Hội nghị thượng đỉnh BRICS khai mạc tại Johannesburg (Nam Phi)

Ngày 22/8, các nhà lãnh đạo của nhóm BRICS gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã bắt đầu hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày tại Johannesburg (Nam Phi) giữa lúc nhóm các nền kinh tế mới nổi này đang hướng tới việc khẳng định vai trò quan trọng trên trường quốc tế.

Các nhà lãnh đạo của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS đã bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày tại Johannesburg, Nam Phi , ngày 22/8. (Ảnh: Jerome Delay/AP).

Kể từ khi được thành lập vào năm 2009, Hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS lần này đã thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế trước thông tin sự kiện này sẽ cân nhắc tới việc kết nạp thêm thành viên.

Trước thềm khai mạc Hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tin tưởng rằng "việc mở rộng BRICS sẽ đại diện cho một nhóm đa dạng các quốc gia có hệ thống chính trị khác nhau, có chung mong muốn có một trật tự toàn cầu cân bằng hơn”.

Chủ trương mở rộng BRICS được đưa ra bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã gặp Tổng thống Ramaphosa trước Hội nghị thượng đỉnh. Tổng thống Ramaphosa cho biết Nam Phi và Trung Quốc có chung quan điểm về việc mở rộng khối.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Diễn đàn Doanh nhân 2023 diễn ra cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã khẳng định lập trường của Bắc Kinh nhằm ủng hộ quan hệ đối tác chiến lược BRICS mạnh hơn, tích cực mở rộng thành viên và giúp làm cho trật tự quốc tế công bằng và hợp lý hơn.

Các quan chức Nam Phi cho biết hiện đã có hơn 40 quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS, trong đó có gần 20 quốc gia đã gửi yêu cầu chính thức trở thành thành viên. Trong số các quốc gia mong muốn gia nhập BRICS gồm: Argentina, Nigeria, Iran, Belarus, Ả rập Xê út, Indonesia…Sự đa dạng của các các ứng cử viên tiếp tục khẳng định vai trò và tầm quan trọng của khối BRICS vốn đại diện cho 40% dân số thế giới và chiếm 1/4 nền kinh tế thế giới.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này có chủ đề “BRICS và châu Phi: Quan hệ đối tác vì Tăng trưởng nhanh, Phát triển bền vững và Chủ nghĩa đa phương bao trùm". Sự kiện bao gồm sự tham gia của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Brazil Lula da Silva cùng khoảng 50 nhà lãnh đạo khác trên thế giới. Tổng thống Nga Vladimir Putin không trực tiếp tham dự Hội nghị thượng đỉnh và sẽ có bài phát biểu trực tuyến. Ngoại trưởng Sergei Lavrov thay mặt ông tới dự trực tiếp cuộc họp.

Trong ngày đầu tiên diễn ra Hội nghị thượng đỉnh, các quốc gia thành viên BRICS đã đề cập tới các biện pháp nhằm thúc đẩy thương mại, với các chủ đề xoay quanh lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng sạch đứng đầu chương trình nghị sự.

Phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Doanh nhân BRICS 2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, các nước BRICS tiếp tục tăng cường hợp tác trong bối cảnh các thách thức kinh tế bên ngoài đang diễn ra.

Tổng thống Putin khẳng định: “Nga ủng hộ việc thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn trong khuôn khổ BRICS về các vấn đề cung cấp nguồn năng lượng và thực phẩm đáng tin cậy và không bị gián đoạn cho thị trường thế giới”.

Nhà lãnh đạo này tin tưởng rằng, quan hệ đối tác nhiều mặt trong khuôn khổ BRICS không chỉ đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của các quốc gia thành viên mà còn góp phần cải thiện tình hình kinh tế toàn cầu cũng như thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc./.

T.Lan (Theo Xinhua, DW, nytimes)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/hoi-nghi-thuong-dinh-brics-khai-mac-tai-johannesburg-nam-phi-644843.html