Hội nghị hòa bình Ukraine đưa Thụy Sĩ đến gần với phương Tây

Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine sắp tới cho thấy các lợi ích kinh tế và an ninh của một Thụy Sĩ trung lập đang ngày càng phù hợp với Tây Âu hơn là Nga.

Đây là quan điểm của cả những người Thụy Sĩ ủng hộ việc hợp tác chặt chẽ hơn với các cường quốc phương Tây lẫn những người cho rằng Thụy Sĩ nên giữ thái độ trung lập truyền thống.

Thụy Sĩ không mời Nga tham dự Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine diễn ra ngày 15 - 16/6 tại một khu nghỉ mát ven hồ gần thành phố miền trung Lucerne. Hồi tháng 1, Thụy Sĩ đã đồng ý đăng cai tổ chức hội nghị theo yêu cầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.

Theo các nhà ngoại giao phương Tây và các chuyên gia chính sách đối ngoại Thụy Sĩ, hội nghị thượng đỉnh này sẵn sàng hướng tới việc bảo vệ Ukraine hơn là xây dựng cầu nối cho hòa bình ngay lập tức.

 Biểu tình phản đối xung đột Nga - Ukraine trước Văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters

Biểu tình phản đối xung đột Nga - Ukraine trước Văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters

Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho biết tính trung lập của Thụy Sĩ là "không đổi" và cũng sẽ không bị thay đổi bởi hội nghị. "Nhưng trung lập không có nghĩa là thờ ơ", Bộ này nói thêm. "Ngoài lĩnh vực quân sự, quyền trung lập không cản trở sự đoàn kết và hỗ trợ của Thụy Sĩ đối với Ukraine và người dân nước này".

Ông Thomas Borer, cựu đại sứ Thụy Sĩ tại Đức, cho biết lợi ích kinh doanh và an ninh của Thụy Sĩ gắn liền với Tây Âu, Bắc Mỹ và các đồng minh của họ, vì vậy việc Thụy Sĩ sát cánh với Ukraine là điều cấp thiết về mặt chiến lược.

Ông nói: "Cả Nga lẫn các đồng minh phương Tây đều không coi Thụy Sĩ là trung lập". Khoảng 2/3 hàng xuất khẩu của Thụy Sĩ là đến Bắc Mỹ, Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Nhật Bản và Úc. Trong khi đó, chưa tới 1% đến Nga.

Kể từ xung đột Nga - Ukraine, hai quốc gia trung lập trong lịch sử khác của châu Âu là Thụy Điển và Phần Lan đều đã gia nhập NATO. Nhà lập pháp Franziska Roth tại Quốc hội Thụy Sĩ nhận định, việc giúp Ukraine phục hồi sau xung đột nên được ưu tiên hơn các quan điểm về tính trung lập.

Tuy nhiên, tính trung lập đã bám sâu trong tâm lý người Thụy Sĩ. Một nghiên cứu công bố hồi tháng 3 bởi Trung tâm Nghiên cứu An ninh tại ETH Zurich cho thấy 91% người Thụy Sĩ cảm thấy đất nước nên giữ thái độ trung lập, dù 26% ủng hộ việc Thụy Sĩ nên có "lập trường rõ ràng" ủng hộ một bên trong các cuộc xung đột quân sự nước ngoài. Đa số ủng hộ việc Thụy Sĩ tiến gần hơn đến NATO.

Đảng Nhân dân Thụy Sĩ (SVP) cánh hữu, nhóm lớn nhất tại Hạ viện Thụy Sĩ, cho rằng tính trung lập là một phần không thể thiếu cho sự thịnh vượng của Thụy Sĩ. Sự ủng hộ dành cho Ukraine sẽ làm suy yếu điều đó.

Chính trị gia Christoph Blocher của SVP trong tháng này đã chỉ trích Hội nghị thượng đỉnh hòa bình, nói rằng việc không mời Nga sẽ không mang lại điều tốt lành cho Thụy Sĩ.

Điện Kremlin mô tả Thụy Sĩ có thái độ "thù địch công khai" và không thích hợp để làm trung gian cho các nỗ lực xây dựng hòa bình, đặc biệt khi nước này áp dụng các biện pháp trừng phạt của EU đối với Moscow.

Ngọc Ánh (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hoi-nghi-hoa-binh-ukraine-dua-thuy-si-den-gan-voi-phuong-tay-post295054.html