tác quản lý ngành phân bón của các Bộ, Ban ngành từ Trung ương đến địa phương; công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực phân bón của các lực lượng chức năng trong thời gian qua; đồng thời đề ra phương hướng, giải pháp cụ thể cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong thời gian tới.

Sáng ngày 28/9, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia phối hợp tổ chức Hội thảo “Lập lại trật tự thị trường phân bón Việt Nam” tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (số 11 Lê Hồng Phong, Q.Ba Đình, TP Hà Nội).

Các đại biểu tham dự Hội thảo “Lập lại trật tự thị trường phân bón Việt Nam”

Tham dự Hội thảo có ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia; ông Lại Xuân Môn - Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; ông Nguyễn Văn Thanh – Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương); ông Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công thương; ông Nguyễn Anh Dũng – Chủ tịch TW Hiệp hội Phân bón Việt Nam; ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam; ông Trần Văn Dinh – Phó Ban tổ chức thi đua Hiệp hội phân bón Việt Nam... cùng lãnh đạo các Bộ, Ban ngành trung ương và địa phương, lãnh đạo các doanh nghiệp và đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình đến đưa tin.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết: “Hơn 30 năm qua, phân bón đã đóng góp quan trọng trong thành tích phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Từ một nước trước những năm 80 của thế kỷ trước luôn luôn thiếu lương thực, thường đề nghị xin tiếp viện lương thực ở nước ngoài, nay Việt Nam đã trở thành cường quốc xuất khẩu gạo và các nông sản như gạo, cà phê, hồ tiêu, chè…”

Ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam

"Với tầm quan trọng của phân bón, nhà nước ta đã có nhiều Nghị định và Thông tư về lĩnh vực này, như Nghị định 113, Nghị định 191, Nghị định 15 CP, Nghị định 163, Nghị định 185 và mới nhất là Nghị định 202 của Chính phủ… và 8 thông tư của các Bộ Nông nghiệp-PTNT và Bộ Công thương. Tuy nhiên, tình hình sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn đang tiềm ẩn gây bức xúc và thiệt hại lớn cho nhân dân.”- Ông Hạc Văn Thúy cho hay.

Ông Nguyễn Như Cường – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt ( Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay, nhiều tên phân bón phát triển ồ ạt, gây khó khăn cho công tác quản lý, khó cho nông dân trong quá trình lựa chọn sản phẩm.

Tại Hội thảo, các Đại biểu đã cùng tập trung thảo luận 6 vấn đề: Lập lại trật tự thị trường phân bón Việt Nam; thống nhất trong cách quản lý lĩnh vực phân bón; hạn chế ô nhiễm môi trường do sử dụng phân bón gây ra; hạn chế những thiệt hại về kinh tế cho nhà nước và bà con nông dân; bảo đảm phân bón an toàn thân thiện với môi trường và vấn đề cạnh tranh ngành phân bón trong thời kỳ hội nhập.

Các Đại biểu đã nêu ra một số vấn đề còn tồn tại như: Hệ thống sản xuất phân bón Việt Nam là tự phát, chưa được quy hoạch cụ thể, chưa được kiện toàn, cần tổ chức kiện toàn. Các Nghị định, Thông tư về quản lý, tổ chức kiểm định phân bón chưa được hợp lý, chưa bám sát thị trường. Nghị định 202/2013/NĐ-CP, luật số 71/2014/QH13 cần sửa đổi, bổ sung mới phù hợp với tình hình thực tiễn.

Ông Trần Anh - Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Hà Lan cho hay: “Nghị định 202/2013/NĐ-CP đã đưa ngành sản xuất, kinh doanh phân bón vào khuôn khổ để quản lý, kiểm soát, từng bước lập lại trật tự ngành phân bón. Tuy nhiên, vẫn còn tồn đọng một số bất cập như số lượng phòng thử nghiệm được chỉ định còn quá ít và phân bổ địa bàn không hợp lý làm khó khăn cho công tác khảo, kiểm nghiệm. Quy trình chứng nhận hợp quy tốn nhiều thời gian và chi phí. Bên cạnh đó, luật 71/2014/QH13 ban hành vẫn chưa mang lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.”

