Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp

Sáng 17/5, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn

Các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đồng chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy; Sở Tư pháp và đại diện các sở, ngành liên quan.

Luật Giám định tư pháp được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Trải qua 12 năm thi hành, các bộ, ngành đã ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn; hệ thống các quy định về giám định tư pháp tiếp tục được hoàn thiện; hệ thống tổ chức giám định tư pháp, đội ngũ người làm giám định tư pháp tiếp tục được củng cố và phát triển; hoạt động và quản lý nhà nước về giám định tư pháp từng bước đổi mới, nâng cao hiệu quả. Hoạt động giám định tư pháp đã phục vụ ngày càng tốt hơn cho hoạt động tố tụng, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật.

Đối với Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp theo Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 28/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ, sau 5 năm thực hiện, công tác giám định tư pháp cơ bản đạt được các mục tiêu, nội dung đề án đề ra. Cụ thể, 12/15 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành quy trình và thời hạn giám định; hệ thống tổ chức giám định tư pháp công lập được củng cố, kiện toàn... Các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về giám định tư pháp được các bộ, ngành và địa phương quan tâm tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Tại Lạng Sơn, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành chủ động tuyên truyền, phổ biến Luật Giám định tư pháp và các văn bản liên quan; quan tâm kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong hoạt động giám định tư pháp… Hiện nay, toàn tỉnh có 4 tổ chức giám định tư pháp với 29 giám định viên tư pháp,125 người giám định tư pháp theo vụ việc. Từ đầu năm 2018 đến 30/6/2023, toàn tỉnh đã thực hiện 3.291 vụ việc giám định pháp y; 4.594 vụ việc giám định kỹ thuật hình sự và 1.059 vụ việc giám định lĩnh vực tài chính, xây dựng, văn hóa và các lĩnh vực khác.

Tại hội nghị, đại biểu đã phát biểu tham luận, thảo luận về thực trạng hoạt động giám định tư pháp trong Công an Nhân dân, lĩnh vực y tế, tài chính, tài nguyên và môi trường... Trong đó làm rõ những hạn chế, vướng mắc trong lĩnh vực giám định tư pháp như: một số quy trình giám định chưa được ban hành; cơ sở vật chất, trang thiết bị ở hầu hết các đơn vị pháp y trong toàn quốc còn hạn chế, chưa tương xứng với quy mô và chức năng nhiệm vụ được giao...

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương đề nghị các bộ, ngành Trung ương và các địa phương tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng văn bản quy phạm pháp luật, bám sát thực tiễn, kiến nghị, đề xuất Bộ Tư pháp tổng hợp, hoàn thiện Báo cáo tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp. Trên cơ sở đó, kiến nghị, đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Giám định tư pháp và tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chưa đạt được của đề án nhằm đáp ứng tốt yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như yêu cầu về cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong thời gian tới.

NGỌC HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-tong-ket-thi-hanh-luat-giam-dinh-tu-phap-5008746.html