Hồi sinh 'báu vật của đại ngàn'

Voi từng được xem như biểu tượng về sức mạnh, địa vị và sự giàu có của người dân Tây Nguyên đại ngàn hùng vĩ nhưng giờ đây điều đó không còn nữa. Thay vào đó, người Tây Nguyên đang phải ra sức giữ gìn và bảo vệ báu vật của mình trước sự xâm hại của chính con người.

Voi - Loài vật thiêng

Trong văn hóa của đồng bào các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên, voi không chỉ là vật nuôi thân thiết mà còn là loài vật thiêng, là hiện thân của “thần voi” (Nguăch Ngual) - vị thần mạnh mẽ, có uy tín che chở và mang lại sự bình yên cho buôn làng và là biểu tượng của quyền lực, sức mạnh, địa vị và sự giàu có của con người.

Người Mơ Nông quý voi đến mức khi voi còn sống thì có lễ cúng sức khỏe cho voi; lễ cưới chồng cho voi; lễ cúng xóa khi voi chửa, voi đẻ; cúng cắt ngà voi; cúng thần khi nhỡ gây thương tích cho voi…. Khi voi chết cả buôn làng không được đánh cồng chiêng, không được uống rượu, ca hát. Dân làng phải ngưng việc lên nương rẫy để tiến hành việc mai táng cho voi như một người con của buôn làng. Để thể hiện lòng thương tiếc voi, đồng bào Mơ Nông còn có câu hát: “Con gà chết phải chôn/Con heo chết phải chôn/Con chó chết phải chôn/Con bò chết phải chôn/Con trâu chết phải chôn/Con voi chết phải làm chuồng/Anh hùng chết phải tạc tượng”.

Vẻ mặt hân hoan của chú voi Tây Nguyên trong ngày hội. Ảnh: Thanh Hòa

Những người nuôi voi và thuần dưỡng voi cũng có những luật tục nghiêm ngặt như: không ăn thịt voi, không dùng những đồ làm bằng da voi, không ăn muối tro, không vào nhà có người mới sinh hoặc người chết chưa được một năm… bởi người ta quan niệm rằng nếu không tuân thủ những quy định trên thì voi sẽ ốm đau, phá phách, điên loạn và nếu không cúng, chữa kịp thời thì nó sẽ chết hoặc phản lại chủ.

Những câu chuyện bi thảm và lời cảnh báo về sự suy giảm đàn voi

Vốn là loài vật thiêng nhưng rồi voi Tây Nguyên cũng có lúc đứng trước bờ vực suy thoái, thậm chí bị diệt vong. Những câu chuyện bi thảm về số phận những chú voi Tây Nguyên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn khai thác đến suy kiệt sức voi và thậm chí là cả sự truy sát dã man của những kẻ săn bắn trộm vì những mối lợi từ việc khai thác ngà voi, lông đuôi voi…

Cho đến bây giờ những người nuôi voi ở Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk vẫn không thể nào quên được câu chuyện đau thương của hai chú voi đẹp nổi tiếng của mình. Đó là vào một đêm giữa tháng 10/2010, khi đang được xích ở bìa rừng, voi Pắc Kú - chú voi có cặp ngà đẹp nhất Buôn Đôn đã bị nhóm săn trộm tẩm xăng, đốt cháy phần đầu và mông. Chưa dừng lại đó, chúng còn nhẫn tâm chọc mù mắt và chém Pắc Kú tới hơn 200 nhát khắp cơ thể để hòng chặt đuôi lấy lông và cướp đi cặp ngà. Mặc dù đã được các chuyên gia hàng đầu nỗ lực cứu chữa, nhưng Pắc Kú đã vĩnh viễn nằm lại với đại ngàn. Trước đó, vào tháng 5/2010, voi H’Panh - một con voi cái 55 tuổi của Buôn Đôn khi được thả vào rừng ăn đã bị sập hầm của “voi tặc” và chết.

Những chú voi tham gia ngày hội voi Buôn Đôn. Ảnh: Thanh Hòa

Tiếc thương trước sự ra đi của Pắc Kú và H’Panh, dân làng đã làm lễ tang và xây mộ cho chúng theo phong tục của buôn làng. Hiện mộ voi Pắk Kú và H’Panh nằm cạnh nhau ở Khu du lịch Buôn Đôn, trở thành một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhắc nhớ về nỗi đau của vụ “thảm án” voi Tây Nguyên và cũng là lời cảnh báo về nạn săn trộm voi.

Cùng với vấn nạn săn bắn trộm thì việc khai thác voi quá mức vào du lịch, thồ hàng gây nên tình trạng suy kiệt sức khỏe của voi cũng như tình trạng rừng tự nhiên bị thu hẹp, mất sinh cảnh sống đã khiến cho nguồn voi của Tây Nguyên suy giảm mạnh về số lượng cũng như chất lượng.

