Hội Nông dân xã Hòa Lợi học và làm theo Bác

Nhiều hội viên nông dân được giúp đỡ vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khá giả hơn; có hội viên được công nhận nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền; tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia XDNTM… Đó là những việc làm cụ thể mà Hội Nông dân xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành thực hiện trong thời gian qua, nhằm đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Toàn xã hiện có 1.274 hội viên, sau hơn 02 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) “về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trong hội viên nông dân xã Hòa Lợi ngày càng đem lại hiệu quả rõ rệt.

Điển hình như trường hợp hội viên Tô Chanh Thi, 55 tuổi, ngụ ấp Truôn, là một trong những hội viên từng có hoàn cảnh khó khăn, nay đã thoát nghèo, cuộc sống khá lên nhờ thực hiện các mô hình lúa, màu, chăn nuôi với thu nhập trên 80 triệu đồng/năm. Với 1,5 công đất cha mẹ để lại, ông Thi sản xuất 01 vụ lúa, 01 vụ màu. Hiện nay, ông đang trồng lúa vụ thu đông mùa, sắp đến mùa thu hoạch.

Theo kinh nghiệm của ông Thi, với diện tích 1,5 công đất trồng lúa, mùa này ông ước thu hoạch được khoảng 01 tấn lúa. Sau vụ lúa, ông cải tạo đất, bắt đầu trồng đậu phộng hoặc bắp. Đây là 02 loại cây chủ lực của nông dân xã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nuôi bò sinh sản là một trong những mô hình mà ông Tô Chanh Thi áp dụng vươn lên thoát nghèo hiệu quả.

Bình quân, ông thu hoạch đậu phộng 1,2 tấn, giá trung bình 15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông thu lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng. Ngoài ra, năm 2014, ông Thi được Hội Nông dân xã tạo điều kiện vay vốn 20 triệu đồng để nuôi bò sinh sản. Ông mua con bò sinh sản 21 triệu đồng, sau 01 năm có 01 con bê con. Vì là bê cái nên ông tiếp tục nuôi để nhân giống. Hiện nay, ông có 02 con bò sinh sản và đã bán được 02 con bê con, trị giá trên 30 triệu đồng. Nhờ vợ chồng đồng lòng, chăm chỉ làm ăn, tiết kiệm, gia đình ông đã trả xong nguồn vốn vay và mua được 02 chiếc máy xới, cũng là công cụ để gia đình ông vươn lên thoát nghèo hiệu quả.

Ông Thi chia sẻ: cuộc sống giờ đỡ hơn nhiều; nhớ trước kia, nghèo khó, thiếu trước hụt sau. Tôi luôn suy nghĩ, nung nấu ý chí thoát nghèo nên tôi cố gắng làm ăn, cả ngày ở ngoài đồng, làm thuê đủ việc từ xịt thuốc, rải phân, làm cỏ... Tôi học Bác ở tinh thần yêu lao động. Bản thân tôi, không ngại khó, cần cù lao động, nhờ vậy, gia đình tôi vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Nhiều năm qua, Hội Nông dân xã Hòa Lợi đã tích cực tuyên truyền trong hội viên về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều việc làm theo hiệu quả, thiết thực. Hội phối hợp vận động hội viên chuyển đổi 25,7ha đất giồng tạp, đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu, cây ăn trái. Từ các mô hình, vốn vay đã góp phần đưa phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng phát triển, hàng năm có trên 55% hội viên đăng ký được bình xét nông dân sản xuất giỏi các cấp. Năm 2022, toàn xã có 555 hội viên được công nhận nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tăng 37 hộ so với năm 2019.

Theo chân cán bộ xã, chúng tôi gặp gỡ hội viên Võ Duy Tân, 41 tuổi, ngụ ấp Truôn, là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh 05 năm liền. Phát huy được sức trẻ, dám nghĩ dám làm, cần cù, chịu khó, anh Tân luôn tìm tòi những cách làm hay để ứng dụng vào mảnh đất mình sinh sống. Với 30 công đất ông bà để lại, anh tận dụng 20 công đất để trồng màu, 10 công đất trồng lúa, trong đó có vài năm anh đột phá trồng giống lúa tím cho năng suất cao. Theo anh Tân, vùng đất Hòa Lợi chỉ sản xuất được 01 vụ lúa, 01 vụ màu, nhưng chủ yếu là vụ màu, vì trồng lúa hiện nay, giá cả phân, thuốc hóa học tăng cao, nhưng năng suất, lợi nhuận lúa bán ra lại không cao so với rau màu. Với 20 công đất, anh Tân tận dụng trồng bắp, đậu phộng, các loại rau... Tùy theo thời tiết, mùa vụ và cả giá cả thị trường mà anh cho xuống giống các loại.

