Hội nhập sâu rộng, ngành gỗ đối mặt rủi ro tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu

Khi hội nhập ngày càng sâu rộng khiến các quy định ngày càng trở nên chặt chẽ, ngành gỗ sẽ đối mặt với rủi ro, nhất là rủi ro về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu.

Hội thảo Tận dụng Không gian chính sách để hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa

Sáng ngày 6/10/2016, tại Hội thảo Tận dụng Không gian chính sách để hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa được tổ chức bởi Trung tâm WTO, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia Dự án cho rằng chế biến và xuất khẩu gỗ sẽ là ngành nghề sẽ phải đương đầu với các rủi ro khi hội nhập ngày càng sâu rộng do các quy định ngày càng trở nên chặt chẽ. Những chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong giới hạn không gian chính sách sẽ là cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp gỗ.

Chế biến và xuất khẩu gỗ là một trong các ngành kinh tế nội địa ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong những năm qua. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ đạt 6,9 tỉ USD, hoàn thành mục tiêu sớm tới 5 năm. Ghi nhận trong 10 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO (2004-2014), kim ngạch xuất khẩu đã tăng gấp 6 lần. Ngoài mở rộng thị trường, từ con số vài trăm doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu gỗ hiện đã tăng lên 3.900 doanh nghiệp, 340 làng nghề, qua đó giải quyết việc làm cho 300.000 lao động.

Tuy nhiên, ông Phúc đã chỉ ra bốn rủi ro đối với ngành gỗ trong thời gian tới đây khi mà Việt Nam ngày càng gia nhập sâu rộng vào những Hiệp định thế hệ mới TPP, EVFTA.

Một trong các rủi ro lớn nhất theo ông Phúc là về tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu. Hoa Kỳ và EU là những thị trường xuất khẩu gỗ lớn của Việt Nam. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất đối với các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Năm 2015 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 2,64 tỉ USD, cao nhất trong tất cả các thị trường xuất khẩu của Việt Nam, tương đương với 38% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. EU là thị trường xuất khẩu quan trọng thứ tư cho các mặt hàng gỗ của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc). Những đây cũng là hai thị trường đang áp dụng những quy định nhắm tới mục tiêu loại bỏ gỗ bất hợp pháp như Luật Lacey tại Mỹ, Quy định gỗ Hợp pháp EUTR và Hiệp định Đối tác tự nguyện FLEGT VPA.

Ông Phúc cho biết điểm chung giữa các quy định về nguồn gốc hợp pháp của gỗ của cả Hoa Kỳ, EU, Úc là gỗ nguyên liệu phải được khai thác, chế biến, lưu thông phù hợp với các quy định pháp luật bản địa (nơi thực hiện hoạt động liên quan). Đối chiếu với yêu cầu này thì một phần gỗ xuất khẩu của Việt Nam hiện có nguy cơ cao không phù hợp pháp luật liên quan.

Nguồn gốc gỗ nguyên liệu được kiến nghị cần xác định rõ ràng tính hợp pháp

Lượng gỗ sử dụng bình quân năm 2015 - Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp về nguồn gỗ nguyên liệu

Điển hình như việc xuất khẩu gỗ tròn, dù đã cấm xuất khẩu gỗ tròn từ nửa cuối thập kỉ 90 nhưng dữ liệu thống kê các sản phẩm gỗ của Việt Nam cho thấy một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục xuất khẩu gỗ tròn, có nguồn gốc từ nhập khẩu (gỗ tròn tạm nhập tái xuất). Do vậy, gỗ được khai thác từ các diện tích rừng chuyển đổi thường có tính pháp lý không rõ ràng, trong nhiều trường hợp là bất hợp pháp.

Cùng với đó, ngành gỗ hiện nay đang thiếu hệ thống kiểm soát chuỗi cung hiệu quả. Chính điều này cũng khiến ngành gỗ bị khó kiểm soát được nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào trong chuỗi cung. Đối với vấn đề nguồn gỗ ông Phúc đề nghị Bộ NN & PTNT đưa ra được những quy định cụ thể để xác định tính hợp pháp. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần chủ động như yêu cầu các loại giấy tờ từ bên nhập khẩu, tăng cường trách nhiệm giải trình.

Một số rủi ro khác được ông Phúc đề cập tới như việc sử dụng lao động với chủ yếu là các hợp đồng lao động ngắn hạn và tỷ lệ các doanh nghiệp thiếu hiểu biết các quy định về thị trường như luật cấm sử dụng gỗ bất hợp pháp, chương trình FLEGT,.. vẫn còn khá cao theo khảo sát của nhóm nghiên cứu.

Về các rủi ro mà ông Phúc chỉ ra, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối - Bộ NN&PTNT cho rằng đây là những khả năng có thể xảy ra, nhất là trong tương lai khi hội nhập càng sâu rộng, quy định càng chật chẽ. Tuy nhiên, cho đến đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa hề có doanh nghiệp hoặc vụ việc nào đáng tiếc xảy ra.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, có ý kiến khá trái chiều cho rằng những kiến nghị đưa ra còn thiếu tính khả thi.

"Chính sách đưa ra duy nhất là chính sách nhằm hạn chế rủi ro. Nhưng thực tế nhiều năm qua ngành gỗ vẫn phải đối mặt với không thiếu những rủi ro và vẫn phát triến", ông Quyền cho hay.

Nhiều năm nay, ngành gỗ phát triển rất mạnh mẽ. Trong ngành gỗ, nhập khẩu chỉ bằng 1/4 xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu cao. Nguyên nhân chính là do chính sách của Chính phủ Việt Nam mở rộng, thông thoáng. Ông Quyền cho rằng nếu coi rủi ro là cản trở duy nhất của ngành gỗ hiện nay thì chưa đúng.

Ông Quyền kiến nghị một số chính sách từ Nhà nước mà ngành gỗ hiện nay rất cần. Theo đó, vùng nguyên liệu cùng cấp cho ngành gỗ phải phát triển cao và bền vững. Chính sách về sản phẩm, chính sách thị trường gỗ nội địa đã bỏ quên nhiều năm qua, chính sách khuyến khích người tiêu dùng nói không với gỗ bất hợp pháp là những điều theo ông Quyền Nhà nước cần hỗ trợ ngành chế biến và xuất khẩu gỗ.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/hoi-nhap-sau-rong-nganh-go-doi-mat-rui-ro-tinh-hop-phap-cua-nguon-nguyen-lieu-20161006024214528p4c145.news