Theo một nghiên cứu, trong khoảng hơn 30 năm trở lại đây, số lượng voi Việt Nam nói chung và voi Tây Nguyên suy giảm nhanh theo từng năm. Những năm 1990, ước tính số voi hoang dã của Việt Nam còn khoảng 1.500 - 2.000 cá thể. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn khoảng 124 - 148 cá thể voi hoang dã, phân bố trên 8 tỉnh bao gồm Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai và Bình Phước. Về voi nuôi (voi thuần dưỡng), theo thống kê năm 2018, cả nước có 91 voi nuôi tại 11 tỉnh thành. Riêng tỉnh Đắk Lắk, nơi được coi là “thủ phủ” của voi thuần dưỡng, số voi cũng giảm mạnh. Cụ thể, trong thời gian 1979 - 1980 tỉnh Đắk Lắk có 502 con voi thuần dưỡng nhưng hiện chỉ còn 30 con, tức giảm tới 90% so với năm 1980.

Nỗ lực bảo vệ báu vật của đại ngàn

Những năm gần đây, đứng trước tình trạng đàn voi rừng và voi nhà suy giảm nhanh chóng, các tỉnh ở Tây Nguyên mà điển hình là Đắk Lắk phải sớm vào cuộc thực hiện chương trình bảo tồn voi. Theo đó, năm 2010, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt Dự án Bảo tồn voi tại Đắk Lắk giai đoạn 2010 – 2015; thành lập Trung tâm bảo tồn voi nhằm quản lý, bảo tồn các sinh cảnh, quần thể voi hoang dã; thực hiện các chính sách, kỹ thuật chăm sóc sức khỏe sinh sản cho voi nhà; tổ chức giáo dục môi trường, duy trì và phát triển truyền thống quản lý chăm sóc, nuôi dưỡng voi nhà…

Đặc biệt, những năm gần đây, được sự hỗ trợ của Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia), Đắk Lắk đã triển khai dự án “Hỗ trợ chuyển đổi mô hình du lịch sử dụng voi” tại Vườn quốc gia Yok Đôn. Dự án ra đời từ năm 2018 nhằm thay thế du lịch cưỡi voi và những trải nghiệm trực tiếp tác động tới voi bằng mô hình du lịch sinh thái, thân thiện với voi. Dự án còn bao gồm cả việc hợp tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ và bảo tồn voi cho cộng đồng dân cư xung quanh khu vực bảo tồn; hỗ trợ tư vấn thiết kế khu vực chăm sóc voi để đảm bảo phù hợp với mục đích và an toàn cho cả voi và khách tham quan.

Nhờ đó, Yok Đôn hiện là Vườn Quốc gia duy nhất trên cả nước có mô hình du lịch thân thiện với voi nhà và voi hoang dã trong môi trường sống tự nhiên của chúng, hàng năm, thu hút được nhiều đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan.

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk còn thực hiện sự cam kết mạnh mẽ với Tổ chức Động vật Châu Á trong việc chăm sóc, bảo vệ và bảo tồn voi theo hướng thân thiện, bền vững, hạn chế tối đa và hướng tới không tổ chức các hoạt động ảnh hưởng tới sức khỏe của voi nhà như: du lịch cưỡi voi, các hội thi voi bơi, voi đá bóng, diễu hành trên đường nhựa, đường bê tông. Đổi lại, Tổ chức này sẽ có trách nhiệm vận động các nguồn lực hợp pháp nhằm hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để mang lại phúc lợi cho voi và các hộ dân mưu sinh nhờ nguồn thu từ du lịch cưỡi voi bằng mô hình du lịch sinh thái thân thiện với voi.

Nhờ đó, giờ đây lên Đắk Lắk người ta dường như không còn thấy cảnh tượng khách du lịch cưỡi voi, tại các lễ hội lớn cũng không còn cảnh voi diễu hành đi bộ trên đường, đua voi, voi chơi đá bóng… mà thay vào đó là các hoạt động du lịch ngắm voi thân thiện với môi trường tại Vườn Quốc gia Yok Đôn, hoặc các hoạt động tôn vinh, bảo tồn voi như lễ cúng sức khỏe cho voi, hội thi trang điểm cho voi, thi voi đẹp, thi voi chào khán giả, tổ chức tiệc buffet cho voi, cho voi tương tác thân thiện với du khách…

Mùa xuân này nếu có dịp lên Tây Nguyên, ghé về Đắk Lắk, ngoài những phong tục đón Tết thú vị của vùng đất đầy nắng và gió, du khách sẽ có cơ hội được ngắm nhìn những chú voi mạnh khỏe thảnh thơi tận hưởng cuộc sống bình yên trong những cánh rừng khộp ở Vườn Quốc gia Yok Đôn, hoặc tận mắt chiêm ngưỡng những chú voi nhà hiền lành, thân thiện, mến khách được chăm sóc như một báu vật của đại ngàn ở chính tại các buôn làng của đồng bào các dân tộc Êđê, Mơ Nông…

Thanh Hòa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hoi-sinh-bau-vat-cua-dai-ngan-post282424.html