Hội thảo khoa học 'Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng'

Ngày 5/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia 'Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng'.

Hội thảo do Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Ngôn ngữ học Việt Nam phối hợp tổ chức.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng tới dự và chỉ đạo Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - Trưởng ban tổ chức Hội thảo, ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, GS TS Lê Quang Thiêm – Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, cùng với các Tổng biên tập, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ và đông đảo phóng viên báo chí, phát thanh, truyền hình...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ chính trị; đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư dã gửi Lẵng hoa chúc mừng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. Ảnh: Hà Anh.

Ông Nguyễn Thế Kỷ đã khai mạc Hội thảo và đề nghị Hội thảo tập trung vào các nội dung: Vấn đề ngôn ngữ và ngôn ngữ truyền thông đại chúng; Những đóng góp của báo chí, truyền thông về mặt ngôn ngữ; tính đa dạng và những đóng góp của ngôn ngữ báo chí, Các cơ quan báo chí truyền thông cũng bộc lộ những yếu kém, sai sót, lệch lạc đáng tiếc; Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý đối với việc sử dụng tiếng Việt; coi trọng việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thông qua Hội thảo khoa học quốc gia về “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” Ban chỉ đạo và Ban tổ chức Hội thảo kính đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và các cơ quan liên quan cần chăm lo công tác chỉ đạo, quản lý, tư vấn việc sử dụng tiếng Việt, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng; hoàn thiện luật pháp, chính sách về ngôn ngữ, về tiếng Việt, tiến tới xây dựng bộ luật Tiếng Việt” – Ông Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: vov.vn

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh các đơn vị tổ chức Hội thảo và đánh giá sự quan trọng, cần thiết của Hội thảo.

Tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Việt Nam tự hào về lịch sử dựng nước, giữ nước mấy ngàn năm; về nền văn hiến rực rỡ của dân tộc. Trong nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, tiếng Việt là một thành tố quan trọng.

Tiếng Việt rất giàu, tiếng Việt rất đẹp như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói. Những tác phẩm văn học, thơ ca lớn, những tuyên bố, báo cáo trong lĩnh vực khoa học, văn bản có tính pháp lý của Nhà nước thể hiện trình độ phát triển cao của tiếng Việt. Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt”. Bác Hồ cũng đã dạy tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc mà chúng ta phải giữ gìn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là trách nhiệm của mỗi người, đặc biệt là các nhà báo, nhà giáo, nhà văn. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là ngoài xã hội, trên các diễn đàn, trong một số tài liệu, báo cáo, trên các ấn phẩm thông tin đại chúng, kể cả trong sách giáo khoa có nhiều biểu hiện thiếu chuẩn mực trong sử dụng tiếng Việt, quá dễ dãi trong phát triển, làm mới tiếng Việt. Hiện tượng lạm dụng, sử dụng ngôn từ tiếng nước ngoài đang ngày càng nhiều. Nhưng điều đáng báo động là còn quá ít sự phân tích, nhắc nhở, phê phán những biểu hiện đó.

Đề cập đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Phó Thủ tướng đưa ra chỉ đạo: Giữ gìn tiếng Việt, sự trong sáng của tiếng Việt đi đôi với việc phát triển, làm mới tiếng Việt. Trong quá trình phát triển nói chung và trong quá trình phát triển làm giàu tiếng Việt nói riêng, việc tiếp thu thành tựu của văn minh nhân loại hay việc mượn tiếng nước ngoài để làm cho tiếng Việt đầy đủ hơn là yêu cầu khách quan; tuy nhiên việc tiếp thu phải có chọn lọc, loại bỏ được tạp chất.

Chủ tọa điều hành Hội thảo. Ảnh: vov.vn

Tại Hội thảo, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các nhà báo cần rèn kỹ năng viết những bài báo được diễn đạt bằng câu văn trong trẻo, sáng rõ ý muốn nói. Cùng với đó, Phó Thủ tướng mong muốn Hội thảo đưa ra những kiến nghị đối với Nhà nước, đối với xã hội để việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ngày càng được thực hiện tốt hơn.

Tiếp đến, rất nhiều tham luận được trình bày tại Hội thảo, bao gồm: “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông đại chúng” của GS TS Nguyễn Văn Hiệp – Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học; Tham luận “Những vấn đề về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông hiện nay” của GS TS Nguyễn Văn Khang – Phó chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống; Tham luận “Thử tìm nguyên nhân và giải pháp” của nhà văn, nhà báo Phan Quang; Tham luận của ông Hồ Quang Lợi, Phát biểu của Đại sứ Palestine tại Việt Nam...

Tiếp đó, buổi chiều, Hội thảo phân thành 3 tiểu ban để tiếp tục nghe các tham luận và ý kiến phát biểu của các nhà ngôn ngữ học, nhà văn, nhà báo, gồm các tiểu ban về: Những vấn đề chung trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; Tiếng Việt trên sóng phát thanh, truyền hình; Tiếng Việt trên báo Việt (báo giấy, báo điện tử./.

Hiền Nguyễn

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/hoi-thao-khoa-hoc-giu-gin-su-trong-sang-cua-tieng-viet-tren-cac-phuong-tien-thong-tin-dai-chung-217772.html