Hội nghị trực tuyến đối thoại với doanh nghiệp, thể hiện tinh thần yêu nước, hành động mạnh mẽ để cùng nhau chia sẻ khó khăn, tranh thủ 'thời cơ vàng' để phát triển nền kinh tế đất nước

Hôm nay 9/5/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị trực tuyến với 93 điểm cầu trên cả nước để đối thoại với doanh nghiệp (DN) nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế ứng phó COVID -19. Tại điểm cầu Quảng Trị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng lãnh đạo các sở, ngành và 50 doanh nghiệp tiêu biểu đã dự hội nghị.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị- Ảnh: HNK

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị- Ảnh: HNK

Với thông điệp “cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”, hội nghị kỳ vọng sẽ tìm ra những giải pháp hữu hiệu, những hiến kế sáng tạo của cộng đồng DN và các bộ, ngành, Chính phủ. Qua đó thể hiện tinh thần yêu nước, hành động mạnh mẽ để cùng nhau chia sẻ khó khăn, tranh thủ “thời cơ vàng” để phát triển nền kinh tế đất nước.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về tác động của dịch COVID-19, thách thức và thời cơ, cơ hội phát triển kinh doanh và thông báo nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trình bày tổng hợp các kiến nghị, sáng kiến của DN, hiệp hội DN; đánh giá hiệu quả, mức độ tiếp nhận, hấp thụ của DN đối với các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ DN.

Trong số 130.000 DN được Tổng cục Thống kê khảo sát thời gian qua, có tới 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Doanh thu quý I của các DN giảm mạnh, bằng 74% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Kế hoạch-Đầu tư đánh giá dù doanh thu của DN bị giảm mạnh so với kế hoạch nhưng vẫn phải gánh chịu các khoản chi phí như chi trả lương, chi lãi vay, chi thuê mặt bằng và các khoản chi liên quan đến người lao động…

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong bối cảnh đã kiểm soát được dịch bệnh thì nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, đời sống, tăng trưởng. Phải tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Thủ tướng nêu rõ 5 mũi đột phá để tăng trưởng, phát triển, vượt qua khó khăn giai đoạn này, đó là: Thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân và đẩy mạnh tiêu dùng nội địa.

Sau đó, Hội nghị lắng nghe ý kiến của cộng đồng DN, hiệp hội, chuyên gia, thể hiện quyết tâm vượt khó, ý chí tiến thủ, chung sức đưa kinh tế đất nước bật dậy. Các bộ, ngành, địa phương giải đáp các kiến nghị, vướng mắc của DN, đề ra giải pháp thực hiện. Trong đó tập trung vào các chính sách tài khóa tiền tệ, thuế, phí; hỗ trợ, tín dụng, lãi suất cho DN; giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn; giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến…

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ, các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các đại biểu, nhà đầu tư, DN, hiệp hội trong và ngoài nước để có nghị quyết tốt nhất tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN phát triển trong thời gian tới.

Các bộ, cơ quan, đặc biệt là các địa phương cần có chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho DN. Đặc biệt quan tâm đến DN và người lao động yếu thế, nhất là các DN nhỏ và vừa.

Quan tâm xử lý nhanh các kiến nghị của DN để không làm mất cơ hội kinh doanh của DN. Tạo môi trường tốt cho DN, hợp tác, hỗ trợ DN cả về chính sách tài khóa tiền tệ, lãi suất để chia sẻ cùng DN; cùng hợp sức giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô, nhất là giữ lạm phát, giữ giá trị đồng Việt Nam.

Các cơ quan thực thi pháp luật nghiêm khắc tuân thủ các nguyên tắc tố tụng nhưng trên tinh thần không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Nâng cao đạo đức công vụ, tạo mọi thuận lợi để DN phát triển.

Các trung tâm kinh tế lớn, các địa phương có sân bay, bến cảng… phải tập trung phát triển nhanh, nhất là phát triển dịch vụ logistic để giảm chi phí cho DN. Các hiệp hội chủ động tìm kiếm thông tin, đặc biệt là những thông tin tiến bộ khoa học kỹ thuật, về quản lý để áp dụng vào các DN thuộc hiệp hội mình.

Đối với DN cũng như với các cơ quan nhà nước cần phải giữ 3 thứ, đó là giữ lao động; giữ thị trường và phát triển thị trường; giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam đổi mới, trung thực và quyết tâm phát triển.

Trên tinh thần đó, phải cải cách, tái cơ cấu DN phù hợp với bối cảnh hiện nay. DN Việt Nam, DN nước ngoài đầu tư ở Việt Nam ý thức về niềm tự hào dân tộc. Thủ tướng nhấn mạnh “lửa thử vàng, gian nan thử sức” nên chúng ta cùng đoàn kết, cùng quyết tâm để hoàn thành mọi nhiệm vụ, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

H.N.K

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=148215