Hội nghị Trung ương 'bất thường' là bình thường

Hội nghị Trung ương 'bất thường' chỉ là tên gọi, cách gọi, vì tất cả đã được Đảng dự liệu trong Điều lệ và các quy định cụ thể.

Như PLO đã đưa tin, dự kiến trong chiều nay, 30-12, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương sẽ mở hội nghị bất thường lần thứ hai trong nhiệm kỳ Đại hội XIII. Chương trình làm việc sẽ được thông báo chính thức cho BCH Trung ương thông qua trước khi bước vào công việc.

Hoạt động gần đây nhất của BCH Trung ương khóa XIII là Hội nghị Trung ương 6, tháng 10-2022. Ảnh: TTXVN.

Hoạt động gần đây nhất của BCH Trung ương khóa XIII là Hội nghị Trung ương 6, tháng 10-2022. Ảnh: TTXVN.

Hội nghị - hình thức hoạt động của BCH Trung ương

Vị trí, thẩm quyền của BCH Trung ương đã được quy định ngắn gọn nhưng căn bản, nguyên tắc tại Điều lệ Đảng. Qua mỗi kỳ Đại hội, các yêu cầu đặt ra với Trung ương lại được một lần nữa bổ sung, làm rõ. Và rồi được cụ thể hóa và ràng buộc chặt chẽ bởi Quy chế làm việc của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư – thường do BCH Trung ương sửa đổi, bổ sung, thông qua tại những hội nghị đầu tiên sau Đại hội Đảng toàn quốc.

Tìm hiểu một cách hệ thống như vậy, có thể hình dung một cách tóm lược nhất: BCH Trung ương là cơ quan lãnh đạo của Đảng giữa hai nhiệm kỳ Đại hội, chịu trách nhiệm trước toàn Đảng, toàn dân về tình hình mọi mặt của Đảng và đất nước; quyết định những vấn đề chiến lược và chủ trương, chính sách lớn về KT-XH, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng hệ thống chính trị, công tác quần chúng nhằm thực hiện Cương lĩnh chính trị, Hiến pháp, Điều lệ Đảng, nghị quyết Đại hội Đảng.

Về những nhiệm vụ trọng tâm sau Đại hội Đảng, ngoài công tác nhân sự, thì Trung ương cũng xây dựng chương trình làm việc toàn khóa. Chương trình này xác lập các ưu tiên của BCH Trung ương trong nhiệm kỳ của mình, trên cơ sở đó Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho các cơ quan tham mưu chuẩn bị nội dung…

Hình thức hoạt động của BCH Trung ương là hội nghị. Các hội nghị được tổ chức là theo chương trình toàn khóa này và ngoài ra còn có chương trình hàng năm, do Bộ Chính trị triệu tập.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các Lãnh đạo chủ chốt trên vị trí điều hành Hội nghị Trung ương 6. Ảnh: TTXVN.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các Lãnh đạo chủ chốt trên vị trí điều hành Hội nghị Trung ương 6. Ảnh: TTXVN.

“Bất thường” chỉ là cách gọi

Thông thường, BCH Trung ương họp trực tiếp định kỳ 6 tháng một lần. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và nhất là trong xu hướng chuyển đổi số và Cách mạng 4.0, BCH Trung ương khóa XIII còn mở ra khả năng họp trực tuyến khi cần thiết. Đây cũng là thực tiễn hoạt động của Quốc hội và nhiều cơ quan nhà nước khác thời gian vừa qua.

Ngoài ra, với bề dày kinh nghiệm của Đảng cách mạng được tổ chức một cách chặt chẽ, Trung ương cũng luôn mở ra cơ chế để khi thấy cần hoặc có trên một nửa số Ủy viên Trung ương chính thức đề nghị thì Bộ Chính trị quyết định triệu tập Hội nghị Trung ương hoặc hội nghị bất thường.

Nói vậy để thấy, “bất thường” ở đây chỉ là tên gọi, cách gọi. Còn tất cả đã được Đảng dự liệu bằng Điều lệ và quy định cụ thể của mình.

Ngược dòng thời gian thì trong nhiều nhiệm vụ của BCH Trung ương, nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng đối lúc có thể đặt ra các yêu cầu mà Bộ Chính trị thấy cần thiết phải triệu tập Hội nghị Trung ương bất thường để Trung ương thực thi thẩm quyền của mình.

Gần đây nhất là Hội nghị Trung ương bất thường hồi tháng 6-2022, khi BCH Trung ương nhóm họp để xem xét thi hành kỷ luật nghiêm khắc theo thẩm quyền với hai Ủy viên Trung ương đương nhiệm là ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long – với những dấu hiệu phạm tội rõ ràng, đến mức bị khởi tố điều tra hình sự.

Xa hơn, tháng 3-1995, trong quá trình chuẩn bị Đại hội VIII, vốn được lên kế hoạch tổ chức ngay năm sau đó, Bộ Chính trị khóa VII cũng triệu tập Hội nghị Trung ương bất thường để lựa chọn, giới thiệu nhân sự BCH Trung ương khóa VIII có chất lượng cao hơn nhằm đủ sức thực hiện những nhiệm vụ chiến lược đặt ra ở giai đoạn lịch sử ấy…

Xem xét, thi hành kỷ luật hay cho ý kiến, giới thiệu hoặc quyết định theo thẩm quyền, bản chất là các công việc thuộc về nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, và thường được gọi chung là “công tác nhân sự”.

Các Ủy viên Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 6. Ảnh: TTXVN

Các Ủy viên Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 6. Ảnh: TTXVN

“Bất thường” nhưng là bình thường

Gắn với kỳ họp Quốc hội bất thường sẽ họp trù bị ngày 4 và khai mạc vào 5-1-2023, được thông báo chương trình dự kiến có thể gồm công tác nhân sự là Đại biểu Quốc hội và nhân sự khác thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Quốc hội, có thể hiểu rằng Hội nghị Trung ương bất thường ngày mai sẽ tập trung vào công tác nhân sự.

Công tác nhân sự không chỉ là xem xét, thi hành kỷ luật như ở Hội nghị Trung ương bất thường hồi tháng 6, mà còn có thể là các thẩm quyền khác, chẳng hạn quyết định việc rút khỏi BCH Trung ương hoặc thôi làm nhiệm vụ với từng trường hợp cụ thể. Hoặc cũng có thể là cho ý kiến về các nhân sự để Quốc hội bầu, phê chuẩn để Bộ Chính trị cân nhắc trước khi chính thức giới thiệu theo thẩm quyền...

Tóm lược như trên thì thấy rằng, bất thường nên được coi bình thường. Bởi chỉ có vậy, BCH Trung ương, Quốc hội hoặc các thiết chế chính trị khác mới có thể thực thi đầy đủ, kịp thời, trách nhiệm trước toàn Đảng, toàn dân về mọi mặt của quốc gia, đáp ứng ngày càng tốt hơn kỳ vọng, niềm tin của Nhân dân vào hệ thống chính trị.

Phản ứng kịp thời trước các yêu cầu thời cuộc

Trong những ngày cuối đời, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương vẫn đau đáu với thời cuộc.

Ở thời điểm Hội nghị Trung ương bất thường hồi tháng 6, chia sẻ với PLO, ông đã liên hệ công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy lên rất cao từ sau Đại hội XIII, bày tỏ niềm tin vào Trung ương Đảng: “Hội nghị Trung ương bất thường, nhưng rất bình thường. Vì Trung ương đã phản ứng kịp thời trước yêu cầu của thời cuộc”.

NGHĨA NHÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/hoi-nghi-trung-uong-bat-thuong-la-binh-thuong-post714378.html