Với ý kiến cho rằng cần có phòng phân tích trọng tài để đảm bảo khâu khảo, kiểm nghiệm phân bón đạt hiệu quả hơn, ông Trần Văn Dinh – Phó Ban tổ chức thi đua Hiệp hội phân bón Việt Nam chia sẻ: “Theo tôi, để ngành phân bón phát triển lành mạnh, ngăn chặn tình trạng phân bón giả thì phải coi “Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng” là vấn đề then chốt, quan trọng nhất.

Ông Trần Văn Dinh – Phó Ban tổ chức thi đua Hiệp hội phân bón Việt Nam

“Bộ Công Thương có chức năng quản lý cấp phép sản xuất, Bộ Nông Nghiệp và Nông thôn làm nhiệm vụ quản lý sử dụng sản phẩm, Bộ Khoa học và Công Nghệ có chức năng phân tích sản phẩm. Vậy nếu cần thiết phải có một cơ quan trọng tài để phân tích, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm phân bón thì theo quan điểm riêng tôi, Bộ Khoa học và Công Nghệ là phù hợp nhất vì vừa đúng chuyên môn, hơn nữa, bên dưới Bộ này là 63 Chi Cục đo lường chất lượng sản phẩm; điều này sẽ rất thuận lợi trong công tác kiểm nghiệm đảm bảo chất lượng phân bón.”- ông Trần Văn Dinh nêu quan điểm.

Cũng tại Hội thảo, các Đại biểu cũng đưa ra một số kiến nghị trình lên Chính Phủ như sau:

“Cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 202/2013/NĐ-CP; luật 71/2014/QH13 cho phù hợp với tình hình thực tế. Xây dựng bộ tiêu chuẩn đủ điều kiện sản xuất phân bón rõ ràng.

Kiện toàn và tổ chức lại hệ thống trung tâm kiểm nghiệm, kiểm định của hai bộ về vô cơ, hữu cơ đủ, có chất lượng, trang bị kỹ thuật cán bộ và chuyên môn cao và phân vùng địa bàn hợp lý.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón. Công khai trên hệ thống thông tin đại chúng các doanh nghiệp và loại phân bón kém chất lượng, phân bón giả, để người dân nắm được và tránh sử dụng những loại phân bón này vì không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Tăng mức chế tài xử phạt đối với các cơ sở, cá nhân sản xuất kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Tăng cường tập huấn văn bản pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn cấp Sở để đảm bảo có đủ năng lực về quản lý.

Có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, phối hợp chặt chẽ các hoạt động về quản lý phân bón giữa Bộ chủ quản với các Bộ ngành liên quan, các UBND các tỉnh, Sở để tránh việc chồng chéo hoặc có những khe hở trong quản lý.

Tổ chức quản lý phân bón cấp nhà nước chỉ nên để một Bộ quản lý. Hiện nay, Bộ Công thương đang phụ trách 90% phân vô cơ. Bộ Nông nghiệp – PTNT phụ trách 10% phân hữu cơ và phân khác.”

Về định hướng trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Thanh – Cục trưởng Cục Hóa chất chất (Bộ Công Thương) cho biết, sắp tới cần hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực phân bón; xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP; xây dựng dự thảo các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và phân cấp quản lý. Coi trọng công tác kiểm soát thị trường phân bón nhằm hạn chế tình trạng phân bón kém chất lượng. Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền xác định vai trò, trách nhiệm chính của cơ quan; cải tiến công tác quản lý cải tiến sản...”

Sự tham gia tích cực của các Bộ, Ban ngành, doanh nghiệp và bà con nông dân với mong muốn lập lại một thị trường phân bón lành mạnh, chắc chắn sẽ là một đóng góp không hề nhỏ trong sự nghiệp phát triển đất nước thời kỳ hội nhập.

Sau đây là một số hình ảnh trong buổi Hội thảo:

Sao Huê - Việt Anh

Nguồn Tầm Nhìn: http://tamnhin.net/hoi-thao-quoc-gia-lap-lai-trat-tu-thi-truong-phan-bon-viet-nam-143124.html