Hội nghị Kết nối tiêu thụ sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm

Sáng 26/9, Chi cục Quản lý chất lượng Nông - Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) tổ chức hội nghị Kết nối tiêu thụ sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh và cá nhân, đơn vị tiêu dùng.

Các đại biểu dự hội nghị.

Dự hội nghị có đại diện các Chi cục thuộc Sở, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch (Sở Du lịch); đại diện một số cơ sở sản xuất, kinh doanh và cá nhân, đơn vị tiêu dùng.

Các đại biệu dự hội nghị được nghe giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Theo đó, những năm qua nông nghiệp Ninh Bình đã tập trung phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa đảm bảo an toàn, ứng dụng công nghệ cao, hình thức tổ chức sản xuất đa dạng, tiên tiến, bền vững.

Cùng diện tích cây lúa là chủ lực, các địa phương phát huy thế mạnh theo các tiểu vùng trũng, tiểu vùng ven đô thị, tiểu vùng đồng bằng và vùng ven biển để đẩy mạnh mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm chủ lực.

Trong đó, đã có hàng nghìn hecta nuôi trồng lúa cá, trồng hoa rau, quả, nuôi cây, con đặc sản… tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào từ động vật, thực vật, thủy hải sản phục vụ chế biến nông sản, đồng thời là điều kiện thuận lợi sản xuất đa dạng sản phẩm và phong phú chủng loại.

Cụ thể như: gạo đặc sản, hoa cao cấp, cúc dược liệu, các thực phẩm từ ngao, hàu, cua, cá ốc, cá rô Tổng Trường, cá Tràu tiến vua, dê núi… phục vụ nhu cầu đời sống tại chỗ, đồng thời kết hợp phát triển dịch vụ, du lịch.

Những năm qua, tỉnh và ngành nông nghiệp đã có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ đầu tư cho lĩnh vực sản phẩm nông nghiệp hoặc sản phẩm được chế biến từ nông nghiệp, từ đó nâng giá trị sản xuất hàng hóa từ khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Đến nay, Ninh Bình có trên 200 cơ sở, doanh nghiệp, HTX tham gia hoạt động sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản. Tính đến hết năm 2022, Ninh Bình có 101 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên.

Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Lệ Thanh (thành phố Ninh Bình) giới thiệu với các đại biểu sản phẩm "Thịt trưng Mắm tép", hạng Ocop 4 sao năm 2021.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các nông sản của tỉnh Ninh Bình vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế từng tiểu vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp. Còn yếu trong một số khâu trong sản xuất, bảo quản, chế biến. Các mối liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản còn ít, tính bền vững không cao.

Công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường còn nhiều lúng túng; thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh…

Đặc biệt, chưa có nhiều các vùng sản xuất tập trung là nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; Mới chỉ có một số ít vùng nguyên liệu sản xuất theo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, chứng nhận VietGAP hoặc các tiêu chuẩn tương đương

Các sản phẩm đặc sản, đặc hữu chưa được đầu tư phát triển bài bản nên số lượng, chất lượng còn nhiều hạn chế. Còn ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hình thành chuỗi giá trị lớn xuất khẩu..

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận nêu rõ tầm quan trọng của việc nối tiêu thụ sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh và cá nhân, đơn vị tiêu dùng.

Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại góp phần kết nối tiêu thụ nông lâm thủy sản Ninh Bình với các tỉnh trong cả nước, tạo dựng được uy tín, tăng độ tin cậy về chất lượng, an toàn thực phẩm của nông sản Ninh Bình.

Cũng tại hội nghị, các biểu tham quan gian trưng bày các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đã được xếp hạng theo chuẩn OCOP.

Minh Đường - Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-nghi-ket-noi-tieu-thu-san-pham-dam-bao-chat-luong-an/d20230926140119247.htm