Hội nghị G7 kết thúc: 'Lập lờ' giữa chia rẽ và đồng thuận

Tổng thống Donald Trump khiến các đồng minh vừa “thở phào” vừa “rối bời” tại Sicily.

Dưới sức ép của các nước đồng minh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải đồng ý ủng hộ cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ; tuy nhiên, ông từ chối tán thành thỏa thuận liên quan đến biến đổi khí hậu.

Sau những cuộc thảo luận kéo dài với các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Anh, Italy, Canada và Nhật Bản tại Hội nghị thượng đỉnh G7, trong một bài post mới đây trên Twitter, Tổng thống Trump cho biết, tuần tới mình sẽ đưa ra quyết định có tán thành Hiệp định Paris 2015 về cắt giảm lượng khí thải hiệu ứng nhà kính hay không.

“Toàn bộ cuộc thảo luận về khí hậu rất khó khăn, nếu không muốn nói là rất không thỏa đáng,” Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trước phóng viên; “Chưa có dấu hiệu rõ ràng liệu nước Mỹ có ở lại với Hiệp định Paris hay không.”

Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cũng phần nào khiến mọi người “thở phào” khi cam kết đấu tranh chống lại chủ nghĩa bảo hộ, và hứa sẽ tuân theo hệ thống thương mại quốc tế dựa trên các quy tắc.

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm ngoái, ông Trump từng đe dọa đơn phương áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ Mexico và Trung Quốc, đồng thời tuyên bố sẽ chấm dứt Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) nếu nó không được tái thỏa thuận theo những gì ông mong muốn. Đầu tuần vừa rồi, Tổng thống Mỹ phê bình Đức là “rất tệ” vì đã để xảy ra tình trạng thặng dư thương mại với Mỹ.

“… đây là một bước tiến về phía trước,” một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên bình luận về quyết định của nước Mỹ trong lĩnh vực thương mại tại hội nghị.

Tổng thống Trump và Thủ tướng Đức Merkel tại Hội nghị G7 (ảnh: Reuters)

Bản thông cáo cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay chỉ dài 6 trang – quá ít ỏi so với con số 32 trang của năm 2016. Một số nhà ngoại giao tiết lộ, các nhà lãnh đạo G7 muốn một văn kiện đơn giản, có thể dễ dàng tiếp cận tới nhiều người dân hơn.

Sau nhiều giờ thảo luận, bản thông cáo cuối cùng còn bao gồm cả một lời “đe dọa” tách riêng, từng được bổ sung vào thông cáo cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh G7 năm ngoái – đó là sẽ có thêm hành động đối phó với Nga, trước sự can thiệp của nước này tại Ukraine.

Liên minh châu Âu và nước Mỹ đã áp dụng các lệnh cấm vận với Nga sau khi Moscow sáp nhập Crimea vào năm 2014, và cam kết sẽ gia tăng trừng phạt nếu Nga tiếp tục “nhúng tay” vào nội bộ Ukraine. Những hứa hẹn của Tổng thống Trump về một mối quan hệ nồng ấm hơn với Moscow đã làm nảy sinh những lo lắng liệu Mỹ có thực hiện các lệnh cấm vận nữa hay không.

Nguồn tin từ giới ngoại giao cho biết, các nhà lãnh đạo G7 đã đạt được sự đồng thuận trong một số vấn đề quốc tế chủ chốt như Syria và CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, Italy tỏ ra thất vọng khi không nhận được sự ủng hộ cần thiết cho lời kêu gọi mở thêm các kênh pháp lý cho người nhập cư, nhằm làm giảm làn sóng người tị nạn từ Libya đang tìm mọi cách đặt chân lên châu Âu.

“[Lời kêu gọi] vấp phải sự phản đối rất mạnh từ Anh và Mỹ, những quốc gia muốn tái tập trung vào an ninh, và làm giảm nhẹ việc mở rộng quyền tự do đi lại,” một nhà ngoại giao châu Âu tiết lộ.

Những thách thức về an ninh cũng nhận được sự quan tâm từ hội nghị. Các nhà lãnh đạo kêu gọi những nhà cung cấp dịch vụ Internet và các công ty mạng xã hội tăng cường nỗ lực kiểm soát các nội dung cực đoan trên Internet.

Không giống như các nguyên thủ G7 khác, trước khi lên đường trở về Washington, Tổng thống Trump không tổ chức họp báo. Các quan chức Mỹ cho biết, ông Trump đã có các cuộc đối thoại hiệu quả với các đồng minh tại Sicily, đồng thời cũng đã biết được rất nhiều điều, đặc biệt về vấn đề biến đổi khí hậu.

“Tổng thống đến đây để học hỏi. Ông đến đây để hiểu biết hơn,” cố vấn kinh tế của ông Trump, Gary Cohn nói hôm thứ Sáu (27/5).

(Theo Reuters)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi-su-kien/hoi-nghi-g7-ket-thuc-lap-lo-giua-chia-re-va-dong-thuan-240215.html