Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu đầu tiên của châu Phi khai mạc

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu đầu tiên của châu Phi đã khai mạc tại Thủ đô Kenya vào thứ Hai (4/9), nhằm thống nhất quan điểm chung của lục địa này trước các hội nghị khí hậu toàn cầu sắp tới.

Các nhà tổ chức cho biết họ dự đoán các thỏa thuận trị giá hàng trăm triệu USD sẽ được công bố tại hội nghị kéo dài ba ngày này. Họ muốn giới thiệu châu Phi như một điểm đến cho đầu tư về khí hậu chứ không phải là nạn nhân của lũ lụt, hạn hán và nạn đói.

 Một khu vực ngập lụt ở Malawi hồi tháng 3 năm 2023. Ảnh: Reuters

Một khu vực ngập lụt ở Malawi hồi tháng 3 năm 2023. Ảnh: Reuters

Vào thứ Hai, các Bộ trưởng Môi trường, giám đốc điều hành doanh nghiệp và các nhà vận động khí hậu sẽ thảo luận về cách mở rộng quy mô tài chính khí hậu và thị trường carbon, đầu tư để thích ứng với nhiệt độ tăng và chuyển đổi hệ thống thực phẩm.

Họ có kế hoạch đưa ra tuyên bố nêu rõ quan điểm của châu Phi trước Hội nghị về khí hậu của Liên hợp quốc vào tháng tới tại New York vào tháng 9 và Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc COP28 tại UAE vào cuối tháng 11.

Trong bài phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Môi trường Kenya Soipan Tuya nhấn mạnh tính cấp bách của thời điểm này. Bà Tuya nói: "Cuộc tranh luận về biến đổi khí hậu đã bước sang một kỷ nguyên mới. Nếu chúng ta không phát triển các biện pháp ứng phó phù hợp để đối phó với cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu, nó sẽ hủy hoại chúng ta”.

Các nhà lãnh đạo châu Phi đang thúc đẩy các công cụ tài chính dựa trên thị trường như tín dụng carbon nhằm huy động nguồn tài trợ mà họ cho rằng đã đến chậm từ các nhà tài trợ ở quốc gia giàu có.

Tín dụng carbon cho phép những đối tượng gây ô nhiễm bù đắp lượng khí thải bằng cách tài trợ cho các hoạt động bao gồm trồng cây và năng lượng tái tạo.

Một trong những ngân hàng cho vay hàng đầu ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Rawbank và nhà kinh doanh năng lượng toàn cầu Vitol hôm thứ Hai đã công bố khoản đầu tư 20 triệu USD vào năng lượng tái tạo, nấu ăn sạch và bảo tồn rừng ở Congo.

Tuy nhiên, nhiều nhà vận động châu Phi đã phản đối cách tiếp cận của hội nghị này, cho rằng nó thúc đẩy các ưu tiên của phương Tây gây bất lợi cho lục địa này.

Họ cho rằng tín dụng carbon và các công cụ tài chính khác là cái cớ để các quốc gia và tập đoàn giàu có hơn tiếp tục gây ô nhiễm và các quốc gia châu Phi nên yêu cầu các nhà tài trợ phải thực hiện các cam kết tài chính mà trước đây họ đã đưa ra cho các quốc gia nghèo hơn, mà cho đến nay mới chỉ đáp ứng được một phần.

Mohamed Adow, Giám đốc năng lượng tại tổ chức tư vấn Power Shift Africa, cho biết: “Châu Phi cần nguồn tài trợ từ các quốc gia đã trở nên giàu có dựa trên nỗi đau của chúng ta. Họ nợ một khoản nợ về khí hậu”.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, các nước châu Phi chỉ đóng góp khoảng 3% lượng khí thải carbon toàn cầu, nhưng ngày càng phải đối mặt với tác động của thời tiết khắc nghiệt liên quan đến biến đổi khí hậu, bao gồm cả đợt hạn hán tồi tệ nhất ở vùng Sừng châu Phi trong nhiều thập kỷ.

Mai Anh (theo Reuters, CNA)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-ve-khi-hau-dau-tien-cua-chau-phi-khai-mac-post263217.html