Hội rằm độc đáo của người Nguồn ở miền tây Quảng Bình

Với người dân Minh Hóa, hội rằm tháng Ba là ngày hội lớn trong năm, ở đó những lễ hội, những trò chơi và đặc biệt là nơi gặp gỡ, giao lưu và hướng về cội nguồn với những mong muốn một năm mưa thuận gió hòa, sức khỏe bình an…

Chương trình nghệ thuật "Ân tình Minh Hóa" tái hiện những nét văn hóa đặc sắc của người Nguồn (Minh Hóa - Quảng Bình)

Đối với người dân huyện Minh Hóa, lễ hội rằm tháng ba là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân Minh Hóa với giá trị văn hóa độc đáo, riêng có. Hội rằm không chỉ là dịp để người dân địa phương khấn vái thần linh cầu mưa thuận, gió hòa, sức khỏe, bình an, mà còn là dịp để bà con trẩy hội chợ rằm, trao đổi, mua bán các sản vật địa phương và là dịp để con trai, con gái hò hẹn bén duyên nhau qua điệu hát đúm Pí, hò thuốc cá...

Người dân Minh Hóa quan niệm rằng, vào ngày rằm tháng ba, người dân Minh Hóa hàng năm, ai cũng tranh thủ đến chợ rằm, nếu không, xem như cả năm đó kém may mắn. Ở phiên chợ đó, người dân và du khách được mua bán các mặt hàng nông sản, hàng hóa của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Minh Hóa và nhiều món ăn truyền thống đặc trưng của người dân Minh Hóa như: ốc suối luộc, bồi ngô chấm mật ong rừng, khoai môn...

Tái hiện tục giỗ sống - báo hiếu cha mẹ của người dân huyện Minh Hóa

Không chỉ là vùng đất với những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà Minh Hóa còn là nơi sinh sống, giao thoa văn hóa của đồng bào các dân tộc Kinh, Chứt, Bru Vân Kiều. Minh Hóa cũng là vùng đất có nhiều địa danh đã đi vào lịch sử, như: Hóa Sơn được Vua Hàm Nghi cùng các tướng lĩnh đóng căn cứ để lãnh đạo phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp năm 1885; các địa danh đèo Đá Đẽo, đèo Mụ Dạ, ngầm Rinh, Khe Ve, đình làng Kim Bảng, Cổng Trời, Cha Lo, trận địa Nguyễn Viết Xuân nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ đã đi vào lịch sử, trở thành những địa chỉ "đỏ" giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Tái hiện chợ Rằm Minh Hóa là nơi giao lưu, gặp gỡ mua bán sản vật từng vùng của huyện Minh Hóa trong ngày Rằm tháng Ba.

Ông Bùi Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy huyện Minh Hóa chia sẻ: Lễ hội Rằm tháng ba từ lâu đã đi vào tâm thức của người dân Minh Hóa, trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng và được xem là một trong những lễ hội lớn nhất của đồng bào các dân tộc ít người ở miền Tây Quảng Bình. Người dân huyện Minh Hóa truyền nhau câu ca: "Thà rằng đau ốm mà nắm/ Không ai nỡ bỏ Hội Rằm tháng ba" và hội Rằm chính là nơi họ gặp gỡ, giao lưu, giao duyên sau một năm lao động vất vả…

Minh Hóa còn rất nhiều danh lam, thắng cảnh vẫn đang nằm dưới dạng tiềm năng, trong đó, Thác Bụt-Giếng Tiên là một tiềm năng lớn. Ngoài cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của núi cao, dòng suối mát trong lành, nơi đây còn mang trong mình một giá trị văn hóa tâm linh rất đặc biệt. Chính vì vậy chúng tôi cũng mong muốn bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa này để phục vụ việc phát triển du lịch trong thời gian tới… ông Tuấn cho hay.

Vĩnh Quý

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/hoi-ram-doc-dao-cua-nguoi-nguon-o-mien-tay-quang-binh-20230504100720123.htm