Theo anh Tân, đối với bắp Mỹ, bình quân 01 công đất trồng, sau 70 ngày, anh thu hoạch được 1,5 tấn bắp sống, bán ra trung bình 8.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận anh thu về từ 08 - 10 triệu đồng/công. Ngoài ra, anh còn tận dụng nguồn thức ăn từ các phụ phẩm để nuôi bò sinh sản, hiện anh có 06 con bò sinh sản, trung bình 01 năm, anh xuất bán từ 02 - 03 con bò thịt.

Anh Võ Duy Tân chia sẻ: là nông dân tôi luôn muốn học hỏi, áp dụng những mô hình mới, giống mới, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Vì vậy, tôi thường xuyên truy cập các mạng xã hội, xem truyền hình và tham gia tập huấn. Từ đó, tôi có vốn kiến thức nền rồi tự áp dụng vào thực tế trồng trọt. Nhờ đó, tôi trồng các loại rau màu năng suất tương đối đạt, được các thương lái lựa chọn, nên tôi cũng vững tâm duy trì thực hiện.

Qua các phong trào đã tạo cho hội viên nông dân phát huy tính năng động sáng tạo, tinh thần đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, thể hiện qua việc các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trực tiếp giúp đỡ các hộ nghèo cùng phát triển kinh tế như: cho mượn đất sản xuất, tham gia góp vốn xoay vòng để mua vật tư phân bón, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong sản xuất... Từ đó, nhiệm kỳ 2018 - 2023, hội viên nông dân xã có 32 hộ thoát nghèo hiệu quả, 49 hộ thoát khỏi cận nghèo. Hiện toàn xã còn 28 hộ nghèo, trong đó có 07 hội viên nông dân. Phấn đấu cuối năm 2023, có 05 hội viên vươn lên thoát nghèo.

Ngoài ra, việc học và làm theo Bác ở Hội Nông dân Hòa Lợi, tôi còn được nghe kể về việc vận động cán bộ, hội viên nông dân đóng góp tiền của, hiến đất, ngày công để sửa các tuyến giao thông, xây dựng nhiều cây cầu bê-tông góp phần hoàn thiện các tiêu chí XDNTM. Nổi bật, nhiệm kỳ 2018 - 2023, nông dân xã đã sửa, nâng cấp 18,7km các tuyến đường, hiến 5.700m2 đất, bắc 06 cây cầu dân sinh với tổng kinh phí trên 1,2 tỷ đồng. Cùng với đó, Hội đảm nhận thực hiện 01 tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp với chiều dài gần 1,2km, tổng kinh phí 350 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Đắc Trung, ngụ ấp Truôn không ngớt lời khen ngợi về sự nhiệt tình của Hội Nông dân xã trong vận động, sát cánh cùng Nhân dân làm đường. Ông Trung cho biết: trước kia, do đường đất ở khu vực này hẹp, chiều ngang khoảng 1,5m, không đáp ứng được nhu cầu đi lại, mua bán của Nhân dân. Năm 2022, địa phương và Hội Nông dân đến vận động các hộ dân hiến đất, đóng góp tiền và triển khai kế hoạch làm đường nên người dân chúng tôi rất an tâm. Đến nay, tuyến đường ấp Truôn vào nhà tôi được bê tông thông thoáng, xe cộ lưu thông dễ dàng, Nhân dân ai nấy cũng phấn khởi, vui mừng.

Đồng chí Tạ Văn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Lợi cho biết: qua triển khai thực hiện Kết luận số 01, hầu hết cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn xã đều tích cực hưởng ứng, thực hiện. Bên cạnh tham gia các phong trào, hỗ trợ nhau, nhiều cán bộ, hội viên chịu khó tìm hiểu, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả và đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giúp hội viên, nông dân áp dụng vào sản xuất; cùng với đó, tích cực vận động nông dân tham gia XDNTM.

Bài, ảnh: SƠN TUYỀN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh/hoi-nong-dan-xa-hoa-loi-hoc-va-lam-theo-bac-31704.html